Công nghệ

5G tạo động lực thúc đẩy kinh tế số

L.D 22/03/2023 14:10

5G đang góp phần tích cực đổi mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế và ngày càng trở thành động lực chính cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đã nhấn mạnh việc 3 nội dung xây dựng gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.

Nằm trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã đưa mạng 5G thử nghiệm thương mại từ tháng 12/2020. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, đến năm 2025, 5G đóng góp vào sự tăng trưởng GDP Việt Nam khoảng 7,34% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp.

Thực tế cũng chứng minh chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển. Để góp phần hiện thực hóa đề án chuyển đổi số quốc gia vào năm 2030 và thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số, các hoạt động đầu tư, khai thác viễn thông tại Việt Nam cần nhiều đổi mới, tạo bước phát triển nhảy vọt.

Tại diễn đàn Chuyển đổi số “Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn” diễn ra ngày 21/3 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, nhận định, tiến độ triển khai 5G của Việt Nam đang cùng nhịp với thế giới.

Đánh giá cao tham vọng của Chính phủ Việt Nam trong việc trở thành một Trung tâm AI khu vực trong ASEAN, ông Denis Brunetti cho rằng, cũng giống như các quốc gia viễn thông phát triển khác, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng hệ sinh thái 5G cho thương mại hóa.

“Tại Việt Nam, chúng tôi đã triển khai thử nghiệm mạng 5G thương mại với VNPT, Viettel… từ cuối năm 2020. Cùng với việc thử nghiệm là đào tạo nhân lực và truyền thông tới người dùng. Bắt đầu từ năm nay, mạng 5G sẽ triển khai mạnh mẽ hơn tại Việt Nam và các nhà mạng sẽ chọn nhà cung cấp 5G. Dự kiến sang năm 2024 sẽ thương mại hóa mạng 5G rộng rãi. Khi quá trình triển khai đi vào đại trà, tốc độ phát triển sẽ tăng rất nhanh”, ông Denis Brunetti cho biết.

denis.jpg
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam

Theo ông Denis Brunetti, thông qua 5G, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ tại hàng nghìn nhà máy của Việt Nam, cho phép rô-bốt, công nghệ bản sao số (digital twin technology), phương tiện điều khiển tự động, theo dõi hàng tồn kho từ xa và bảo trì dự đoán (predictive maintenance) giúp nâng cao hiệu quả đáng kể và tăng cường an toàn cho các cơ sở sản xuất.

Cùng với đó, nông nghiệp, khai thác mỏ, hậu cần, năng lượng, giao thông, y tế và giáo dục đều được hưởng lợi từ các tính năng của băng thông rộng di động tốc độ cao, an toàn và đáng tin cậy trong những năm tới, giúp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, đồng thời cung cấp một nền tảng cho đổi mới sáng tạo.

Từ góc độ của một trong những nhà cung cấp viễn thông lớn nhất tại Việt Nam, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, nhấn mạnh, 5G tập trung mạnh phục vụ cho B2C, B2B, phục vụ chu trình tự vận hành máy móc, xe cộ, phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất.

“Vì vậy, chiến lược của chúng tôi tập trung mạnh việc triển khai 5G để cung cấp dịch vụ cho đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp”, ông Hy nói.

Với đặc điểm tốc độ cao, độ trễ thấp, 5G sẽ tạo ưu thế cho phát triển năng lực sản xuất. 5G cũng cần những thử nghiệm để cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho một khu công nghiệp, một nhà máy, một cảng biển với những yêu cầu khác biệt về tốc độ, mật độ thiết bị, độ trễ…

ngodienhy.jpg
Ông Ngô Diên Hy

Mặt khác, theo ông Hy, trong quá trình phát triển, cần có xây dựng chương trình 5G đồng tốc để tạo lợi ích cân bằng, từ cả phía chính phủ, nhà cung cấp mạng, khách hàng doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ…

“Chúng tôi sẽ có sự đầu tư cho 5G, thương mại hóa 5G một cách hợp lý, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5G tạo động lực thúc đẩy kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO