Ngành Ngân hàng tỉnh Tây Ninh góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc
Năm qua, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khởi sắc.
Để góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, năm qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ngành và UBND tỉnh đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Trong đó, tập trung quán triệt và chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng trong năm 2024. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Từ đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách, chỉ đạo của ngành Ngân hàng trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng, hỗ trợ lãi suất và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh chia sẻ, hoạt động ngân hàng năm 2024 tăng trưởng khả quan so kế hoạch đề ra, cụ thể: huy động vốn đến cuối năm 2024 đạt 73.000 tỷ đồng, tăng 10% so cuối năm 2023; tổng dư nợ cho vay đạt 109.200 tỷ đồng, tăng 11% so cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 5,7% và chiếm 15,1% tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp và xây dựng đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 17% và chiếm 23,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay các ngành thương mại, dịch vụ đạt 66.700 tỷ đồng, tăng 16,5% và chiếm 61,1% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân có chuyển biến tốt nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn; các tổ chức tín dụng đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp về tăng trưởng tín dụng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước; đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, đối thoại, nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu; tiếp tục cải cách thủ tục, đơn giản hóa quy trình cấp tín dụng, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 7,9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9,4%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5 - 0,8% so với đầu năm, theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, qua đó đã hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Bên cạnh việc giảm lãi suất theo xu hướng chung, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại công bố các chương trình, gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường đối với từng ngành, lĩnh vực, từng đối tượng khách hàng và tự giảm lãi suất cho dư nợ hiện hữu.
Thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (được sửa đổi, bổ sung), các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai quyết liệt và kết quả đến nay đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ 383,3 tỷ đồng, cho 146 lượt khách hàng, trong đó dư nợ gốc là 356,1 tỷ đồng, dư nợ lãi là 27,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Hiền cho biết, năm 2025, hệ thống Ngân hàng Tây Ninh đặt mục tiêu: huy động vốn tăng 10 - 12% so năm 2024; dư nợ cho vay tăng từ 13 – 15% so năm 2024; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay dưới 3%.
Nhằm thực hiện đạt kế hoạch 2025 đề ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2025; đảm bảo phát triển an toàn, lành mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu vốn và sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong điều kiện tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương, ngành Ngân hàng trên địa bàn vẫn phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; đồng thời, chủ động tham mưu cho tỉnh các chính sách, chương trình tín dụng phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Trong đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát hạn chế nợ xấu phát sinh mới và xử lý nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng phải hợp lý, đúng quy định, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.