5 câu hỏi cho quyết định của ECB trong tuần này

Quỳnh Dương| 25/10/2022 09:03
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp vào thứ Năm tuần này (27/10). Trong bối cảnh lạm phát leo thang chóng mặt, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một chính sách lãi suất tích cực ngay cả khi triển vọng kinh tế tối tăm.

ECB sẽ đưa ra quyết định gì trong tuần này?

Kể từ tháng 7/2022, ECB đã tăng lãi suất 2 lần với tổng cộng 125 điểm cơ bản, tốc độ thắt chặt chính sách nhanh nhất được ghi nhận từ trước tới nay.

Cuộc thăm dò thực hiện bởi Reuters mới đây cho thấy, 75% các nhà kinh tế học đặt kỳ vọng, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này. Những tín hiệu từ các cuộc tranh luận và tuyên bố của các nhà hoạch định chính sách trước đó cũng cho thấy, nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản là phương án được ưu tiên hơn cả. Rủi ro suy thoái kinh tế khó có thể cản được lộ trình tăng lãi suất của ECB.

ECB và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất mạnh trong năm nay.

Mặt khác, ECB cũng có khả năng đưa ra sự thay đổi đối với các quy tắc quản lý các khoản vay dài hạn giá rẻ hay Chương trình tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu (TLTRO).

Ngoài ra, thị trường cũng sẽ dồn sự quan tâm đến những phát biểu sau cuộc họp của Chủ thịch ECB Christine Lagarde để biết được cách ECB nhìn nhận về sự đánh đổi giữa rủi ro suy thoái và lạm phát, đồng thời tìm kiếm gợi ý về thời điểm mà ngân hàng trung ương tạm dừng thắt chặt.

“Kỳ vọng ECB tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản là rất hợp lý, đồng thời cũng có những tín hiệu về việc ECB sẽ giảm bảng cân đối kế toán và thay đổi các quy tắc về TLTRO để giảm thanh khoản quá mức. Chỉ là chưa biết, ECB sẽ công bố bao nhiêu thay đổi chính sách trong số tất cả những điều này trong tuần này", Francis Yared, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tỷ giá toàn cầu của Deutsche Bank, nhận định.

Có dấu hiệu nào cho thấy lạm phát đang đạt đỉnh hay không?

Giới chuyên gia cho rằng, còn quá sớm để kết luận lạm phát đã đạt đỉnh song nhiều khả năng đỉnh lạm phát sẽ sớm gần kề. Lạm phát đã tăng nhanh lên gần 10%, cao gấp năm lần so với mục tiêu lạm phát mà ECB đặt ra là 2% và mức chưa từng thấy ở một số nước thuộc khu vực đồng euro trong hơn 70 năm qua. Tuy nhiên, vẫn có một lý do để lạc quan về tình trạng lạm phát hiện nay là giá khí đốt ở châu Âu đã giảm 65% so với mức đỉnh hồi tháng 8/2022.

Nhiều quốc gia châu Âu đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao kỷ lục

Bostjan Vasle, một nhà hoạch định chính sách của ECB tin rằng, đỉnh lạm phát có thể gần kề nếu không có thêm cú sốc nào từ xung đột ở Ukraine.

Mặt khác, tình trạng lạm phát cao đang xảy ra diện rộng nên ngay cả khi các số liệu đại diện giảm, mức tăng trưởng giá cả cơ bản sẽ vẫn ở mức cao “một cách khó chịu”.

Đỉnh lạm phát là yếu tố quan trọng quyết định việc liệu các nhà hoạch định chính sách có cần phải đẩy lãi suất vượt ra ngoài mức trung lập (không kích thích hay làm chậm tăng trưởng kinh tế) hay không. Mức lãi suất như vậy thường được chốt ở khoảng từ 1,5% đến 2%, nhưng một số nhà hoạch định chính sách cho rằng con số này là quá thấp.

Liệu thắt chặt định lượng (QT) có xảy ra?

Reuters cho rằng, dù chưa có khả năng xảy ra lúc này nhưng ECB có thể sẽ thay đổi quan điểm và cung cấp thêm thông tin chi tiết trong những tháng tới.

Sau lãi suất, cuộc tranh luận chính sách quan trọng tiếp theo là làm thế nào để giảm lượng trái phiếu trị giá hơn 5.000 tỷ euro trên bảng cân đối kế toán của ECB.

Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng vọt, thời kỳ "tiền rẻ" chấm dứt

Joachim Nagel, Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot đều cho rằng, QT, một phần trong kế hoạch thắt chặt chính sách rộng lớn hơn, đang đến gần.

Thoả thuận giữa ECB và các ngân hàng trung ương?

Các ngân hàng thuộc khu vực đồng Euro đang sử dụng 2.100 tỷ euro tiền mặt do ECB phân phối với lãi suất cực thấp, thậm chí là lãi suất âm, nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Bốn quốc gia Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha đã nhận được 70% số tiền mà ECB tài trợ thông qua TLTRO tính đến tháng 9/2022

Nhưng sau một loạt các đợt tăng lãi suất nhanh và mạnh, các ngân hàng giờ đây có thể chỉ cần trả lại số tiền đó cho ECB và kiếm lợi nhuận phi rủi ro. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách tức giận và coi đó là thao túng hệ thống.

Các nhà hoạch định chính sách được cho là đang thỏa thuận thay đổi các quy tắc quản lý các khoản cho vay đối với các ngân hàng, một động thái sẽ cắt giảm hàng chục tỷ euro lợi nhuận tiềm năng. Một quyết định về vấn đề này có thể sẽ được đưa ra vào 27/10.

ECB lo lắng về sự bất ổn tài chính?

Các đợt tăng lãi suất dồn dập từ các ngân hàng trung ương lớn cùng với việc trái phiếu Anh lao dốc đã làm dấy lên lo ngại về bất ổn tài chính.

Lợi tức trái phiếu doanh nghiệp châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2011

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, rủi ro đối với sự “ổn định tài chính” đã tăng "đáng kể" và Chủ tịch ECB cũng đã cảnh báo rằng các thị trường có thể đã lạc quan quá mức về triển vọng kinh tế, làm tăng nguy cơ thị trường điều chỉnh đột ngột.

Flavio Carpenzano, Giám đốc Đầu tư tại Capital Group, cho biết: “Vấn đề quan trọng đối với thị trường là ổn định tài chính, mặc dù tôi không mong đợi ECB sẽ giải quyết trực tiếp vấn đề này”.

Theo Theo Reuters
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 câu hỏi cho quyết định của ECB trong tuần này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO