IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm 2025-2026
Ngày 17/1/2025, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu với nhận định, kinh tế thế giới tiếp tục phân hóa và bất ổn.
Theo đó, kinh tế toàn cầu được IMF dự báo tăng 3,3% trong năm 2025-2026, thấp hơn kết quả tăng trung bình hàng năm 3,7% trong giai đoạn 2000-2019. Về cơ bản, dự báo này không thay đổi so với báo cáo tháng 10/2024, chủ yếu là do kinh tế Mỹ tăng cao hơn kỳ vọng đã bù đắp xu hướng giảm tại một số nền kinh tế chủ chốt khác. Trên toàn cầu, lạm phát cơ bản được kỳ vọng giảm xuống tỷ lệ 4,2% trong năm 2025 và 3,5% trong năm 2026. Trong đó, lạm phát sẽ sớm trở lại mục tiêu đề ra tại các nước phát triển (AEs) hơn là tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs).
Các yếu tố định hình triển vọng kinh tế
Trên toàn cầu, kinh tế quý III/2024 tăng thấp hơn 0,1% so với báo cáo tháng 10/2024, sau các dữ liệu kinh tế thất vọng tại một số nước châu Âu và châu Á. Kinh tế Trung Quốc tăng thấp hơn dự báo, khi chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chi tiêu dùng trầm lắng do thị trường bất động sản và niềm tin của người tiêu dùng ảm đạm, trong khi xuất khẩu tăng cao chỉ bù đắp phần nào. Do hoạt động công nghiệp giảm tốc, kinh tế Ấn Độ cũng tăng thấp hơn so với kỳ vọng.
Kinh tế khu vực đồng euro tiếp tục ảm đạm, chủ yếu là do công nghiệp chế tạo và xuất khẩu hàng hóa tiếp tục trầm lắng, mặc dù chi tiêu dùng cải thiện theo đà phục hồi thu nhập thực tế. Kinh tế Nhật Bản giảm nhẹ, nguyên nhân là do nguồn cung bị rối loạn tạm thời. Trái lại, nhờ chi tiêu dùng tăng cao, kinh tế Mỹ vẫn bền vững với mức tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khái quát triển vọng kinh tế thế giới (% so năm trước)
Thực tế và dự báo | Thay đổi (1) | |||||
2023 | 2024 | 2025 | 2026 | 2025 | 2026 | |
GDP toàn cầu | 3,3 | 3,2 | 3,3 | 3,3 | 0,1 | 0,0 |
Các nước phát triển (AEs) | 1,7 | 1,7 | 1,9 | 1,8 | 0,1 | 0,0 |
Mỹ | 2,9 | 2,8 | 2,7 | 2,1 | 0,5 | 0,1 |
Khu vực Euro | 0,4 | 0,8 | 1,0 | 1,4 | -0,2 | -0,1 |
CHLB Đức | -0,3 | -0,2 | 0,3 | 1,1 | -0,5 | -0,3 |
CH Pháp | 1,1 | 1,1 | 0,8 | 1,1 | -0,3 | -0,2 |
Italy | 0,7 | 0,6 | 0,7 | 0,9 | -0,1 | 0,2 |
Tây Ban Nha | 2,7 | 3,1 | 2,3 | 1,8 | 0,2 | 0,0 |
Nhật Bản | 1,5 | -0,2 | 1,1 | 0,8 | 0,0 | 0,0 |
VQ Anh | 0,3 | 0,9 | 1,6 | 1,5 | 0,1 | 0,0 |
Canada | 1,5 | 1,3 | 2,0 | 2,0 | -0,4 | 0,0 |
Những nước phát triển khác (2) | 1,9 | 2,0 | 2,1 | 2,3 | -0,1 | 0,0 |
EMDEs | 4,4 | 4,2 | 4,2 | 4,3 | 0,0 | 0,1 |
EMDEs châu Á | 5,7 | 5,2 | 5,1 | 5,1 | 0,1 | 0,2 |
Trung Quốc | 5,2 | 4,8 | 4,6 | 4,5 | 0,1 | 0,4 |
Ấn Độ | 8,2 | 6,5 | 6,5 | 6,5 | 0,0 | 0,0 |
EMDEs châu Âu | 3,3 | 3,2 | 2,2 | 2,4 | 0,0 | -0,1 |
CHLB Nga | 3,6 | 3,8 | 1,4 | 1,2 | 0,1 | 0,0 |
Mỹ Latinh và Caribê | 2,4 | 2,4 | 2,5 | 2,7 | 0,0 | 0,0 |
Brazil | 3,2 | 3,7 | 2,2 | 2,2 | 0,0 | -0,1 |
Mêhicô | 3,3 | 1,8 | 1,4 | 2,0 | 0,1 | 0,0 |
Trung Đông và Trung Á | 2,0 | 2,4 | 3,6 | 3,9 | -0,3 | -0,3 |
A rập Xê út | -0,8 | 1,4 | 3,3 | 4,1 | -1,3 | -0,3 |
Cận Sahara châu Phi | 3,6 | 3,8 | 4,2 | 4,2 | 0,0 | -0,2 |
Nigeria | 2,9 | 3,1 | 3,2 | 3,0 | 0,0 | 0,0 |
CH Nam Phi | 0,7 | 0,8 | 1,5 | 1,6 | 0,0 | 0,1 |
GDP toàn cầu theo tỷ giá thị trường | 2,8 | 2,7 | 2,9 | 2,8 | 0,1 | 0,1 |
Liên minh châu Âu | 0,6 | 1,0 | 1,4 | 1,7 | -0,2 | 0,0 |
ASEAN-5 (3) | 4,0 | 4,5 | 4,6 | 4,5 | 0,1 | 0,0 |
Trung Đông và Bắc Phi | 1,8 | 2,0 | 3,5 | 3,9 | -0,5 | -0,3 |
Các nước mới nổi (4) | 4,5 | 4,2 | 4,2 | 4,2 | 0,0 | 0,1 |
Các nước thu nhập thấp | 4,1 | 4,1 | 4,6 | 5,4 | -0,1 | -0,2 |
Trao đổi hàng hóa dịch vụ toàn cầu (5) | 0,7 | 3,4 | 3,2 | 3,3 | -0,2 | -0,1 |
Các nước phát triển | 0,0 | 2,2 | 2,1 | 2,5 | -0,5 | -0,3 |
EMDEs | 2,0 | 5,4 | 5,0 | 4,6 | 0,3 | 0,2 |
Giá dầu (6) | -16,4 | -1,9 | -11,7 | -2,6 | -1,3 | 1,0 |
Giá hàng hóa phi năng lượng | -5,7 | 3,4 | 2,5 | -0,1 | 2,7 | -0,9 |
Giá tiêu dùng thế giới (7) | 6,7 | 5,7 | 4,2 | 3,5 | -0,1 | -0,1 |
AEs | 4,6 | 2,6 | 2,1 | 2,0 | 0,1 | 0,0 |
EMDEs (7) | 8,1 | 7,8 | 5,6 | 4,5 | -0,3 | -0,2 |
Nguồn: IMF tháng 01/2025
(1) Tăng/giảm so với dự báo tháng 10/2024;
(2) Không tính các nước G7;
(3) Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan;
(4) Kể cả các nước thu nhập trung bình;
(5) Giá trị xuất nhập khẩu trung bình;
(6) Giá trung bình Brent, Dubai Fateh, WTI;
(7) Không tính Venezuela.
Trên toàn cầu, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, nhưng giảm chậm hơn so với trước đây và vẫn tăng cao tại một số quốc gia. Giá cả các mặt hàng hóa thiết yếu đã giảm trở lại, nhưng lạm phát giá dịch vụ tại nhiều nước vẫn cao hơn so với trước đại dịch, nhất là tại Mỹ và khu vực đồng euro.
Kinh tế toàn cầu được kỳ vọng ổn định, nhưng chỉ tăng ở mức thấp
Với dự báo tăng 3,3% trong năm 2025 và 2026, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình hàng năm 3,7% trong giai đoạn 2000-2019. Về cơ bản, báo cáo này của IMF không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2024, nhưng có sự khác biệt giữa các nền kinh tế.
Trong nhóm AEs, IMF điều chỉnh nâng dự báo GDP năm 2025 tại Mỹ lên mức tăng 2,7%, cao hơn 0,5% so với dự báo tháng 10/2024, một phần là do đà tăng trưởng cao trong năm 2024 và thị trường lao động bền vững, hoạt động đầu tư tăng tốc, và tác động tích cực của một số yếu tố khác. Sau đó, kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống mức tăng trưởng tiềm năng vào năm 2026.
Tại khu vực đồng euro, GDP được kỳ vọng sẽ cải thiện dần, nhưng tâm trạng lo âu vẫn bao trùm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục kéo dài. Do kinh tế cuối năm 2024 tăng thấp hơn so với kỳ vọng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, bất ổn chính trị và chính sách vẫn đeo bám, nên IMF đã điều chỉnh giảm GDP năm 2025 tại khu vực kinh tế này xuống mức tăng 1,0%, sau đó sẽ phục hồi lên mức tăng 1,4% vào năm 2026 nhờ nhu cầu trong nước tăng cao khi điều kiện tài chính thuận lợi, niềm tin cải thiện và bất ổn hạ nhiệt phần nào.
Tại những AEs khác, triển vọng kinh tế tương đối ổn định so với dự báo tháng 10/2024 do hai yếu tố bù trừ lẫn nhau. Một mặt, thu nhập thực tế tăng trở lại sẽ hỗ trợ chu kỳ phục hồi tiêu dùng. Mặt khác, thương mại trầm lắng do các rào cản thương mại sẽ cản trở các hoạt động đầu tư.
Tại EMDEs, đà tăng GDP trong năm 2024 về cơ bản vẫn được duy trì trong năm 2025-2026. Tại báo cáo này, IMF điều chỉnh nâng dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2025 lên mức tăng 4,6%, nhờ đà phục hồi kinh tế trong năm 2024 và gói hỗ trợ tài khóa đưa ra tại thông báo tháng 11/2024 sẽ bù đắp hầu hết tác động tiêu cực bắt nguồn từ bất ổn chính sách thương mại và khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Trong năm 2026, GDP tại Trung Quốc vẫn ổn định với mức tăng 4,5% nhờ tác động tiêu cực từ bất ổn chính sách thương mại sẽ giảm dần và động thái nâng tuổi nghỉ hưu sẽ kiềm chế xu hướng sụt giảm nguồn lao động cung ứng. Tại Ấn Độ, GDP được dự báo sẽ tăng vững 6,5% trong năm 2025 và 2026, phù hợp với xu hướng tăng trưởng tiềm năng.
Tại Trung Đông và Trung Á, GDP được dự báo sẽ tăng tốc, nhưng thấp hơn dự báo tháng 10/2024. Chủ yếu là do kinh tế Arập Xê út năm 2025 sẽ giảm tốc, khi OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu. Tại Mỹ Latinh và Caribê, GDP năm 2025 sẽ tăng nhẹ lên mức tăng 2,5%, mặc dù các nền kinh tế lớn trong khu vực giảm tốc. GDP được kỳ vọng tăng tốc trong năm 2025 tại khu vực Cận Sahara châu Phi, nhưng giảm tốc tại EMDEs châu Âu.
Báo cáo điều chỉnh giảm nhẹ triển vọng thương mại năm 2025 và 2026 do bất ổn chính sách thương mại tăng cao, có thể gây tổn hại về đầu tư của các doanh nghiệp tập trung vào hoạt động thương mại. Theo dự báo cơ bản, bất ổn thương mại chỉ gây tác động tạm thời. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ đặt hàng trước nhằm đề phòng bất ổn thương mại khi Mỹ tiến hành tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, các dòng vốn vì thế sẽ tăng cao, góp phần bù đắp phần nào tác động ngắn hạn này.
Theo IMF, xu hướng giảm phát tiếp tục tiến triển lạc quan. Trong đó, thị trường lao động giảm dần được kỳ vọng sẽ kiềm chế áp lực tăng nhu cầu. Cùng với xu hướng giảm giá dầu, lạm phát cơ bản được dự báo tiếp tục giảm về mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ trong năm 2025 vẫn cao hơn mục tiêu 2,0%. Trong khi đó, động lực lạm phát sẽ suy yếu tại khu vực đồng euro, và Trung Quốc sẽ đối mặt với xu hướng lạm phát thấp triền miên. Trong bối cảnh như vậy, chênh lệch về mặt bằng lãi suất chính sách tại Mỹ với những quốc gia khác sẽ mở rộng.
Rủi ro tăng trưởng thấp chi phối triển vọng kinh tế trung hạn, trong khi rủi ro kinh tế ngắn hạn có sự khác biệt giữa các nền kinh tế. Trong ngắn hạn, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng cao, trong khi các nền kinh tế khác có thể giảm tốc do bất ổn chính sách.