Vấn đề - Nhận định

Chính sách và thị trường tiền tệ năm 2024, triển vọng 2025

Th.S Hồ Ngọc Tú* 04/01/2025 06:43

Nhờ sự linh hoạt, chủ động của chính sách tiền tệ trong năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, thị trường tiền tệ diễn biến ổn định và là kênh dẫn vốn quan trọng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát.

Các mức lãi suất cho vay, huy động duy trì ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng khá, nợ xấu và chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng có chuyển biến tích cực và thị trường ngoại hối ổn định trong cả năm 2024. Triển vọng trong năm 2025, lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng cao hơn và nợ xấu vẫn diễn biến ổn định. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường ngoại hối vẫn khó đoán định khi chịu tác động của các cú sốc từ bên ngoài như Hoa Kỳ có thể áp dụng chính sách thuế quan mới và Trung Quốc sẽ có thể thay đổi chính sách tỷ giá để ứng phó với những bất lợi về thương mại.

Diễn biến thị trường tiền tệ năm 2024

Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, đồng thời chủ động ứng phó linh hoạt với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để thực thi các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn ở mức thấp tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất cho vay đến tháng 12/2024 giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất đã góp phần đưa mặt bằng mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại duy trì ở mức thấp ổn định trong năm 2024.

Về vấn đề tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, khi đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trong năm 2024 theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Tín dụng cấp ra nền kinh tế đã tập trung vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và tính đến ngày 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Mặc dù chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đã suy giảm đáng kể từ sau trầm lắng của thị trường bất động sản và khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2022-2023, tuy nhiên năm 2024, nợ xấu từ các khoản tín dụng trong nền kinh tế vẫn ở mức an toàn. Theo dự báo của Chứng khoán ACBS, mặc dù nợ xấu tăng nhẹ trong một số quý của năm 2024 nhưng đã có xu hướng giảm và ở mức 1,6% vào cuối năm 2024.

Về thị trường ngoại hối, các cú sốc bên ngoài như chính sách lãi suất của FED, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD một số giai đoạn tăng cao và các rủi ro địa chính trị đã tác động mạnh đến tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD. Vào đầu quý II/2024, tỷ giá VND/USD đã tăng giá mạnh từ mức 24.650 VND/USD lên mức cao nhất năm 25.460 VND/USD chỉ trong gần 2 tháng, tương đương đồng VND mất giá hơn 3% so với đồng USD. Trước diễn biến phức tạp của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp linh hoạt thông qua nghiệp vụ bán USD từ dự trữ ngoại hối cũng như phát hành tín phiếu ngắn hạn nhằm giảm đà tăng của tỷ giá. Nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt đã giúp thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ và tỷ giá diễn biến phù hợp, ổn định trong các tháng còn lại của năm 2024.

Dự báo triển vọng ngành Ngân hàng năm 2025

Năm 2025, lãi suất huy động dự báo sẽ duy trì ở mức thấp và đi ngang trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và FED tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, xu hướng lãi suất huy động sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động để tăng cường huy động vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Đối với lãi suất cho vay tương tự lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ đi ngang và duy trì ở mức thấp trong năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, cơ chế điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước làm gia tăng cạnh tranh cấp tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Nhìn chung, lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu và theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ. Lãi suất ở nhóm ngành có mức độ rủi ro hơn như bất động sản và xây dựng sẽ điều chỉnh tăng.

Về dự báo nợ xấu năm 2025, theo Công ty Chứng khoán ACBS nhận định thời điểm khó khăn nhất đã qua và tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% năm 2024. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023-2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao. Chi phí trích lập dự phòng dự báo trong năm 2025 tăng 22,2% so với năm 2024. Trong đó, các ngân hàng VietinBank và Techcombank ít chịu áp lực trích lập thêm dự phòng nhờ chất lượng tài sản ổn định và bộ đệm dự phòng tốt.

Về tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của để kích thích sự phục hồi của nền kinh tế. Một số tổ chức tài chính dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng năm 2025 ở mức 16%, tương đương mục tiêu năm 2024 dựa trên những yếu tố như: Nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ ở mức 6,5%-7% và phấn đấu 7-7,5%; Đầu tư công được Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh trong năm 2025 và kỳ vọng tăng trưởng vượt bâc trong giai đoạn 2026-2030; Kênh trái phiếu doanh nghiệp dự báo chưa sớm phục hồi, qua đó làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng ngân hàng.

Diễn biến tỷ giá trong năm 2025 vẫn biến động khó lường vì Hoa Kỳ có thể áp dụng chính sách thuế quan mới và Trung Quốc sẽ có thể thay đổi chính sách tỷ giá để ứng phó với những bất lợi về thương mại. Cụ thể, Trung Quốc có thể nới rộng biên độ biến động tỷ giá để đối phó với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ từ đó sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá VND so với USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại thặng dư và dự trữ ngoại hối gia tăng liên tục trong các năm qua tạo nền tảng để thị trường ngoại hối duy trì ổn định trong năm 2025.

Tài liệu tham khảo

- HSBC (2024). Ba giai đoạn đoạn tỷ giá USD/VND trong năm 2024. Kênh thông tin kinh tế tài chính Việt Nam Cafef.

- ACBS (2024). Dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 ở mức 15%. Thời báo tài chính Việt Nam.

* Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Th.S Hồ Ngọc Tú*