Du lịch xanh - lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đối với du khách
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đưa ra định hướng: "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường". Du lịch xanh là xu hướng của thế giới. Việt Nam với lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng, bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp có lợi thế lớn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này...
Du lịch xanh - Phát triển bền vững
Du lịch xanh là một hình thức du lịch có trách nhiệm đặt mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường, đồng thời bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa và tự nhiên tại các điểm đến. Có 4 yếu tố chính của du lịch xanh bao gồm: Bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn văn hóa, phát triển cộng đồng. Như vậy, du lịch xanh không chỉ đem lại tính bền vững mà còn mang lại giá trị bảo tồn của môi trường tự nhiên và tôn tạo văn hóa xã hội. Du lịch xanh không chỉ nâng cao đời sống cộng đồng địa phương và tạo ra giá trị kinh tế mà còn bảo tồn thiên nhiên và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đây là cơ chế lý tưởng để cân bằng lợi ích và phát triển bền vững cho tất cả các bên liên quan. Việc phát triển kinh tế bền vững mà không gây xáo trộn lớn sẽ giúp bảo tồn các nét văn hóa địa phương như ẩm thực, ngôn ngữ và tập tục. Cộng đồng sẽ giữ được sự giàu có văn hóa mà không bị biến đổi, từ đó đạt được mục tiêu bền vững trong du lịch. Các công ty du lịch, xây dựng những hành trình du lịch bền vững, nơi du khách có thể khám phá vẻ đẹp của tự nhiên một cách trọn vẹn mà vẫn góp phần bảo vệ môi trường, bằng cách hạn chế số lượng khách, lựa chọn các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường như đi bộ, đạp xe và áp dụng các biện pháp quản lý chất thải hiệu quả, mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và môi trường.
Rất nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. HCM, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang... và đã thu lại kết quả tốt đẹp.
Đơn cử như Quảng Bình thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt, việc bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng là một vấn đề nan giải. Kể từ khi phát triển loại hình du lịch sinh thái, chiến lược tuyển dụng người địa phương là một trong những chiến lược nòng cốt về nhân sự, việc tuyển dụng lao động địa phương cũng giảm thiểu đáng kể vấn nạn chặt phá rừng, có những anh em trước kia làm nghề thợ rừng thì nay trở thành những người bảo vệ rừng, nơi đem lại cho họ một cuộc sống ổn định và an bình. Với sự phát triển của loại hình du lịch sinh thái, dần dần thu hút nhiều con em người địa phương quay trở lại và đóng góp cho mảnh đất quê hương, bảo tồn văn hóa bản sắc của địa phương.
Du khách tham gia trải nghiệm và bảo vệ môi trường
Ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cho biết: Sự tham gia của du khách giúp hình thành, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường. Khi du khách hiểu rõ giá trị của tự nhiên, họ trở thành những đại sứ của lối sống bền vững, lan tỏa nhận thức và hành động tích cực đến cộng đồng. Những thông điệp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững mà du khách mang về không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn lan rộng ra cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Chuyên gia về du lịch Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng- Viện Du lịch Phát triển châu Á chia sẻ: Khi lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường, du khách không chỉ trải nghiệm mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội. Bằng cách lựa chọn du lịch bền vững, họ giúp tạo việc làm, cung cấp thu nhập ổn định cho người dân địa phương, từ đó giảm áp lực kinh tế và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các dự án phát triển bền vững.
Mô hình du lịch xanh, nhận được rất nhiều sự quan tâm và được khách du lịch ưu tiên lựa chọn. Với sự phổ biến này, các hình thức du lịch xanh được đánh giá là khá đa dạng và phong phú, bao gồm: Du lịch xanh kết hợp với hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Du lịch xanh hạn chế hoặc không sử dụng đồ nhựa. Du lịch xanh ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng hoặc các phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm cho môi trường. Tham gia các hoạt động dọn rác và giữ gìn vệ sinh tại các địa điểm du lịch sinh thái. Ưu tiên lựa chọn nơi ở xanh với thiết kế không gian xanh, gần gũi và thân thiện với môi trường.
Ở mỗi chuyến du lịch, việc giảm thiểu sử dụng những vật dụng làm từ nhựa là vô cùng quan trọng để bảo vệ môi trường. Thay vào đó, du khách nên dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường như túi vải, bình nước tái sử dụng, muỗng và thìa từ nguyên liệu tự nhiên, ống hút bằng inox,… Với loại hình du lịch cộng đồng này, chúng ta sẽ góp phần làm giảm lượng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái.
Hay ý tưởng du lịch xanh kiểu nông dân, đây là một trong các loại hình du lịch xanh được nhiều bạn trẻ yêu thíchvới trải nghiệm trở thành một người nông dân chính hiệu. Như mô hình du lịch trồng lúa ở Sa Pha, Hà Giang, Làng rau Trà Quế Quảng Nam... Từ việc trồng rau, làm nương rẫy cho đến đánh cá, du khách sẽ được tham gia vào những hoạt động và công việc hàng ngày của nông dân. Điều này giúp bạn hiểu hơn về nền văn hóa và đời sống, đồng thời tạo nên những kỉ niệm đáng nhớ với người dân địa phương. Quảng Bình, Làng du lịch Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận là Làng Du lịch tốt nhất, đạt 12/17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc… Các sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên, khám phá hang động, du lịch sinh thái của Quảng Bình cũng là những sản phẩm phù hợp với xu thế du lịch xanh và sẽ tiếp tục để hoàn thiện trong thời gian tới.
Mô hình du lịch xanh đang dần trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm, lựa chọn từ rất nhiều du khách trong và ngoài nước, với những giá trị bền vững về phát triển du lịch trong thời gian sắp tới Việt Nam hy vọng trở thành điểm đến hấp dẫn của về du lịch xanh của thế giới.