Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ bắt đầu có sự phục hồi. Tuy nhiên, để thị trường có thể phục hồi bền vững, cần phải có thêm những giải pháp đồng bộ khác để khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường mất thanh khoản như hiện nay.
Hoạt động phát hành riêng lẻ có dấu hiệu phục hồi sau Nghị định 08
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong quý I/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành được 24.708 tỷ đồng. Trong số đó khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3/2023 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng.
Bộ Tài chính cho biết, lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.
Theo quan sát của CTCK VNDIRECT, sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, hoạt động phát hành riêng lẻ bắt đầu có sự phục hồi khi có 9 trên tổng 11 đợt phát hành riêng lẻ trong quý được thực hiện trong khoảng thời gian này.
Chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, Nghị định 08 cho phép tạm ngưng các quy định như quy định xếp hạnh tín nhiệm bắt buộc và quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp là những yếu tố giúp hoạt động phát hành riêng lẻ phục hồi.
Tuy nhiên, các đợt phát hành riêng lẻ lớn trong quý vừa qua đều là của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin về các doanh nghiệp này cũng rất hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp tính tới thời điểm phát hành mới chỉ có thời gian thành lập chưa đến một năm.
“Trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại, tỷ lệ phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân của các lô trái phiếu mới phát hành này là rất hạn chế, người mua chủ yếu là các tổ chức, do đó chúng tôi cho rằng những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ là để cơ cấu lại nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn”, chuyên gia VNDIRECT cho biết.
Hoạt động mua lại trước hạn bắt đầu chững lại trong quý I. Tổng giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn trong kỳ đạt 23.730 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên số này giảm hơn 73% so với quý cuối năm ngoái.
Tốc độ mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn có xu hướng tăng mạnh từ quý II/2022 và đạt đỉnh trong quý IV/2022 sau khi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP được ban hành. Nghị định 65 quy định tổ chức phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi tổ chức phát hành vi phạm phương án phát hành. Do đó nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn đồng thời xử lý sớm các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới trong Nghị định 65.
Tuy nhiên trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng bị thắt chặt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của các doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, đây có thể là những nguyên nhân khiến hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn trong quý I/2023 chững lại.
Gần 71 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý II
Thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên.
Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19,2 nghìn tỷ đồng; có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho HNX với khối lượng khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).
Trong năm 2023, VNDIRECT ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232,6 nghìn tỷ đồng (tăng 51,6% so với cùng kỳ). Trong quý II này sẽ có khoảng hơn 70,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (tăng 127% so với quý I/2023), như vậy có thể thấy rằng áp lực đáo hạn sẽ bắt đầu tăng mạnh sắp tới. Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 39,9% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý, đứng thứ hai là nhóm tài chính – ngân hàng với tỷ lệ chiếm 37,1%.
Với một số quy định nới lỏng cho hoạt động phát hành của Nghị định 08, VNDIRECT cho rằng trong thời gian tới có thể sẽ vẫn có những đợt phát hành riêng lẻ với mục đích cơ cấu nợ nội bộ giống như những đợt phát hành của một số doanh nghiệp thực hiện cuối tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, để thị trường có thể phục hồi bền vững thì cần phải có thêm những giải pháp đồng bộ khác để khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư và giải quyết được vấn đề mất thanh khoản như hiện nay của thị trường.
Đặc biệt, cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.
Về phía cơ quan quản lý, cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.
Tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp tại các nước vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng. Vì vậy, thị trường vẫn đang chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này.