Tin Hiệp hội Ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng làm việc với chuyên gia dự án của Đại sứ quán Anh về tài chính toàn diện

Quỳnh Dương 17/01/2025 19:54

Chiều ngày 17/1, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng đã có buổi làm việc với chuyên gia dự án của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về tài chính toàn diện.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Thomas Roger Moyes, Chuyên gia tài chính trưởng phụ trách dự án về tài chính toàn diện, Đại sứ quán Anh, cho biết, Chính phủ Anh đã khởi động Chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN - Anh (EIP), ký kết hợp tác với toàn bộ 10 nước ASEAN nhằm hỗ trợ cho sự phát triển chung của nền kinh tế khu vực.

Với kinh nghiệm của một nền kinh tế phát triển lâu đời, Chính phủ Anh chọn tài chính là một khu vực quan trọng nhất để khởi đầu khi triển khai EIP tại ASEAN.

img_8346.jpeg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp

"Đối với tài chính toàn diện, đây là lĩnh vực mà chúng tôi nhận được nhiều lời đề nghị hỗ trợ từ phía các quốc gia ASEAN, nhằm tăng mức độ tiếp cận đối với các nhóm khách hàng vùng sâu vùng xa, phụ nữ, người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đây là phân khúc mà các định chế tài chính thường không quá tập trung", ông Thomas Roger Moyes chia sẻ.

Tại ASEAN, Việt Nam là môt trong những trung tâm của dự án về tài chính toàn diện mà Chính phủ Anh khởi động từ tháng 11/2024 tại ASEAN. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên mà dự án thực hiện đánh giá chung về thực trạng tài chính toàn diện, từ đó xác định những yêu cầu về kỹ thuật cần phía Anh hỗ trợ.

"Mặc dù các quốc gia ASEAN có nhu cầu và đặc trưng khác nhau nhưng vẫn có những điểm chung đối với lĩnh vực tài chính toàn diện. Hy vọng, sau khi thực hiện đánh giá, chúng tôi sẽ xây dựng được các giải pháp hỗ trợ về kỹ thuật chung cho khu vực", ông Thomas Roger Moyes cho biết và đề nghị VNBA chia sẻ thông tin giúp phía Anh thực hiện đánh giá.

dsc00654.jpeg
Ông Thomas Roger Moyes, Chuyên gia tài chính trưởng phụ trách dự án về tài chính toàn diện, Đại sứ quán Anh trao đổi

Hoan nghênh những chia sẻ của chuyên gia dự án, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã chia sẻ về tiến độ thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các kết quả đạt được so với mục tiêu chiến lược đề ra.

Cụ thể, Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách liên quan đến tài chính toàn diện quốc gia như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Đặc biệt, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/1/2020.

Sau thời gian thực hiện, các bộ, ngành đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều Luật, Nghị định, Quyết định và Thông tư hướng dẫn tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng đầy đủ, đồng bộ cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, năm 2024 là năm mà hành lang pháp lý tiến thêm một bước xa tiến tới hoàn thiện, trong đó, nổi bật là Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được ban hành và có hiệu lực

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng nhỏ lẻ; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan, tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung 01 chương về bảo hiểm vi mô; Luật Phòng, chống rửa tiền đã quy định về nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng….

"Hành lang pháp lý dần được hoàn thiện, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng với quy trình và thủ tục đơn giản và thuận tiện", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

dsc00636.jpeg
Quang cảnh cuộc họp

Về phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, đến nay, đã có trên 90 tổ chức tín dụng và khoảng 1.100 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Nhấn mạnh tới kết quả đề án TTKDTM, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang chuyển đổi số hết sức quyết liệt, là một trong những nước dẫn đầu ASEAN. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã phủ khắp các tỉnh, thành phố với 101 thành viên và 133 đơn vị thành viên tham gia thanh toán liên ngân hàng, bình quân xử lý giao dịch thanh toán nội tệ hơn 830 nghìn tỷ đồng/ngày.

Các ngân hàng Việt Nam đã triển khai thanh toán song phương qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và Lào. Sắp tới, sẽ triển khai với Trung Quốc, một số quốc gia khác như Singapore, Hàn Quốc cũng đang tích cực đặt vấn đề.

Bên cạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, có 51 tổ chức phi ngân hàng được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; 3 doanh nghiệp viễn thông được cấp giấy phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Đến cuối tháng 9/2024, số điểm cung ứng dịch vụ Mobile-Money được thiết lập là 11.885 điểm, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile-Money đạt 275.960 đơn vị.

Bên cạnh đó, TTKDTM cho thấy chuyển biến tích cực trong khu vực hành chính công, dịch vụ thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...

Với hành lang pháp lý được hoàn thiện, hệ thống hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ TTKDTM tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây, tỷ lệ người người dân thành thị TTKDTM ở mức rất cao.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ rõ việc vẫn còn những thách thức đặt ra. Thách thức đầu tiên là việc một bộ phận người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, thiếu kiến thức, hiểu biết về tài chính, lập kế hoạch tài chính cá nhân.

Bên cạnh đó, việc nhận thức hạn chế của người dân dẫn tới các kẽ hở để kẻ gian lợi dụng khai thác thông tin và thực hiện hành vi lừa đảo.

Việc cho vay tiêu dùng online qua các các app sau một thời gian bộc lộ nhiều vấn đề...

Ngoài ra, các quỹ bảo lãnh, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động không hiệu quả, trong khi không có bảo hiểm đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn khiến các tổ chức tín dụng hết sức thận trọng khi cho vay.

Ông Thomas Roger Moyes bày tỏ đồng tình với những thách thức được ông Nguyễn Quốc Hùng đưa ra khi Việt Nam cần phải đối mặt trên con đường theo đuổi mục tiêu tài chính toàn diện.

Trao đổi tại cuộc họp, hai bên cũng đã thảo luận về vấn đề chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng, cơ chế sandbox, mô hình virtual Banking (ngân hàng không có hiện diện vật lý)...

Ghi nhận, đánh giá cao những thông tin chi tiết được Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký chia sẻ, ông Thomas Roger Moyes khẳng định, đây là những thông tin hữu ích, thiết thực giúp phía Chính phủ Anh xây dựng khung cơ bản dự án phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam và khu vực ASEAN. Ông Thomas Roger Moyes bày tỏ mong muốn, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi sâu sắc hơn nữa nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.

chup-anh-luu-niem-170125.jpg
Đại diện VNBA và nhóm chuyên gia dự án chụp ảnh lưu niệm

Quỳnh Dương