“Ảo hóa ngân hàng”: Xu thế mới từ ứng dụng công nghệ 4.0

Nguyễn Nhâm| 12/11/2019 09:38
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Ảo hóa” là xu thế mới xuất hiện trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu như trước đây người ta chỉ biết đến phạm trù “ảo” theo nghĩa hẹp như: Thị trường chứng khoán, tiền điện tử, thương mại điện tử, ảo thuật… thì nay khái niệm “ảo” đã được mở rộng nội hàm ở mức gần như không giới hạn, bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ.

TỪ QUÁ TRÌNH ẢO HÓA...

Ngân hàng ảo là loại hình ngân hàng chuyên hoạt động trên nền tảng công nghệ Blockchain và trong môi trường Intenet, toàn bộ các dịch vụ đều được cung cấp trực tuyến(1). Các ngân hàng ảo thường do các công ty công nghệ lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính vận hành, hoặc là sự phối hợp giữa định chế tài chính với các công ty Fintech, vừa tiếp cận công nghệ mới vừa nắm bắt thị trường.

Theo giới nghiên cứu, sự phát triển của mạng Internet từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã tạo tiền đề cho các ngân hàng trực tuyến hoạt động trở nên thông dụng; đến năm 2000 hệ thống thương mại điện tử đã đạt đến độ cần thiết cho sự ra đời của ngân hàng số hiện đại. Trong những năm gần đây, nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cấp phép cho thí điểm hoặc chính thức hoạt động ngân hàng ảo như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan...

Được biết, đến tháng 7 vừa qua, ngân hàng ảo (N26) của Đức đã huy động được 170 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất, đưa tổng số vốn của ngân hàng này lên con số 670 triệu USD, điều đó phản ánh xu hướng phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ tài chính ở khu vực châu Âu. Đợt rót vốn này định giá startup công nghệ tài chính (6 năm tuổi) đã đạt mức 3,5 tỷ USD, tạo nên những làn sóng mới trong khu vực bằng các sản phẩm và dịch vụ tài chính như: tài khoản séc, thẻ ghi nợ dựa trên ứng dụng công nghệ mới... và cũng đã thu hút hơn 3,5 triệu khách hàng ở 24 quốc gia trong khu vực tham gia. Công ty N26 hiện đã có 1.300 nhân viên, họ đã tiến vào thị trường Mỹ và đang chuẩn bị sang Brazil(2).

Theo giới quan sát, ngân hàng ảo đầu tiên ở Trung Quốc đi vào hoạt động từ tháng 1/2015, là sự liên doanh giữa WeBank với tập đoàn Internet Tencent Holdings. Giới chức Chính phủ Trung Quốc cho rằng, sự ra đời của một loạt ngân hàng tư nhân sẽ giúp những người đi vay nhỏ lẻ có thể tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn. Đến năm 2018, cơ quan quản lý nước này cũng đã cấp phép cho 6 ngân hàng ảo hoạt động trong khuôn khổ thử nghiệm(3).

ASEAN cũng được coi là một trong những khu vực phát triển nhanh về ngân hàng số. Singapore hiện là nước dẫn đầu về lượng khách truy cập tài khoản ngân hàng qua Internet với hơn 90%; tiếp theo là Indonesia, Malaysia, Việt Nam khoảng 40%; Philippines, Thái Lan khoảng 20%. Theo khảo sát của McKinsey năm 2017, thì thị trường Fintech ASEAN đã có sự thu hút một khoản đầu tư tăng vọt, từ 14 triệu USD năm 2012, lên 338 triệu USD năm 2017(4).

Chỉ tính riêng năm 2019, Singapore đã thông báo về việc nghiên cứu cấp phép hoạt động cho 4 ngân hàng ảo; Hong Kong cấp phép cho 8 ngân hàng ảo; Nhật Bản cũng có 3 tổ chức được cấp phép bao gồm: LINE Financial Taiwan, Next Commercial Bank, Rakuten International Commercial Bank. Chính phủ Malaysia cũng đã xây dựng được khoảng 50% bộ khung pháp lý cho ngân hàng số và dự kiến sẽ công bố vào cuối năm 2019(5).

... ĐẾN KHẢ NĂNG CẠNH TRANH

Theo giới nghiên cứu, ngân hàng số hiện đang hình thành bởi hai nhánh: (1) Các ngân hàng truyền thống cung cấp toàn bộ dịch vụ trên nền tảng số; (2) Phát triển ngân hàng ảo 100%, hoặc ngân hàng ảo là một chi nhánh nằm trong ngân hàng thương mại. Theo giới phân tích dự báo, ngân hàng ảo có những ưu thế vượt trội, có thể sớm trở thành đối thủ cạnh tranh với mô hình ngân hàng truyền thống trong tương lai, bởi các lý do sau:

Một là, khả năng cạnh tranh cao, bởi khách hàng giao dịch qua thiết bị kết nối Internet nên rất nhanh chóng, thuận lợi;  chi phí hoạt động thấp, so với ngân hàng truyền thống chỉ bằng 1–2%  nhờ ngân hàng số tiết kiệm chi phí thuê văn phòng, thuê nhân công... nên có thể cho vay với lãi suất thấp hơn và thu phí dịch vụ cũng ít hơn.

Hai là, tính bảo mật và riêng tư cao: (1) Do các ngân hàng ảo được thành lập dưới tên các công ty công nghệ sẽ có lợi thế bởi các công ty này có chuyên môn để xử lý các loại thiết kế bảo mật, bảo đảm cho người người tiêu dùng an tâm về quyền bảo mật và riêng tư của họ; (2) Ngân hàng ảo sử dụng các thành tựu công nghệ nổi bật của trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) nên biết các thói quen, xu hướng tiêu dùng hay mức độ quan tâm của mỗi cá nhân, qua đó nắm bắt chính xác nhu cầu của mỗi khách hàng.

Ba là, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động, bởi ngân hàng ảo được xây dựng dựa trên nền tảng Blockchain. Theo đó,  cơ sở dữ liệu được lưu trữ phi tập trung, nên nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm chứng và bảo đảm rằng các thông tin được lưu trữ nhờ độ tin cậy cao của thuật toán tạo nên công nghệ Blockchain. Blockchain còn có tính năng hỗ trợ, giúp ngân hàng chống rửa tiền hoặc phát hiện các giao dịch thiếu minh bạch, bởi mọi dấu vết hoạt động đều được lưu trữ nên không ai có thể thay đổi được.

Bốn là, việc giao dịch thuận lợi, an toàn hơn, bởi công nghệ Blockchain tạo ra các giao dịch đáng tin cậy, với hệ thống các bản ghi điện tử, nhận dạng chính xác và tự động, sau đó sử dụng các hợp đồng thông minh, khiến dòng tiền được trao đổi một cách nhanh chóng, không bị hạn chế bởi thời gian giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao tính hiệu quả.

Theo giới quan sát, cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng ảo và ngân hàng truyền thống vẫn còn đang ở phía trước, bởi các khảo sát thực tế cho thấy, các ngân hàng số được cấp phép vẫn chọn mô hình hợp tác với các công ty tài chính. Chẳng hạn tại Hong Kong, trong số 8 ngân hàng ảo được cấp phép thành lập, thì có tới 3 ngân hàng chọn phương thức hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như: Standard Chartered Plc, BOC Hong Kong (Holdings) Ltd, Ngân hàng Công nghiệp & Thương mại Trung Quốc (ICBC)(6).

Theo Tập đoàn HSBC (hiện có thị phần hàng đầu về bán lẻ, cho vay doanh nghiệp, thế chấp và tín dụng) vẫn chưa có sự lo ngại nào đáng kể, trong tổng giá trị tài sản của các ngân hàng ảo tại Hong Kong mới chỉ đạt mức 19 tỷ USD, tương đương với một ngân hàng nhỏ - chi nhánh của HSBC nên sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng ảo được cho là vẫn chưa đủ lớn.

Mặt khác, việc thu hút khách hàng gửi với số tiền lớn vào tài khoản tại ngân hàng ảo hiện vẫn chưa đủ sức thuyết phục, nếu ngân hàng ảo chưa được các ngân hàng truyền thống lớn bảo trợ. Ngoài ra, còn phải kể đến các thách thức bởi rào cản pháp lý đối với các ngân hàng ảo như: quy trình xét duyệt cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi các ngân hàng truyền thống lại không gặp phải những khó khăn này.

Được biết, 8 ngân hàng lớn nhất tại Hong Kong không thu phí duy trì số dư tài khoản tối thiểu hàng tháng. Trong đó, HSBC là ngân hàng mở đầu xu hướng này khi tuyên bố họ sẽ loại bỏ khoản phí nói trên bắt đầu từ ngày 1/8/2019. Ben Kwong Man-bun, Giám đốc KGI Asia nói: “HSBC cần hành động ngay để thuyết phục hàng triệu khách hàng ở lại hoặc rất nhiều trong số đó có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng số vốn không thu phí cả đối với những người dùng có số dư tài khoản thấp”. Theo đó, 3 triệu khách hàng của HSBC sẽ được hưởng lợi từ quyết định nói trên, thông tin này đã được công bố đến Standard Chartered Bank, Bank of China (Hong Kong), Hang Seng Bank, Bank of East Asia, Dah Sing Bank, ICAC Bank và Citibank. Đây là những dấu hiệu đầu tiên do hệ quả của việc hình thành các ngân hàng ảo.

David Wong, một khách hàng của ngân hàng HSBC nói: “Là khách hàng tiền gửi nhỏ, tôi không có sự lựa chọn nào khác vì tôi cần dịch vụ ngân hàng. Tôi rất vui vì làn sóng ngân hàng ảo tới đã khiến các ông lớn phải bỏ khoản phí này”. Trước đó, hàng triệu khách hàng như Wong đã phải trả các khoản phí từ 50 đến 100 đô la Hong Kong trong trường hợp số dư tài khoản của họ dưới mức 5.000 - 10.000 đô la. Sonny Hsu, Phó chủ tịch Moody’s Investor Service cho biết, theo ước tính của cơ quan này, việc loại bỏ khoản phí có thể khiến lợi nhuận ròng hàng năm của HSBC giảm đi 1%(7).

Tại các trung tâm tài chính châu Á và các nước đã bắt đầu có các động thái nới lỏng quy chế giám sát và cho phép các công ty khởi nghiệp thử nghiệm các sản phẩm tài chính trong môi trường có kiểm soát. Theo đó, hoạt động của ngân hàng ảo, cho dù tự vận hành hay thông qua hợp tác với ngân hàng truyền thống đều cần được đảm bảo một môi trường pháp lý rõ ràng, hoạt động cạnh tranh công bằng, lành mạnh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng... Vì thế, tuy có những khó khăn ban đầu nhưng ngân hàng ảo vẫn được ghi nhận là một xu thế mà giới nghiên cứu, hoạch định chính sách và dư luận quan tâm.

Theo giới quan sát, châu Á hiện đang thể hiện là khu vực phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI, ngay cả trong quá trình nắm bắt những tiến bộ công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, các ngân hàng ảo đang trở thành một xu thế, thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.

KHÓ KHĂN VẪN CÒN ĐANG Ở PHÍA TRƯỚC

Niềm tin của khách hàng. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi. Được biết, Mỹ là một quốc gia nổi tiếng về thực dụng, hiện đã có một số ngân hàng ảo đi vào hoạt động hàng chục năm nay như: Simple, Chime, Moven... nhưng tính đến tháng 6/2019, mới chỉ có 7 triệu tài khoản tiền gửi được mở tại các ngân hàng ảo này. Theo đó, chỉ có 3% khách hàng trong độ tuổi 8x có tài khoản chính nằm ở một ngân hàng số, tỷ lệ này giảm chỉ còn 1,5% đối với thế hệ 9x trở lên. Trong khi hơn 40% khách hàng 8x của nước này có tài khoản ngân hàng tại một trong 3 “đại gia” ngân hàng truyền thống (Bank of America, JP Morgan Chase và Wells Fargo)(8) bởi vị thế đắc địa và độ tin cậy cao.

Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện. Hiện nay, các quy định pháp lý và sự điều chỉnh của cơ quan quản lý các nước chưa theo kịp tốc độ ứng dụng công nghệ mới, làm hạn chế sự phát triển của ngân hàng ảo. Đồng thời có thể còn gây ra rủi ro pháp lý về phòng chống rửa tiền, xác minh danh tính của các thành viên, bảo mật dữ liệu, tài khoản và giới hạn giao dịch… khi các ngân hàng ảo triển khai những ứng dụng công nghệ cao.

Tại châu Âu, quy trình cấp phép ngân hàng số ở hầu hết các nước đều rất khó khăn. Trung Quốc, thị trường này đang phải hứng chịu nhiều hệ lụy sau một thời gian dài quá cởi mở với ví điện tử và Fintech. Đặc biệt, hành lang pháp lý đang nhằm vào những vấn đề then chốt như: giám sát dòng tiền của các ngân hàng ảo để giảm thiểu nguy cơ rửa tiền, tài trợ tiền cho các hoạt động phi pháp, đặc biệt là với những ngân hàng ảo có yếu tố vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, vẫn thiếu các công cụ kỹ thuật để giám sát doanh thu, ghi nhận thuế, quy định về lưu trữ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuân thủ Luật An ninh mạng…

Quản trị rủi ro. Vấn đề lựa chọn chiến lược, dự báo thị trường, xây dựng kế hoạch, sản phẩm, tìm giải pháp phù hợp năng lực... vẫn có thể sai lầm khiến hệ số rủi ro cao. Mặt khác, việc ứng phó với các sự cố trong chuỗi hoạt động trên Blockchain (lỗ hổng công nghệ) dẫn tới khả năng bị lợi dụng để thực hiện giao dịch trái phép, trộm cắp tiền trong hệ thống... vẫn có thể xẩy ra, làm thiệt hại về tài chính, mất vốn dẫn đến rủi ro thanh khoản, thị trường và tín dụng.

Sự thiếu hụt nguồn vốn và nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng ảo phải chi rất lớn cho hoạt động đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Mặt khác, các công ty công nghệ cũng cần tiêu tốn nhiều thời gian khi bắt đầu triển khai mô hình ngân hàng số để chuẩn hóa các hoạt động, công nghệ và nguồn nhân lực, nên các ưu thế của ngân hàng ảo vẫn chưa thể bộc lộ hết.

Chú thích:

1. https://management.vn: Blockchain và xu hướng ngân hàng ảo của tương lai.

2. http://cafebiz.vn: Ngân hàng ảo của Đức được định giá 3,5 tỷ USD. 19/07/2019 

3. http://tygiavang.vn: Ngân hàng ảo đầu tiên ở Trung Quốc bắt đầu đi vào hoạt động. 7/1/2015

4. https://infomoney.vn: Ngân hàng số: Cơ hội và thách thức cho hệ thống tài chính Việt Nam. 20/8/2019

5. http://thegioihoinhap.vn: Cuộc đua của các “ngân hàng ảo” ở châu Á. 17/6/2019

6. http://thegioihoinhap.vn: Cuộc đua của các “ngân hàng ảo” ở châu Á. 17/6/2019

7. https://vietnambiz.vn: Hong Kong hưởng lợi từ làn sóng ngân hàng ảo ngay cả khi chưa ra mắt. 5/8/2019

8. https://infomoney.vn: Ngân hàng số: Cơ hội và thách thức cho hệ thống tài chính Việt Nam. 20/8/2019

Tài liệu tham khảo:

1. https://management.vn: Blockchain và xu hướng ngân hàng ảo của tương lai

2. http://cafebiz.vn: Ngân hàng ảo của Đức được định giá 3,5 tỷ USD. 19/07/2019 

3. http://tygiavang.vn: Ngân hàng ảo đầu tiên ở Trung Quốc bắt đầu đi vào hoạt động. 7/1/2015

4. https://infomoney.vn: Ngân hàng số: Cơ hội và thách thức cho hệ thống tài chính Việt Nam. 20/8/2019

5. http://thegioihoinhap.vn: Cuộc đua của các “ngân hàng ảo” ở châu Á. 17/6/2019

6. http://thegioihoinhap.vn: Cuộc đua của các “ngân hàng ảo” ở châu Á. 17/6/2019

7. https://vietnambiz.vn: Hong Kong hưởng lợi từ làn sóng ngân hàng ảo ngay cả khi chưa ra mắt. 5/8/2019

8. https://infomoney.vn: Ngân hàng số: Cơ hội và thách thức cho hệ thống tài chính Việt Nam. 20/8/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ảo hóa ngân hàng”: Xu thế mới từ ứng dụng công nghệ 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO