Hội thảo "Tín dụng theo chuỗi giá trị tài chính nông nghiệp tại Indonesia, Myanmar và Việt Nam"

Ngọc Lan| 06/12/2019 15:54
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (IPSARD) và Viện Nghiên cứu Chính sách thực phẩm quốc tế ( IFPRI) của Úc đã phối hợp đồng tổ chức Hội thảo chủ đề “Tín dụng theo chuỗi giá trị tài chính nông nghiệp tại Indonesia, Myanmar và Việt Nam”. Hội thảo chia sẻ thông tin về cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp của ba quốc gia như là một giải pháp cải thiện tiếp cận tín dụng cho hộ nông dân nhỏ.

Đối tượng tham gia là các nhà hoạch định chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Hiệp hội Ngân hàng và các đại diện đến từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, cùng các tổ chức và chuyên gia trong nước và quốc tế.

Hai diễn giả chính của Hội thảo là TS. Alan de Brauw (Viện Nghiên cứu Chính sách thực phẩm quốc tế của Úc) với nội dung trình bầy là kinh nghiệm về tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp tại Indonesia, Myanmar và Việt Nam; TS. Catherine Ambler (Viện Nghiên cứu Chính sách thực phẩm quốc tế của Úc) đánh giá về tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp riêng tại Việt Nam.

TS. Alan de Brauw - Viện Nghiên cứu Chính sách thực phẩm quốc tế của Úc-  trình bầy tại hội thảo

Theo các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam, nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ ở các nước đang phát triển gặp rất nhiều trở ngại, điều đó hạn chế khả năng sản xuất của họ. Hai trở ngại - rủi ro cao trong sản xuất nông nghiệp và khả năng tiếp cận với tín dụng hạn chế đang đặt ra những thách thức lớn. Người nông dân phải đối mặt với rất nhiều rủi ro làm hạn chế khả năng lựa chọn và quyết định đầu tư của họ. Sự hạn chế về tín dụng, các khoản cho vay và tiết kiệm, chưa đáp ứng được nhu cầu của toàn ngành nông nghiệ, các điều khoản cho vay có phần khắt khe là rào cản cản trở người nông dân tiếp cận với tín dụng nhằm phục vụ mục đích đầu tư vào những loại cây trông hay những công nghệ mới đem lại lợi nhuận cao hơn. Nghiên cứu cho thấy phần lớn nhu cầu tín dụng dài hạn ở khu vực Đông Nam Á không được đáp ứng. Khu vực này với vị trí ở gần một số thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới đang tạo ra những cơ hội mới cho toàn khu vực. Mặc dù các dịch vụ tài chính hiện tại có thể phù hợp với một số người dân, nhưng việc tiếp cận tài chính đặc biệt còn hạn chế với phụ nữ, dân tộc thiểu số, nhóm người có thu nhập thấp và chịu rủi ro, trừ các nhóm dễ bị tổn thương từ các cơ hội kinh tế mới nổi.

Dự án tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm tìm kiếm các mô hình tiềm năng để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính trong chuỗi giá trị nông nghiệp cho nhóm yếu thế ở ba quốc gia trong khu vực Indonesia, Myanmar và Việt Nam.

“Tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp” là các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính cho phép các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị (ví dụ như: người cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào, nông dân,thương lái, người sản xuất) xử lý và giảm thiểu những khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Theo TS. Catherine Ambler,  nông nghiệp chiếm 15% tổng GDP và 40% lực lượng lao động của Việt Nam, kinh tế Việt Nam những năm qua tăng trưởng nhanh, nhưng đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Mặc dù ngành nông nghiệp VN đang chuyển đổi khá mạnh mẽ, có tiềm năng lớn nhưng thiếu tài chính là một hạn chế thực sự, đặc biệt đối với nhóm người nghèo và nhóm người dễ bị tổn thương.

Theo nhóm nghiên cứu chung của hai Viện, tại khu vực nông thôn Việt Nam, đặc biệt đối với những nông dân sản xuất nhỏ, có vai trò quan trọng hàng đầu đối với các nỗ lực giảm nghèo thì tỷ lệ cung cấp tín dụng chính thức cho họ vẫn ở mức thấp, bị hạn chế bởi các quy định cũng như các yêu cầu về tài sản thế chấp, thời hạn đáo hạn và trả nợ chưa phù hợp với nhu cầu của nông dân Do vậy nông dân sản xuất nhỏ không đủ vốn để đầu tư hoặc phải sử dụng các nguồn vay không chính thức.

Sự phát triển của các chuỗi giá trị bao trùm, nếu được triển khai mạnh mẽ sẽ đem lại cơ hội cho nông dân nghèo để thoát nghèo, đòi hỏi một hệ thống tài chính có thể đáp ứng linh hoạt hơn nhu cầu của họ.

Toàn cảnh hội thảo

Từ thực tế khảo sát tín dụng theo chuỗi giá trị tài chính nông nghiệp tại Indonesia, Myanmar và Việt Nam, các chuyên gia trong hội thảo đưa ra những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, bao gồm: Tín dụng cần linh hoạt hơn ở việc giảm các rào cản về lãi suất làm giảm tín dụng dành cho nông dân có thu nhập thấp và rào cản về số tiền được vay bị hạn chế về cung và cầu tín dụng; Cần thay đổi những quy định liên quan tài sản thế chấp như: Số hóa thông tin về lô đất và sổ đỏ để có thông tin có thể sử dụng được dễ dàng hơn cho tín dụng, xem xét các hình thức thế chấp khác, bao gồm chứng từ kho hàng và các khoản phải thu theo hợp đồng;  Cuối cùng là phải đẩy mạnh giáo dục các tổ chức tài chính về nhu cầu của khách hàng nông nghiệp và thúc đẩy kỹ năng kinh doanh của nông dân để tạo điều kiện phát triển chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo "Tín dụng theo chuỗi giá trị tài chính nông nghiệp tại Indonesia, Myanmar và Việt Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO