CMC nhận 2 nhiệm vụ quốc gia về chuyển đổi số
Ngày 15/1, tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, đại diện của Tập đoàn CMC đã nhận 2 nhiệm vụ quốc gia về chuyển đổi số.
Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, với chủ đề: "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam".
Mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm trong thời gian tới, đồng thời hoan nghênh ý tưởng giao, nhận nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tiên phong làm chủ công nghệ số chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổng Bí thư tin tưởng và kỳ vọng các bộ, ngành cùng với các doanh nghiệp sẽ hiện thực hoá được các mục tiêu lớn lao, đưa các sản phẩm Make in Việt Nam vươn tầm quốc tế.
“Tôi đề nghị mỗi doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng, không ngừng nâng cao nguồn nhân lực cả về chất lượng, số lượng… Chúng ta phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam phải là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu, phát triển công nghiệp công nghệ số, đồng thời phải tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn trong khu vực và trên thế giới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tại diễn đàn lần này, CMC đã nhận 2 nhiệm vụ quốc gia về chuyển đổi số, đó là:
Nhiệm vụ thứ nhất, xây dựng tảng điện toán đám mây CMC Cloud trở thành nền tảng điện toán đám mây số 1 của người Việt, sở hữu năng lực công nghệ của người Việt như công nghệ ảo hóa máy chủ, công nghệ ảo hóa lớp mạng, ảo hóa lưu trữ. Đến năm 2028, CMC sẽ đầu tư một trung tâm điện toán đám mây hàng đầu khu vực với quy mô 80MW, hoàn toàn do Việt Nam làm chủ.
Nhiệm vụ thứ 2, xây dựng nền tảng tri thức Việt AI – Hệ sinh thái mở C.OpenAI. Với C.OpenAI, hiện nay CMC đã làm chủ 25 công nghệ lõi Make in Vietnam, Made by CMC. Một trong những sản phẩm tiêu biểu là CLS. CMC cam kết thực hiện hai nhiệm vụ chính: Một là xây dựng toàn bộ trợ lý ảo cho công chức viên chức thực hiện cho việc giải bài toán tra soát văn bản pháp luật, tìm kiếm mâu thuẫn từ nội dung đến hình thức, thẩm quyền; hai là xây dựng một trợ lý ảo cung cấp dịch vụ pháp lý hỗ trợ cho người dân.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn CMC chia sẻ: “Tại CMC, với 32 năm kinh nghiệm, chúng tôi tự hào phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo C.OpenAI, một sản phẩm “Make in Vietnam”. Không chỉ là công cụ, C.OpenAI là biểu tượng của trí tuệ Việt, được thiết kế để đưa công nghệ AI ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ doanh nghiệp, y tế, giáo dục đến hành chính công. Chúng tôi đặt mục tiêu cắm cờ tri thức Việt Nam tại 30 quốc gia vào năm 2030, và xa hơn nữa, đến năm 2045, khi Việt Nam trở thành nước phát triển, chúng tôi muốn lá cờ tri thức Việt Nam hiện diện tại mọi quốc gia trên thế giới”.
Phát biểu tại diễn đàn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. ‘Chiếc nỏ thần’ bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”.
Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Make in Viet Nam lần thứ 6, đã có 71 sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam được vinh danh. CMC cloud của CMC đã được vinh danh hạng mục Sản phẩm công nghệ số tiêu biểu giai đoạn 2019 – 2024. CMC Cloud là nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam, được thiết kế và vận hành hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam. CMC Cloud hiện giữ vị trí số 1 trong lĩnh vực điện toán đám mây Make in Vietnam và phục vụ hơn 10.000 khách hàng trong nước và quốc tế.
Sản phẩm CLS được vinh danh sản phẩm công nghệ số có ý tưởng sáng tạo, độc đáo. CLS được phát triển nhằm giải quyết bài toán này bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để tự động phát hiện, phân tích và đề xuất giải pháp cho các mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật. Đây là giải pháp tiên phong và độc đáo trong việc số hóa quy trình rà soát pháp luật tại Việt Nam của CMC nghiên cứu và phát triển.