Hiệp hội Ngân hàng cập nhật quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ theo chuẩn COSO cho tổ chức hội viên

Phạm Hiếu| 17/03/2019 08:19
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 15/3/2019, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm đào tạo Smart Train và Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ACCIIA) tổ chức Hội thảo “Cập nhật quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ theo chuẩn COSO dành cho ngân hàng”.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm giúp các ngân hàng hiểu rõ hơn và cập nhật kiến thức về quản trị rủi ro (QTRR), kiểm soát nội bộ (KSNB) theo khung COSO. Đông đảo các đại biểu đến từ phòng/ban kế toán, QTRR, KSNB, kiểm toán nội bộ của các tổ chức hội viên HHNH đã tham dự Hội thảo.

COSO là một Ủy ban thuộc Hội đồng Quốc gia Hoa Kỳ về chống gian lận báo cáo tài chính và được thành lập nhằm nghiên cứu về KSNB.

Theo COSO, KSNB là quá trình do người quản lý, hội đồng quản trị và các nhân viên chi phối, được thiết lập để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm thực hiện các mục tiêu: Đảm bảo sự tin cậy của báo cáo tài chính; Đảm bảo sự tuân thủ các quy định và luật pháp; Đảm bảo các hoạt động được thực hiện hiệu quả. KSNB gồm 5 thành phần: môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ ACCIIA, Smart Train,KPMG, PwC đã chia sẻ những kinh nghiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống KSNB theo khung COSO dành cho ngân hàng Việt Nam; kỹ năng thiết yếu cho kiểm toán nội bộ khi đánh giá hệ thống KSNB trong ngân hàng theo thông lệ quốc tế…

Bà Trương Hạnh Linh: "Các ngân hàng nên lấy các khung yêu cầu của COSO để rà soát lại những gì mà hệ thống KSNB mà ngân hàng thiếu"

Bà Trương Hạnh Linh - Giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn về Kiểm toán nội bộ, rủi ro và tuân thủ, KPMG Việt Nam nhận định: Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước hướng tới chuẩn Basel II. Các quy định tại Thông tư 13 rất cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là đã tiệm cận với các thông lệ quốc tế, kể cả với COSO về việc xây dựng hệ thống KSNB. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng nên lấy các khung yêu cầu của COSO để rà soát lại những gì mà hệ thống KSNB mà ngân hàng thiếu.

Ông Fandhy Haristha Siregar chia sẻ kinh nghiệm KSNB tại Ngân hàng Resona Perdania

Ông Fandhy Haristha Siregar - Trưởng kiểm toán nội bộ Ngân hàng Resona Perdania, Indonesia - chia sẻ về kinh nghiệm QTRR và KSNB theo khung COSO. Theo đó, Ngân hàng Resona Perdania đang áp dụng hệ thống KSNB theo chuẩn COSO-IC tích hợp QTRR doanh nghiệp COSO-ERM và đây là công cụ hỗ trợ đắc lực và cần thiết cho công tác quản trị và điều hành. Đối với kiểm toán viên nội bộ của ngân hàng, hiểu biết về KSNB theo chuẩn COSO trở thành yêu cầu không thể thiếu nhằm phục vụ cho hệ thống KSNB và tư vấn những giải pháp khắc phục, tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngân hàng càng KSNB tốt thì hiệu quả hoạt động (HQHĐ) càng cao. HQHĐ được đo lường thông qua các chỉ tiêu như thị phần, năng suất lao động, chất lượng hàng hóa/dịch vụ, mức độ thỏa mãn công việc của người lao động… Nếu KSNB tốt sẽ ngăn chặn tỷ lệ gian lận và sai sót, đảm bảo hiệu quả hoạt động. Sự yếu kém hay thiếu sót của hệ thống KSNB đều ảnh hưởng tiêu cực đến HQHĐ của ngân hàng. Các yếu kém chung về KSNB có thể kể đến như: thiết kế biện pháp phòng ngừa rủi ro hoạt động, không phân tích rủi ro, thiếu thông tin thích hợp...

Để giảm rủi ro cho ngân hàng ở ngưỡng chấp nhận được, hệ thống KSNB được thiết lập trên cơ sở các biện pháp, chính sách, thủ tục, tinh thần, giá trị, chức năng, thẩm quyền của những người liên quan và trở thành phương tiện sống còn trong hoạt động của ngân hàng, giúp ngân hàng nâng cao năng lực, cải tiến hiệu quả hoạt động, hạn chế các sự cố, và hoàn thành mục tiêu của ngân hàng. Chính vì vậy, việc thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống KSNB hiệu quả là một trong những mục tiêu quan trọng của ngân hàng.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo

Các đại biểu dự Hội thảo cùng các chuyên gia thảo luận và trao đổi làm sâu sắc hơn về những hệ thống KSNB cũng như khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng, từ đó đưa ra các khuyến nghị và phương hướng hoàn thiện hệ thống KSNB trong ngân hàng thương mại Việt Nam như cơ sở pháp lý, môi trường kiểm soát, quy trình đánh giá rủi ro, đánh giá hệ thống KSNB và nguồn nhân lực cho hệ thống KSNB của các ngân hàng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Ngân hàng cập nhật quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ theo chuẩn COSO cho tổ chức hội viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO