Hà Nội duyệt xây 2 khu công nghiệp rộng hơn 300 ha ở Thường Tín
Lãnh đạo Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1.2000 đối với 2 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện Thường Tín với tổng diện tích quy hoạch hơn 300ha.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn mới đây đã ký ban hành Quyết định số 171/QĐ-UBND về việc phê duyệt phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín.
Theo phê duyệt, quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 137 ha có vị trí thuộc địa giới hành chính các xã Văn Bình, Liên Phương, Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
Dự án có phía Bắc giáp đường Vành đai 4; phía Nam giáp đất nông nghiệp xã Liên Phương; phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Vân Tảo và phía Tây giáp đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Về tính chất, đây là khu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao); chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với các vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo, điện tử; phát triển công nghiệp hỗ trợ, sử dụng quy trình sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo phù hợp định hướng Quy hoạch phát triển công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trước đó một ngày, UBND Hà Nội cũng đã ký ban hành Quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 10/1/2025 về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp.
Vị trí nghiên cứu quy hoạch thuộc địa giới hành chính các xã Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi, Dũng Tiến, huyện Thường Tín.
Dự án có phía Bắc giáp đất nông nghiệp xã Thắng Lợi và xã Dũng Tiến; phía Nam giáp đường tỉnh 429 và đất nông nghiệp xã Tô Hiệu; phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Tô Hiệu và xã Thắng Lợi; phía Tây giáp đất nông nghiệp xã Nghiêm Xuyên và xã Dũng Tiến.
Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 174,8ha.
Về tính chất, đây là khu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao); chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với các vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo, điện tử; phát triển công nghiệp hỗ trợ, sử dụng quy trình sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo phù hợp định hướng Quy hoạch phát triển công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.