VN-Index hồi phục nhẹ trên nền thanh khoản thấp trong phiên đầu năm
"Mở bát" năm 2025, VN-Index kết phiên trong sắc xanh sau phiên giảm hơn 5 điểm trong phiên kết năm 2024. Dù có phiên tăng điểm song thanh khoản thị trường yếu và khối ngoại vẫn bán ròng khiến nhà đầu tư không thể tránh khỏi đôi chút thất vọng trong phiên đầu năm (2/1/2025).
Sau phiên điều chỉnh cuối năm 2024, thị trường diễn biến có phần trầm lắng khi chịu áp lực giảm điểm của một số cổ phiếu nhóm ngân hàng sau khi "hiệu ứng chốt NAV" (thời điểm các quỹ đầu tư chốt giá trị tài sản ròng của danh mục đang nắm giữ trên sổ sách kế toàn vào cuối năm tài chính) đã đi qua. Điểm sáng là khối lượng duy trì ở mức thấp, cho thấy không có lực cung bán ra lớn. Ngoài ra, điểm sáng trong phiên là nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm (BVH) và dầu khí (PLX) đều cho thấy lực cầu tích cực
Bước sang phiên chiều, áp lực bán chốt lời ngành Ngân hàng cho thấy dấu hiệu suy yếu khi các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn đều đồng loạt đảo chiều và xanh nhẹ trong phiên. Diễn biến của VN-Index trong phiên chiều có phần tích cực hơn so với phiên sáng, VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh vào giữa phiên với sự hồi phục của nhóm ngân hàng, tiêu biểu có CTG, STB, cùng với sự duy trì sức mạnh của VCB (tăng 0,8%), BID (tăng 1,70%) và HPG (tăng 1,3%).
VN30-Index kết phiên đầu năm trong sắc đỏ, giảm nhẹ 1,55 điểm với 12 mã tăng và 11 mã giảm, trong đó đáng chú ý là HDB giảm 1,57% và TCB giảm 1,22%, hai mã lấy đi nhiều điểm nhất của chỉ số chung và cũng là hai mã dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Nối tiếp năm bán ròng, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên đầu tiên của năm 2025. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng 120 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán FPT, VCB và ACV, trong đó bán 222 tỷ đồng FPT. Ngược lại, khối này mua vào chủ yếu HPG, MSN và VGC.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025, sàn HOSE có 239 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng 2,93 điểm (+0,23%), lên 1.269,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 428,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 10.752 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên cuối cùng của năm 2024. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 56,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.947,6 tỷ đồng.
Sàn HNX có 88 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,26 điểm (+0,11%), lên 227,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 497,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị đạt 105,1 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 95,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,5 triệu đơn vị, giá trị 415,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 92 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2501 tăng nhẹ 1,4 điểm, tương đương +0,1% lên 1.346,9 điểm, khớp lệnh hơn 153.100 đơn vị, khối lượng mở hơn 43.700 đơn vị.
CTCK Vietcombank cho rằng, rung lắc biên rộng có thể làm tâm lý nhà đầu tư có phần lưỡng lự, tuy nhiên với thanh khoản thấp và lực hấp thụ cung đang tốt, cho thấy điểm giải ngân lớn hơn của thị trường đang gần tới. Nhà đầu tư có thể duy trì danh mục hiện tại, bên cạnh đó, cân nhắc giải ngân gia tăng từng phần với những cổ phiếu đang nắm giữ.
Tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025 sáng ngày 2/1/2025 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đặt kỳ vọng, với các nỗ lực của Chính phủ nhằm phát triển nền kinh tế và những giải pháp nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, hiệu quả, bền vững cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ.