Thứ Năm, 17/7/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý II/2025, lãnh đạo Bộ Tài chính kỳ vọng, với những giải pháp đã và đang triển khai đồng bộ, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hoàn thành được mục tiêu nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, đối với các tiêu chí để nâng hạng thị trường, về cơ bản cơ quan quản lý đã hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức lại thị trường, cho đến các nội dung kỹ thuật.
"Tuy nhiên, có một nội dung rất quan trọng trong quá trình xem xét nâng hạng, đó là yếu tố cảm nhận và trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tức là, việc đầu tư có thuận lợi hay không, có dễ dàng hay không trong quá trình tiếp xúc, triển khai và thực hiện các hoạt động đầu tư", Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Theo đó, khi được nâng hạng, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ vào thị trường với quy mô lớn hơn rất nhiều, do đó các yếu tố liên quan đến môi trường đầu tư, quy trình và thủ tục tham gia thị trường càng cần được xem xét kỹ lưỡng và cải thiện.
"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang chủ trì, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan; Bộ Tài chính cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát, đánh giá. Nếu còn những yếu tố nào có thể cải thiện, tháo gỡ hoặc hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường, tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì chúng ta sẽ triển khai ngay", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh và kỳ vọng, với những nỗ lực khẩn trương của cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 9/2025 tới đây.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng lưu ý, việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế không chỉ là một cột mốc kỹ thuật, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường vốn Việt Nam theo hướng bền vững, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế.
"Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Việt Nam, mà còn cho các nhà đầu tư toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói và chỉ rõ, quá trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam gắn liền với việc nâng hạng, và khi thị trường được nâng hạng, lợi ích sẽ lan tỏa đến tất cả các bên.
"Mục tiêu không thay đổi, và điều quan trọng nhất là phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa nhanh, vừa bền vững, đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và đúng tinh thần của Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Thu – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực trên nhiều phương diện, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, cho đến tăng cường đối thoại, trao đổi với các tổ chức xếp hạng và cộng đồng nhà đầu tư quốc tế vì mục tiêu nâng hạng thị trường.
Về mặt pháp lý, Bộ Tài chính đã ban hành một loạt văn bản quan trọng, trong đó có Thông tư số 68/2024/TT-BTC – một nội dung được các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đánh giá cao. Thông tư này là bước chuẩn bị tiền đề cho việc thiết lập cơ chế thanh toán bù trừ tập trung (CCP) – một tiêu chí quan trọng trong nâng hạng thị trường.
Song song đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành và sửa đổi các văn bản khác như Thông tư 18/2025/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 119/2020/TT-BTC về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, nhằm bảo đảm sự tương thích với mục tiêu nâng hạng cũng như hệ thống giao dịch mới KRX – chính thức vận hành từ ngày 5/5 và đến nay được đánh giá là an toàn, thông suốt, chưa ghi nhận bất kỳ trục trặc nào.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt qua Thông tư 03/2025/TT-NHNN nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có việc hợp pháp hóa lãnh sự khi mở tài khoản đầu tư. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong cải thiện trải nghiệm của nhà đầu tư.
Một nội dung trọng yếu khác là việc sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, dự kiến hoàn tất trong năm nay, nhằm làm rõ và cụ thể hơn quy định về mô hình thanh toán bù trừ tập trung (CCP) – không chỉ cho thị trường chứng khoán phái sinh, mà còn áp dụng cho cả thị trường chứng khoán cơ sở, theo đúng tinh thần Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2024.
Ngoài ra, UBCKNN cũng đã đề xuất sửa đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết để thể hiện thông điệp rằng Việt Nam sẵn sàng mở cửa và đảm bảo sự bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
Như vậy, theo lãnh đạo UBCKNN, xét trên phương diện hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ chế vận hành, đến thời điểm hiện nay, các yêu cầu cơ bản phục vụ cho mục tiêu nâng hạng đã được đáp ứng tương đối đầy đủ.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng tăng cường đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài, thông qua nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư", ông Hoàng Văn Thu cho biết.
Ngoài ra, UBCKNN hợp tác rất chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế để cập nhật thông tin và thể hiện rõ nỗ lực cải cách của Việt Nam trong suốt quá trình phấn đấu nâng hạng.
Cũng theo đại diện UBCKNN, ngoài yếu tố kỹ thuật, trải nghiệm thực tế và mức độ hài lòng của nhà đầu tư nước ngoài chính là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Nâng hạng đã khó, giữ hạng còn khó hơn. Vì vậy, đây được xác định là chiến lược lâu dài, đòi hỏi giải pháp đồng bộ, căn cơ.
"Với những nỗ lực nêu trên, chúng tôi tin tưởng rằng, trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, các tổ chức xếp hạng quốc tế sẽ xem xét đồng thuận việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Hoàng Văn Thu kỳ vọng.