Nghiên cứu - Trao đổi

“Bài toán khó” về điều hành tỷ giá năm 2025: “Lời giải” phải đáp ứng được nhiều mục tiêu

(thực hiện) 03/02/2025 14:58

ĐIỀU HÀNH TỶ GIÁ NĂM 2025 TIẾP TỤC LÀ BÀI TOÁN KHÓ VỚI YÊU CẦU LỜI GIẢI TỐT NHẤT PHẢI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHIỀU MỤC TIÊU: VỪA ĐẢM BẢO LẠM PHÁT NẰM TRONG MỤC TIÊU CHÍNH PHỦ VÀ QUỐC HỘI ĐỀ RA, VỪA ỔN ĐỊNH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI, ĐỒNG THỜI, GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY VÀ HỖ TRỢ KINH TẾ VĨ MÔ ĐẠT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG TỪ 7,5-8%. ĐÓ LÀ NHẬN ĐỊNH CỦA ÔNG LÊ DUY BÌNH - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH ECONOMICA VIỆT NAM VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH TỶ GIÁ NĂM 2025 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM.

le-duy-binh-01(1).jpg

ĐIỀU HÀNH TỶ GIÁ NĂM 2025 TIẾP TỤC LÀ BÀI TOÁN KHÓ VỚI YÊU CẦU LỜI GIẢI TỐT NHẤT PHẢI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHIỀU MỤC TIÊU: VỪA ĐẢM BẢO LẠM PHÁT NẰM TRONG MỤC TIÊU CHÍNH PHỦ VÀ QUỐC HỘI ĐỀ RA, VỪA ỔN ĐỊNH TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI, ĐỒNG THỜI, GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY VÀ HỖ TRỢ KINH TẾ VĨ MÔ ĐẠT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG TỪ 7,5-8%. ĐÓ LÀ NHẬN ĐỊNH CỦA ÔNG LÊ DUY BÌNH - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH ECONOMICA VIỆT NAM VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH TỶ GIÁ NĂM 2025 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM.

khdt-4xccccc.jpg

Phóng viên: Năm 2024 được đánh giá là một năm nhiều biến động của tỷ giá. Theo ông, những yếu tố nào đã tác động đến diễn biến tỷ giá trong năm qua?.

Ông Lê Duy Bình: Năm 2024 là năm nhiều biến động đối với ngành Ngân hàng, trong đó, ở góc độ tỷ giá cũng có nhiều biến động. Theo quan điểm của tôi, diễn biến tỷ giá năm 2024 có nhiều biến động do cả các tác động từ bên ngoài và nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là ở giai đoạn nửa đầu năm.

Thứ nhất, trong nửa đầu năm lãi suất đồng USD được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì ở mức cao. Điều này tạo sức ép lớn về tỷ giá. Trong bối cảnh ngành Ngân hàng vẫn phải tìm mọi cách để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã kiên trì tìm cách hạ lãi suất. Điều này càng làm sức ép về tỷ giá cao hơn.

Thứ hai, ở giai đoạn đầu năm, nguồn cung về ngoại tệ cũng không được dồi dào như thời điểm nửa cuối năm do cầu ngoại tệ cho nhập khẩu rất lớn.

Thứ ba, những tháng đầu năm, nhu cầu trả nợ nước ngoài của Chính phủ, của các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng cao hơn. Cùng với đó, giai đoạn nửa đầu năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước. Những điều này dẫn đến nhu cầu về ngoại tệ cao.

Đó là những yếu tố tác động chính khiến sức ép lên tỷ giá tăng cao.

Tuy nhiên, những sức ép này cũng đã giảm dần, đặc biệt là sau khi FED giảm lãi suất điều hành với mức giảm khá lớn, khoảng 0,5 điểm phần trăm.

le-duy-binh.jpg
Năm 2024 được đánh giá là một năm nhiều biến động của tỷ giá

Bên cạnh đó, do tình hình toàn cầu, chỉ số đồng đô la Mỹ (US Dollar Index) cũng bắt đầu giảm nhiệt vào những tháng giữa năm. Những tháng cuối năm, xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi hơn như: xuất siêu ở mức cao hơn, giúp đảm bảo nguồn ngoại tệ tương đối lớn; nguồn kiều hối chảy mạnh về Việt Nam; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ở trong nước cũng đạt mức kỷ lục trong 5 năm gần đây.

Tất cả những yếu tố này cùng với chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá trong năm qua. Nhìn chung, tôi cho rằng, tỷ giá năm 2024 có biến động cao hơn so với năm trước nhưng vẫn trong mức độ phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, phù hợp với tình hình thực tế và có đóng góp rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Phóng viên: Ông vừa nhắc ở trên về vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỷ giá năm 2024, ông có thể nói rõ hơn về điều này?.

Ông Lê Duy Bình: Năm 2024, NHNN đã luôn kiên định, linh hoạt và khéo léo trong việc chèo chống với diễn biến tỷ giá. NHNN đã đảm bảo đồng thời 2 mục tiêu khó: vừa giảm được lãi suất cho vay, đảm bảo lãi suất cho vay thấp; vừa giữ tỷ giá tương đối ổn định. Duy trì được mức lãi suất thấp, tỷ giá tương đối ổn định, đồng thời, kiềm chế lạm phát nằm trong mức mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra, đảm bảo được mức tăng trưởng tín dụng cao là những kết quả đặc biệt đáng khích lệ của ngành Ngân hàng và những điều này đã hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế, đóng góp quan trọng cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.

Đây là thành công của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung, điều hành tỷ giá và điều hành lãi suất nói riêng.

Phóng viên: Năm 2025 tiếp tục được dự báo là sẽ còn nhiều “cơn gió ngược” tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Vậy theo ông, những thách thức nào có thể tác động đến diễn biến tỷ giá năm 2025?

Ông Lê Duy Bình: Tôi cho rằng, năm 2025 vẫn có nhiều thách thức đối với diễn biến tỷ giá. Trong tháng 12, tại cuộc họp cuối cùng của năm 2024, FED đã hạ lãi suất lần thứ 3 liên tiếp, kèm theo tín hiệu thận trọng về lộ trình cắt giảm lãi suất trong tương lai. Những tuyên bố sau cuộc họp và biểu đồ dot-plot về kỳ vọng của các thành viên FOMC cho thấy, FED có thể sẽ chỉ có 2 đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào năm 2025, chỉ bằng một nửa so với kỳ vọng được đưa ra hồi tháng 9/2024.

le-duy-binh-01b.jpg
Năm 2025 vẫn có nhiều thách thức đối với diễn biến tỷ giá

Cùng với đó, việc duy trì lãi suất cao của một số ngân hàng trung ướng khác như Úc, Nhật Bản... cũng sẽ tạo nên áp lực đối với chỉ số đồng đô la Mỹ, tác động gián tiếp đến tâm lý và ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam.

Năm 2025, nếu FED và các ngân hàng trung ương không giảm lãi suất hoặc giảm ở mức độ rất nhỏ, trong khi đó, Việt Nam, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng hơn 7%, thậm chí tăng trưởng 8% thì bắt buộc một trong những giải pháp cần làm là giảm lãi suất. Như vậy, khoảng cách giữa lãi suất VND và USD có thể sẽ được duy trì ở mức cao, qua đó tạo áp lực với tỷ giá.

Bên cạnh đó, đầu năm 2025 là thời điểm ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Từ những diễn biến đã diễn ra ở nhiệm kỳ trước cho thấy chính quyền Donald Trump có xu hướng bảo hộ hơn về mặt thương mại và mậu dịch dưới các hình thức như tăng thuế quan. Chính quyền Trump 2.0 có thể chưa trực tiếp áp dụng hình thức này với Việt Nam nhưng vì Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ, do vậy không thể loại trừ những rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.

Nếu hoạt động thương mại bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với thặng dư thương mại sẽ không được dồi dào như vài năm gần đây, ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam. Hoạt động đầu tư cũng có thể bị ảnh hưởng khi chính quyền Trump 2.0 muốn tìm cách đưa đầu tư trở lại nước Mỹ để chấn hưng ngành công nghiệp nước Mỹ, hoặc về gần bờ (gần nước Mỹ) hơn, ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng chung của toàn thế giới xuống 0,2-0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. Nhiều dự báo về kinh tế thế giới cũng kém lạc quan hơn so với các dự báo trước đây. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ảnh hưởng đến nguồn cầu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Việt Nam, ảnh hưởng đến thương mại đầu tư. Việt Nam có mức độ phụ thuộc vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài rất lớn, việc ảnh hưởng đến thương mại đầu tư có thể dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung ngoại tệ trong nước.

Đây là những yếu tố rủi ro tiềm tàng, ảnh hưởng nguồn cung ngoại tệ và có thể ảnh hưởng đến khoảng cách lãi suất giữa đồng USD và lãi suất đồng VND. Các yếu tố này có thể gây áp lực lớn hơn đối với tỷ giá hối đoái của Việt Nam trong năm 2025.

Phóng viên: Từ những thách thức đó, ông có dự cảm thế nào về diễn biến tỷ giá năm 2025?

Ông Lê Duy Bình: Đối diện với những thách thức và rủi ro đó, chúng ta vẫn có thể lạc quan vì điểm tích cực là triển vọng về xuất khẩu vẫn tốt, đặc biệt là Việt Nam đang có vị trí ngày càng vững chắc hơn trong xuất khẩu, là một trong những cứ điểm xuất khẩu cho cả thế giới. Việt Nam cũng là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài cùng với nguồn kiều hối tương đối mạnh.

Cùng với những yếu tố này, chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN cũng rất chủ động, linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế sẽ là những yếu tố giúp tỷ giá tiếp tục ổn định trong năm 2025.

Do vậy, tôi cho rằng năm 2025, áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu nhưng có thể sẽ không bằng nửa đầu năm 2024.

Phóng viên: Theo ông, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 nên như thế nào cho phù hợp, góp phần ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất?.

Ông Lê Duy Bình: Với cách điều hành tỷ giá như thời gian qua cho thấy, NHNN vẫn duy trì được sắc thái riêng, nguyên tắc riêng của mình, vẫn giữ được sự chủ động, linh hoạt trong điều hành tỷ giá, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính sách về lãi suất.

Năm 2025, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng thì NHNN vẫn phải có giải pháp nâng cao mức tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tỷ giá hối đoái ổn định. Bởi lẽ, tỷ giá biến động quá lớn có thể có lợi cho xuất khẩu nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nhập khẩu vì Việt Nam nhập khẩu rất nhiều để chế biến, chế tạo cho xuất khẩu. Cùng với đó là ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ, của các doanh nghiệp tư nhân. Điều này khẳng định chính sách điều hành chủ động, linh hoạt của NHNN là rất cần thiết.

trade_exports_cover.jpg
Tỷ giá biến động quá lớn có thể có lợi cho xuất khẩu nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nhập khẩu vì Việt Nam nhập khẩu rất nhiều để chế biến, chế tạo cho xuất khẩu

Ngoài ra, trong điều hành chính sách về lãi suất, cũng như chính sách về tỷ giá cần phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo được nguyên tắc chung là ổn định được các chỉ số lớn như lạm phát, lãi suất, tỷ giá cũng như cán cân vãng lai, cán cân thanh toán, thâm hụt ngân sách, nợ công.

Với tinh thần luôn luôn vượt khó, chủ động, linh hoạt thì NHNN cần dựa trên tình hình thực tế, dựa trên những chính sách khác, đặc biệt là phối hợp với những ngành khác như tài chính, thương mại, đầu tư để có những giải pháp điều hành phù hợp với điều kiện thực tiễn, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Đó là một bài toán khó cho NHNN khi lời giải buộc phải đáp ứng cùng lúc nhiều mục tiêu, vừa đảm bảo lạm phát nằm trong mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra, vừa ổn định tỷ giá hối đoái, đồng thời, giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ kinh tế vĩ mô đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8%.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Ngọc (thực hiện)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bài toán khó” về điều hành tỷ giá năm 2025: “Lời giải” phải đáp ứng được nhiều mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO