Các Hiệp hội ngành, nghề

Áp lực thu nhập dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm

Minh Nhật 20/11/2024 - 16:18

Đó là một trong những ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Nhà giáo diễn ra sáng nay (ngày 20/11).

db-thuc-th.jpg
Đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.

Đại biểu đến từ Thanh Hóa cho rằng, tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.

"Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu…", đại biểu Trần Văn Thức nhận định.

Cũng theo đại biểu, dự thảo luật với những quy định về chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo tại Chương V đã cho thấy rõ việc luật hóa những chủ trương của Đảng trong việc quan tâm đối với đội ngũ nhà giáo. Nội dung các chính sách được quy định một cách cụ thể bảo đảm sự tương xứng với vị thế của nhà giáo trong xã hội.

Đặc biệt, dự thảo quy định rõ: Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng...

Những nội dung mới, cụ thể về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo đang nhận được sự quan tâm, đồng tình rất lớn của cử tri và dư luận xã hội, Chính phủ cũng đã có báo cáo đánh giá tác động một cách rất cụ thể, khách quan đối với các chính sách này.

Đại biểu Trần Văn Thức đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội xem xét đồng tình ủng hộ để chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo tại dự thảo Luật sớm đi vào cuộc sống.

dai-bieu-duong-khac-mai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp, tuy nhiên, cần đi kèm với chất lượng của nhà giáo.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Về vấn đề này, phát biểu giải trình tại cuối phiên thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, cơ quan soạn thảo khi xây dựng các văn bản luật, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, đều phải nhìn cùng các ngành khác.

bo-truong-nguyen-kim-son.jpg
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

"Chúng tôi cũng không muốn ngành của mình có gì đặc quyền, đặc lợi hay một gì đó ưu ái bất thường. Nhà giáo vốn dĩ là những con người cũng sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh mình người khác nghèo hơn. Tuy nhiên, một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống. Chưa đủ sống thì không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học được”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực thu nhập dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO