Chủ Nhật, 13/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tự hào là con Rồng cháu Tiên, trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kể năm hơn bốn ngàn năm/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”. Do đó, Người đã kêu gọi: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”.
Hùng Vương được ghi chép sớm nhất tại Bản Ngọc phả Hùng Vương vào năm 980 dưới đời vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê. Điều này cũng được phản ánh đầy đủ tại “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” được lưu giữ vào năm Hoằng Định thứ nhất (năm 1600) đời vua Lê Kính Tông nhà Hậu Lê.
Hùng Vương dựng nước
Theo huyền thoại con Rồng cháu Tiên, Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng Tiên Âu Cơ sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra trăm người con. Một hôm, Lạc Long Quân cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn được nên đành từ biệt Âu Cơ dẫn năm mươi con xuống biển. Sau đó, Âu Cơ đưa năm mươi con lên núi.
Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Mười mấy đời truyền nối vua đều lấy hiệu là Hùng Vương. Bởi sự tích này mà người Việt Nam khi nhắc đến nguồn gốc của mình thường xưng là con Rồng cháu Tiên.
Theo các tài liệu thì “Văn” là người, nhóm người, tộc người, cộng đồng người. Còn “Lang” là sông. Ghép lại, Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Người Văn Lang cũng được gọi là người Việt. Chữ Việt có hai nghĩa. Chữ Việt bộ Mễ là nghĩa là thời bình người Việt làm nghề nông sinh sống, lúa gạo trữ trong kho. Chữ Việt bộ Tẩu nghĩa là thời chiến ngừời Việt cầm vũ khí đi chống xâm lăng để giữ nước.
Tuy mới sơ khai nhưng Nhà nước Văn Lang đã có bộ máy cai trị từ trung ương đến tận địa phương. Đứng đầu nhà nước Văn Lang là Hùng Vương theo hình thức cha truyền con nối đến 18 đời. Dưới Hùng Vương có lạc hầu và lạc tướng phò giúp. Con trai Hùng Vương gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương. Cả nước chia làm 15 bộ do 15 lạc tướng đứng đầu. Dưới bộ là các làng, kẻ, chiềng, chạ do bồ chính cai quản. Người dân trong nước Văn Lang gọi là lạc dân.
Sách “Việt giám thông khảo tổng luận” chép về việc quản lí đất nước thời Văn Lang chủ yếu theo tục lệ cổ truyền: “Dân không có thói gian dối”, “buộc nút dây mà làm chính sự”.
Cơ sở kinh tế của Nhà nước Văn Lang là nông nghiệp lúa nước. Sử cũ ghi chép lại “ruộng theo nước thủy triều lên xuống mà làm” chứng tỏ rằng người Việt cổ đã có được phương thức làm ruộng nước ở ven sông, ven biển, tránh những ảnh hưởng xấu đến mùa màng.
Dân chúng thời Hùng Vương thạo nghề bắt cá, chài lưới (tục vẽ mình), nghề nông (truyện bánh chưng, bánh giầy; chuyện dưa hấu), nghề luyện kim (truyện Thánh Gióng), và nghề buôn bán (truyện Chử Đồng Tử, truyện dưa hấu). Bên cạnh đó, nhuộm răng đen, một hình thức chống sâu răng của người Việt cổ, đã trở thành tục lệ chung. Dân chúng dưới thời Hùng Vương cũng biết đắp đê và làm thủy lợi chống lũ lụt (Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh).
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện Văn hoá Đông Sơn. Văn hoá Đông Sơn kéo dài trên phạm vi rộng tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam và Bắc Trung bộ Việt Nam và một số nước lân cận Việt Nam... Việc xuất hiện đồ kim khí trong Văn hoá Đông Sơn (nhất là vũ khí) đã chứng minh thời Hùng Vương đã có quân đội mạnh để duy trì sự cai trị của Hùng Vương và chống ngoại xâm.
Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Tự hào là con Rồng cháu Tiên, trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kể năm hơn bốn ngàn năm/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”. Do đó, Người đã kêu gọi: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”.
Ngay sau khi nước nhà giành lại được độc lập, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng làm chủ lễ tại Thủ đô Hà Nội và một đoàn đại diện Nhà nước do Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đã lên Đền Thượng ở Phú Thọ dâng lễ.
Trong cuộc gặp các cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) tại Đền Giếng (thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ) vào ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, được công nhận là di sản văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhân loại vào năm 2012. Trước đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Có thể nói, Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, song Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ riêng ở tỉnh Phú Thọ mà trải khắp đất nước Việt Nam với 1.417 di tích thờ cúng trong cả nước.