Tin hội viên

Agribank “thiết kế” gói vay chuyên biệt hơn cho ngành lúa gạo

Tuấn Dương 07/04/2025 - 15:33

Theo lãnh đạo Ngân hàng và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank, trong thời gian tới ngân hàng sẽ có những sản phẩm cho vay chuyên biệt hơn, không chỉ phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà phục vụ cho khách hàng vay là cá nhân cũng như doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong ngành lúa gạo.

Ngày 4/4, tại TP. Cần Thơ, Agribank đã tài trợ chính cho chương trình Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức.

Với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lúa gạo và hơn 400 hợp tác xã, nông dân tham dự, hội thảo kỳ vọng đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo nói chung và Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nói riêng.

Định vị giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế

Về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (Đề án) là một trong những chương trình trọng điểm của Chính phủ nhằm nâng cao giá trị lúa gạo, đảm bảo phát triển bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong đó, nguồn vốn tín dụng đóng vai trò then chốt để triển khai đề án.

Theo TS. Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp không chỉ là sáng kiến về công nghệ mà còn là thay đổi cách tiếp cận, nhìn hạt gạo từ góc độ người nông dân. Giống tốt, kỹ thuật có, thị trường có, doanh nghiệp có… nhưng nếu người nông dân không thay đổi tư duy thì cả hệ sinh thái sẽ bị đứt đoạn.

“Đề án nhắm đến việc đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó tạo ra giá trị thực chất cho ngành lúa gạo Việt Nam. Đề án cũng hỗ trợ cho bà con nông dân để tăng sức chống chịu trước những biến động thị trường. Đây là mục tiêu lớn nhất của Đề án”, ông Tùng nhấn mạnh.

Giải pháp đẩy mạnh phát triển Đề án, nhằm phát triển nông dân và doanh nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân được nhiều đại biểu nêu lên. Bởi đề án này không chỉ là mô hình phát triển cho Việt Nam, mà còn cho ngành lúa gạo toàn cầu. Đề án sẽ giúp định vị giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Agribank “tung” lãi suất ưu đãi cho ngành lúa gạo

Tại hội thảo, ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, để triển khai Đề án, nguồn vốn có thể đến từ nhiều kênh khác nhau, như tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) phục vụ đào tạo và chi phí ban đầu. Tuy nhiên, phần lớn nhu cầu vốn vẫn phải đến từ các tổ chức tín dụng trong nước.

ong-phuc-7.jpg
Ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng sẽ trợ tối đa để khách hàng đưa mặt hàng lúa gạo của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với lúa gạo trên thế giới. Ảnh: VNDT

Trong bối cảnh đó, Agribank được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao nhiệm vụ là đơn vị duy nhất thí điểm cung cấp vốn vay cho Đề án trong năm 2025, trước khi triển khai chính thức trong giai đoạn 2026-2030.

Theo đó, Agribank đã thành lập Ban chỉ đạo, đưa ra các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, nguồn vốn vay trong Đề án sẽ được áp mức lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1% so với thông thường. Đây là một trong những chính sách Agribank kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt nhất cho hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo trong vùng chuyên canh của Đề án.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vốn, Agribank cũng triển khai nhiều sản phẩm tín dụng chuyên biệt, trong đó có hỗ trợ tài chính để đầu tư vào giống lúa chất lượng cao, phân bón sinh học, hệ thống tưới tiết kiệm và cơ giới hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đảm bảo thu mua, chế biến, bảo quản và xuất khẩu gạo theo các tiêu chuẩn quốc tế…

“Không chỉ các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp nằm trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo theo vùng chuyên canh cũng được tiếp cận nguồn vốn vay. Điều này giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều và đáp ứng các tiêu chí của đề án” – ông Phúc thông tin.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Phúc cho biết, trong quá trình cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của Đề án này vẫn có những khó khăn nhất định. Đó là một số tỉnh vẫn chưa ban hành vùng chuyên canh, sự tham gia về chuỗi liên kết còn rời rạc; việc quản trị của một số hợp tác xã, doanh nghiệp cũng chưa được bài bản, khoa học, làm cho báo cáo tài chính cũng chưa được minh bạch; cũng như việc tham gia tài sản đảm bảo của các thành viên hợp tác xã chưa cao dẫn đến khó khăn trong việc cho vay…

Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank, trong thời gian tới ngân hàng sẽ có những sản phẩm cho vay chuyên biệt hơn, không chỉ phục vụ riêng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mà phục vụ cho khách hàng vay là cá nhân cũng như doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong ngành lúa gạo.

“Ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa để khách hàng đưa mặt hàng lúa gạo của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với lúa gạo trên thế giới. Agribank cũng sẽ nới lỏng những điều kiện về ràng buộc, đặc biệt là lãi suất cũng sẽ được ưu ái hơn đối với những các mặt hàng khác”- ông Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank “thiết kế” gói vay chuyên biệt hơn cho ngành lúa gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO