An Giang: Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tăng 11,25%
An Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi và truyền thống sản xuất nông nghiệp. Để phát huy tiềm năng phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tỉnh An Giang đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nghề nông thôn, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 76/110 xã nông thôn mới (tỷ lệ khoảng 70%), với 34 xã nông thôn mới nâng cao; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm xã: Định Thành, Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn) về lĩnh vực tổ chức sản xuất và lĩnh vực giáo dục.
Đồng thời, tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn. Đặc biệt, Huyện Thoại Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao tại Quyết định 750/QĐ-TTg, ngày 1/8/2024.
Để phát huy tối đa tiềm năng và khắc phục những hạn chế, tỉnh An Giang đã ban hành Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu của chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn cho người dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; thực hiện bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.
Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Bên cạnh là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa), phát huy sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương. Duy trì, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận...
Góp phần xây dựng nông thôn mới, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng kịp thời, hiệu quả. Kết thúc năm 2024, có gần 70% dư nợ tín dụng trên địa bàn An Giang tập trung cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Trong đó, có trên 125 nghìn tỷ đồng cho vay vào các xã đang xây dựng nông thôn mới, tăng 11,25% so với cuối năm 2023, với số khách hàng hộ dân là 299.619 hộ, doanh nghiệp 1.657 khách hàng và 13 hợp tác xã. Trong đó, dư nợ tín dụng ngắn hạn đạt 94 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng trung hạn đạt 20 nghìn tỷ đồng và dư nợ tín dụng dài hạn đạt 11 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra dư nợ tín dụng cho vay chương trình OCOP đạt 1.500 tỷ đồng. Vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn đã tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa. Đáng chú ý, chương trình OCOP của tỉnh đang giúp từng ngày thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn; trong đó có các sản phẩm OCOP. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tích cực đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các sản phẩm OCOP, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương, trở thành “bà đỡ” của nhiều sản phẩm OCOP vươn tầm trong nước và quốc tế.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát chiến lược định hướng kế hoạch của chính quyền địa phương hỗ trợ vốn tín dụng tiếp sức cùng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người nông dân.