(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”.
Kế hoạch nêu rõ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 81-KL/TW; trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau.
1- Quán triệt, nâng cao nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới, xem bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, các địa phương và trên toàn quốc.
2- Tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn, quản lý chặt chẽ theo chuỗi giá trị nông sản. Giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, thường xuyên đánh giá nhu cầu lương thực, thực phẩm cả trong nước và trên thế giới để có định hướng, chiến lược phù hợp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; tổ chức sản xuất lúa gạo theo vùng chuyên canh, phát triển các vùng trọng điểm lúa gạo ổn định ở các địa bàn có lợi thế sản xuất tập trung để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ.
3- Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, trọng tâm là: Hệ thống giao thông, nhằm phát triển dịch vụ vận tải và logistics, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường; các công trình thủy lợi đa mục tiêu, hệ thống kho dự trữ quốc gia và hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh, dự trữ lương thực, thực phẩm. Tiếp tục phát triển hệ thống lưu thông lương thực, thực phẩm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận trong mọi tình huống. Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực, dự báo về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm để khi cần thiết có giải pháp phân phối, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
4- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo; ưu tiên hỗ trợ phát triển hộ trồng lúa thành hộ sản xuất chuyên nghiệp, hợp tác, liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý điều hành hoạt động dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp. Hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
5- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thông minh. Mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm. Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng, chống chịu dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
6- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh lương thực. Hoàn thiện hệ thống và mối liên hệ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong các cơ quan quản lý về an ninh lương thực. Tăng cường hệ thống thú y, bảo vệ thực vật, an ninh lương thực đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản trước tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.
7- Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước; chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa đảm bảo an ninh lương thực với quy hoạch phát triển cả nước, các vùng, địa phương và với quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt đất trồng lúa. Bảo tồn quốc gia về nguồn gen quý cây trồng, vật nuôi. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động nông nghiệp phát sinh chất thải, nước thải, khí thải và các chất gây ô nhiễm môi trường khác. Sử dụng hợp lý phân bón hóa học, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường đất và nước ngầm.
8- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt đối với các lĩnh vực mang tính khu vực và toàn cầu, xuyên quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn với khu vực và quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.