Doanh nghiệp

Hoa Kỳ là thị trường hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam

Nguyễn Huyền 20/01/2025 - 19:57

Năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng nhập khẩu đạt 72.710 tấn, giá trị đạt trên 407,583 triệu USD, chiếm 28,9%, tăng 33,2% so với năm 2023.

hat-tieu-den.jpg
Ảnh minh họa

Theo báo cáo Hội nghị thường niên Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (PPSA) năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 220.269 tấn, tiêu trắng đạt 30.331 tấn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,318 tỷ USD, trong đó tiêu đen đạt 1,117 tỷ USD, tiêu trắng đạt 200,6 triệu USD. So với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái.

Quế là mặt hàng gia vị có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2024, cả nước xuất khẩu được 99.874 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 274,5 triệu USD, so với năm 2023 tăng 11,7% về lượng và tăng 5,2% về kim ngạch.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với khối lượng nhập khẩu đạt 72.710 tấn, giá trị đạt trên 407,583 triệu USD, chiếm 28,9%, tăng 33,2% so với năm 2023. Không chỉ vậy, Hoa Kỳ còn là thị trường xuất khẩu quế lớn thứ 2, với khối lượng nhập khẩu đạt 11.078 tấn, chiếm 11,1% và tăng 9,0%.

Do tính chất quan trọng của thị trường Hoa Kỳ, báo cáo của VPSA nhấn mạnh đến những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Xứ cờ hoa và yêu cầu các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý.

Bởi theo Hiệp hội Gia vị Thương mại Hoa Kỳ, trong năm 2024 đã có tổng cộng 481 cảnh báo từ Hoa Kỳ đối với tất cả mặt hàng gia vị nhập khẩu, bao gồm cả các gia vị hỗn hợp, tăng 39,4% so với năm 2023, tương đương tăng 136 trường hợp, trong đó quế tăng 26, ớt 16 và hồ tiêu 6 trường hợp.

Cụ thể, có 49 cảnh báo đối với hồ tiêu, 37 trường hợp đối với quế và 34 trường hợp đối với ớt. Riêng Việt Nam ghi nhận 15 cảnh báo đối với mặt hàng gia vị xuất vào Hoa Kỳ, trong đó 6 trường hợp đối với quế, tăng 4 trường hợp so với năm ngoái. Tính chung cả năm cảnh báo của Hoa Kỳ đối với Việt Nam tăng 150%.

Châu Âu là khu vực tiêu thụ hồ tiêu lớn thứ 2 sau châu Á, khoảng 120-130 ngàn tấn/năm. Việt Nam là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho châu Âu, hàng năm chiếm khoảng 45%, tiếp theo là Indonesia và Brazil.

Năm qua, châu Âu đã đưa ra 77 cảnh cáo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm 2 trường hợp so với năm 2023, trong đó hồ tiêu 8 trường hợp; ớt 35 trường hợp; quế 12 trường hợp; gừng 5 trường hợp, nhục đậu khấu 8 trường hợp.

Việt Nam là nước ghi nhận số lượng cảnh báo nhiều nhất trong số 24 nước xuất khẩu gia vị vào thị trường này, với 21 trường hợp, tăng gấp 7 lần so với 2023, trong đó 11 cảnh báo về ớt, 7 cảnh báo về quế (3 chì) và 1 cảnh báo vi khuẩn Samonella về hồ tiêu.

Bên cạnh những thông tin về các tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, báo cáo của VPSA cũng nhấn mạnh về những dự báo thị trường xuất khẩu trong năm 2025.

Theo đó, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2022. Điều này phản ánh thực trạng cây hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê và cọ dầu gia tăng đáng kể. Mặt khác, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất và gia tăng chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu.

Giá hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu vẫn ổn định. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường.

Việt Nam và Brazil vẫn giữ vững vị trí là hai cường quốc về xuất khẩu hồ tiêu trong năm 2024. Tuy nhiên, Indonesia đã nổi lên như một nhà cung cấp đáng kể, nhất là khi Việt Nam và Brazil gặp tình trạng mất mùa năm vừa qua.

"Trong năm 2025, dự báo sản lượng của Brazil sẽ phục hồi, trong khi Indonesia có thể giảm sản lượng do những khó khăn trong đầu tư và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ấn Độ, một quốc gia tiêu thụ lớn, cũng dự báo giảm sản lượng do ảnh hưởng từ mưa lũ, dẫn đến việc nông dân hạn chế đầu tư và thanh lý hàng tồn kho khi giá nội địa giảm", báo cáo nhấn mạnh.

Nguyễn Huyền