Triển vọng nhu cầu sụt giảm, thị trường hàng hóa suy yếu
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), bảng giá nông sản rực đỏ trong ngày giao dịch hôm qua (16/1). Toàn bộ 7 mặt hàng đồng loạt giảm giá từ 1 đến 2,7%, trong đó, thị trường đậu tương trên đà suy yếu khi giảm ba phiên liên tiếp. Bên cạnh đó, lực bán cũng chiếm áp đảo trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá nhiều mặt hàng như cà phê, dầu cọ… đều đi xuống. Kết phiên, chỉ số MXV-Index rơi nhẹ 0,4% xuống 2.305 điểm.
Dự báo thời tiết Nam Mỹ thuận lợi, giá đậu tương hạ
Khép lại phiên giao dịch hôm qua, thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ khi giá các mặt hàng đồng loạt giảm. Đáng chú ý, giá đậu tương giảm phiên thứ ba liên tiếp sau khi đánh mất thêm 2,28% trong phiên hôm qua, đóng cửa ở mức 1.019 cents/giạ (374,4 USD/tấn). Dự báo tích cực về thời tiết tại Argentina và thông tin dự báo về nguồn cung đậu tương tại Brazil đã gây sức ép lên giá mặt hàng này.
Tâm điểm của thị trường đậu tương trong phiên hôm qua là những thông tin tích cực về thời tiết tại Argentina, một trong những quốc gia sản xuất đậu tương hàng đầu Nam Mỹ. Theo Sở Giao dịch ngũ cốc Buenos Aires, sau thời gian dài chống chọi với thời tiết khô hạn, dự báo phần lớn khu vực sản xuất chính của Argentina sẽ nhận được lượng mưa dao động trong khoảng 25 mm đến hơn 100 mm từ hôm nay. Điều này sẽ giúp cho cây đậu tương đủ điều kiện phát triển tốt hơn, từ đó cải thiện năng suất và sản lượng.
Hơn thế, triển vọng nguồn cung đậu tương tích cực trong niên vụ 2024 - 2025 tại Brazil cũng góp phần gây sức ép lên giá mặt hàng này. Công ty tư vấn Agroconsult đã nâng ước tính sản lượng đậu tương của nước này lên mức kỷ lục 172,4 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với dự báo trước đó. Theo Agroconsult, điều kiện khí hậu thuận lợi và điều kiện gieo trồng tốt tại các vùng sản xuất trọng điểm là yếu tố giúp thúc đẩy năng suất tại các bang sản xuất lớn như Mato Grosso. Sản lượng đậu tương kỷ lục từ Brazil được thị trường kỳ vọng có thể bù đắp sự suy giảm từ Argentina, từ đó giúp đảm bảo nguồn cung toàn cầu.
Trong khi đó, tại báo cáo bán hàng hàng ngày, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận các nhà xuất khẩu tư nhân đã bán 132.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc. Lượng đậu tương này dự kiến sẽ được giao trong niên vụ 2024 - 2025. Đồng thời, trong báo cáo bán hàng hàng tuần kết thúc ngày 9/1, USDA công bố đã bán 569.200 tấn đậu tương cho niên vụ 2024 - 2025, phù hợp với mức kỳ vọng 300.000 - 800.000 tấn trước đó và tăng gần gấp đôi so với một tuần trước đó.
Tuy nhiên, đây là tuần bán hàng trở lại sau kỳ nghỉ lễ, thị trường đã phần nào dự đoán trước mức doanh số lớn này. Do đó, tác động từ dữ liệu xuất khẩu không đủ mạnh để tạo ra sự đảo chiều đáng kể trong diễn biến giá.
Giá cà phê quay đầu suy yếu trước áp lực nguồn cung
Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch hôm qua, thị trường nguyên liệu công nghiệp tiếp tục chứng kiến phiên giao dịch giằng co với giá các mặt hàng biến động trái chiều. Trong đó, giá hai mặt hàng cà phê quay đầu suy yếu sau khi Brazil công bố số liệu xuất khẩu tăng kỷ lục vào năm 2024, điều này đã giúp bù đắp cho lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam. Đóng cửa, giá cà phê Arabica giảm 1% trong khi giá cà phê Robusta để mất 0,47% giá trị, chốt phiên tại mức gần 4.900 USD/tấn.
Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), năm 2024, Brazil đã xuất khẩu tổng số 50,4 triệu bao cà phê loại 60 kg, bao gồm cả cà phê nhân và cà phê đã qua chế biến. Sản lượng xuất khẩu này đánh dấu mức tăng gần 30% so với năm 2023 và cũng là mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục trước đó vào năm 2020 với 44,7 triệu bao loại 60 kg.
Trong đó, cà phê Arabica được xuất khẩu nhiều nhất (chiếm 74,53% tổng lượng cà phê xuất khẩu) với 36,95 triệu bao loại 60 kg, tương đương tăng 20% so với năm 2023. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê Robusta (với tỷ trọng 18,5%) đạt 9,36 triệu bao loại 60 kg, tăng 98% so với năm 2023.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (17/1) ghi nhận ở mức 115.000 - 115.500 đồng/kg, giá giảm 600 - 800 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê đã tăng hơn 40.000 đồng/kg.
Diễn biến tương tự, giá dầu cọ thô đánh mất 1,5% giá trị về mức 955,11 USD/tấn. Nguyên nhân chính gây sức ép lên giá mặt hàng này trong phiên hôm qua xuất phát từ triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tại Ấn Độ, một trong những quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.
Cụ thể, theo hãng tin Reuters, các quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết sản lượng nhập khẩu dầu cọ vào tháng 1/2025 của nước này dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm, do nhu cầu sụt giảm mạnh và người mua đang dần chuyển từ tiêu thụ dầu cọ sang dầu đậu tương. Theo ước tính của các quan chức, nước này nhập khẩu khoảng 110.000 tấn dầu cọ trong nửa đầu tháng 1 và lượng nhập khẩu trong cả tháng dự kiến chỉ đạt khoảng 340.000 - 370.000 tấn, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.