Bất chấp lạm phát tăng cao hơn mục tiêu, ECB rất có thể vẫn cắt giảm lãi suất trong tháng 1/2025
Lạm phát ở khu vực đồng Euro đã tăng cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong tháng cuối cùng của năm 2024, mặc dù điều đó khó có thể ngăn cản các nhà hoạch định chính sách giảm chi phí đi vay một lần nữa trong tháng này để hỗ trợ nền kinh tế đang suy thoái.
Ngày 7/1/2024, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu cho biết, giá tiêu dùng trong tháng 12 cao hơn 2,4% so với cùng kỳ năm 2023, tăng nhanh so với tỷ lệ 2,2% được ghi nhận trong tháng 11.
Bất chấp sự gia tăng, ECB dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt trong suốt năm 2025 do ảnh hưởng của giá năng lượng đối với lạm phát giảm dần. Tuy nhiên, giá dịch vụ cao vẫn là mối quan tâm chính của các nhà hoạch định chính sách khi họ cân nhắc các bước tiếp theo. Lạm phát khu vực dịch vụ tăng nhẹ lên 4,0% từ mức 3,9% trong tháng 11.
Thêm vào áp lực lên lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục trên toàn khu vực đồng Euro. Tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức 6,3% trong tháng 11, không thay đổi trong tháng thứ tư liên tiếp.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp cho thấy thị trường việc làm vẫn còn thắt chặt, khiến người lao động mất nhiều thời gian để yêu cầu tăng lương cao hơn và thúc đẩy giá cả tăng. Trong số các nền kinh tế lớn của khu vực đồng Euro, tất cả đều ghi nhận mức thất nghiệp ổn định hoặc thấp hơn trong tháng 11, ngoại trừ Pháp, nơi nền kinh tế suy thoái sau mùa hè và bế tắc chính trị đã góp phần khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ trong tháng.
Tuy nhiên, nhiều người dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 30/1, mặc dù các nhà đầu tư đã giảm bớt đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất nửa điểm sau khi dữ liệu lạm phát của cả Đức và Tây Ban Nha trở nên nóng hơn so với dự kiến trong những ngày gần đây. ECB đã cắt giảm lãi suất tiền gửi từ 4% xuống 3% kể từ tháng 6/2024.
Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách có thể vẫn thận trọng bởi một số yếu tố quan trọng vẫn tồn tại dai dẳng. Nhà kinh tế cấp cao Kamil Kovar của Moody’s Analytics cho biết, lạm phát khu vực dịch vụ ngày càng gia tăng, đặc biệt khi nó vẫn ở mức một năm trước đó và vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về sự điều chỉnh bền vững.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm đối với khu vực tiền tệ của 20 quốc gia châu Âu đã giảm xuống dưới mục tiêu 2% của ECB vào tháng 9 năm ngoái, trước khi tăng lên trên một lần nữa vào tháng 11.
Tuy nhiên, sự yếu kém của nền kinh tế khu vực đồng Euro đã làm gia tăng các lời kêu gọi giảm chi phí đi vay để lãi suất không còn là rào cản hạn chế hoạt động nữa và có thể đến mức mang tính kích thích. ECB vào tháng 12 dự báo mức tăng trưởng 0,2% trong quý cuối cùng của năm 2024, kém xa Mỹ.
Tăng trưởng đặc biệt suy yếu ở nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro, Đức, quốc gia có khu vực sản xuất bị suy yếu nhiều năm nay và càng trở nên trầm trọng hơn do việc không còn nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga kể từ khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra. Các công ty lớn bao gồm nhà cung cấp phụ tùng ô tô Boschand và nhà sản xuất thép Thyssenkrupp gần đây đã thông báo sa thải hàng nghìn người.
Bên cạnh đó, việc thuế nhập khẩu của Mỹ do Tổng thống đắc cử Donald Trump hứa hẹn áp đặt đối với châu Âu cũng có nguy cơ gây tổn hại đến thương mại khu vực này. Theo một cuộc khảo sát các công ty được công bố đầu tuần này, tâm lý sản xuất tại khu vực đồng Euro đã trở nên tồi tệ hơn xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết vào tháng trước rằng hướng cắt giảm lãi suất thấp hơn là rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh các rào cản bảo hộ gia tăng do các chính sách đề xuất của ông Donald Trump sẽ đe dọa triển vọng tăng trưởng vốn đã ở mức yếu.
Tuy nhiên, trong khi thuế quan sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế, tác động của chúng đối với lạm phát là không chắc chắn, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho biết.
Một số nhà kinh tế cho biết lạm phát có thể tạm thời tăng trở lại vào tháng 1 do Đức tăng phí giao thông công cộng và phí bảo hiểm ô tô cũng tăng đáng kể.
Song thị trường việc làm đang dần bị xói mòn, có nghĩa là người lao động sẽ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì mức lương tăng ở mức tương tự như năm 2024, dẫn đến tỷ lệ lạm phát có thể chậm hơn vào năm 2025. ECB dự đoán lạm phát sẽ ở mức trung bình 2,1% vào năm 2025, giảm từ mức 2,4 % trong năm 2024 và thấp hơn nhiều so với mức 5,4% của năm 2023.