(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tết là dịp lễ lớn, quan trọng nhất trong văn hóa người Việt. Ngày Tết đem lại sự khởi đầu mới. Lòng người tràn đầy những hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng, khởi đầu của niềm tin yêu, sự may mắn cùng những mong ước, cầu nguyện chân thành. Tết đến là sự rũ bỏ những gì không hay, không đẹp của năm trước.
Người Việt Nam rất coi trọng Tết âm lịch
Tết Âm lịch còn được gọi là Tết Nguyên Đán. Theo chữ Hán Nôm, “Nguyên” có nghĩa là khởi đầu, “Đán” có nghĩa là buổi sớm mai, và còn có nghĩa là trọn vẹn. Nguyên Đán có nghĩa là sự khởi đầu của buổi sớm mai trọn vẹn.
Tết là dịp lễ lớn, quan trọng nhất trong văn hóa người Việt. Ngày Tết đem lại sự khởi đầu mới. Lòng người tràn đầy những hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng, khởi đầu của niềm tin yêu, sự may mắn cùng những mong ước, cầu nguyện chân thành. Tết đến là sự rũ bỏ những gì không hay, không đẹp của năm trước.
Tết là thời điểm giao hòa giữa Trời, Đất, con người và thần linh.
Tết là ngày hướng về cội nguồn và sự tạ ơn, nhớ về ông bà tổ tiên.
Tết là ngày đoàn viên, sum họp, yêu thương, hòa thuận.
Tết là ngày may mắn, lạc quan và hy vọng khởi nghiệp cho năm mới.
Tết còn là ngày rước tài đón lộc.
Tết còn là ngày cầu duyên.
Do vậy, Tết được xem là khoảng thời gian vui nhất, nhộn nhịp và ấm áp nhất của một năm.
Tại sao người Việt Nam hay coi trọng tâm linh, trong đó có phong thủy?
Người Việt Nam được hình thành và gắn bó với nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước đã có từ mấy ngàn năm trước. Người Việt Nam rất quan tâm đến đức tin, tín ngưỡng và tâm linh, rất coi trọng: “nhân, lễ, nghĩa, đức, trí, tín”, tôn trọng đạo đức, đạo đức gia đình, đạo đức làng xóm, đạo hiếu thờ phụng tổ tiên, thờ Phật, thờ thánh, thờ thần.
Người Việt cũng luôn tôn trọng nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Dù đi đâu, làm gì cũng cố gắng trở về nơi sinh ra mình. Nơi đó có đình, chùa, miếu, phủ, có nhà thờ họ mạc, nhà thờ tổ tiên … để cầu trời, khấn phật phù hộ độ trì cho dân chúng. Làm việc gì cũng phải cân bằng âm dương, Thiên Địa Nhân hợp nhất, đủ tất cả cửa thần, Phật, cửa thánh và phù hợp với phong thủy (khí, gió và nước). Làm gì và làm sao để có được mưa thuận gió hòa, thực hiện đúng phong thủy là những yếu tố cơ bản trong đời sống tâm linh trong xã hội.
Bản chất tâm linh theo nghĩa rộng, là đời sống tinh thần hướng tới sự tốt đẹp, linh thiêng… càng được coi trọng trong những dịp lễ trọng của một năm. Ngày tết, ngày khởi đầu của một năm mới lại càng được coi trọng trước hết.
Phong thủy là môn khoa học huyền bí trong phần tâm linh của người Việt Nam, đã hằn sâu vào tâm khảm từ xa xưa. Vì vậy, cứ đến ngày Tết, người ta càng chú ý đến phong thủy, sao cho mọi sự hài hòa, tạo ra những thay đổi, tươi mới, an lành… mang sinh khí đến cho làng xóm, cho từng ngôi nhà và những người sống trong tổ ấm đó. Làm sao để hợp âm dương, hợp không gian, thời gian của vũ trụ, kết thúc một năm cũ để đón chào thời khắc mới với tâm thái cá nhân thoải mái, chủ động, với tâm thế của cả gia đình, dòng họ, làng xóm háo hức đón Tết, đón xuân sang, nhiều niềm tin và hy vọng mới, tốt đẹp.
Người Việt Nam rất chú trọng phong thủy ở làng xóm, nhà ở, các địa điểm tâm linh và kể cả các nơi công quyền. Vì vậy, rất quan tâm đến việc dọn dẹp, trang trí lại nhà ở, đình chùa, đền miếu, phủ… Những nơi đó thường xuyên xuất hiện các biểu tượng, màu sắc tươi mới mang nhiều ý nghĩa may mắn: tứ linh, tứ quý, cờ phướn, tranh, phù điêu, tượng… với nhiều chất liệu và hình thức thể hiện rất phong phú, hấp dẫn và đẹp mắt.
Đường phố trang trí chào đón năm mới 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý với màu sắc màu sắc rực rỡ, tươi mới |
Phong thủy cho ngày tết 2020 nên làm những gì và làm như thế nào?
Ông cha ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chuẩn bị đón Tết: Dọn dẹp nhà cửa, dọn bàn thờ, trả hết nợ trước ngày 30; mua dự trữ các thứ thuốc quan trọng; giặt giũ, phơi khô quần áo trước Tết (không để quần áo ướt mùng Một Tết dễ bị cảm mạo lâu khỏi); đổ rác chiếu tối 30. Đặc biệt, trước giao thừa mở các cửa Sinh khí, Thiên y, Diên niên (theo mệnh cung của chủ nhà) để đón cát khí năm mới tràn đầy nhà, bật đèn sáng trưng. Các cửa Tuyệt mệnh, Ngũ quỷ, Lục sáng, Họa hại, nên đóng lại để tránh hung khí vào nhà. Dọn dẹp nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ, xông đất để xua tan khí xấu, bố trí lại và trang trí phòng khách hợp phong thủy, chuẩn bị các lễ vật, hoa quả cúng Tết, chọn hoa và cây cảnh để trang trí, chọn câu đối Tết…
Ngoài ra, còn phải cúng giao thừa (lễ trong nhà và lễ ngoài trời, chọn hướng xuất hành, đón người đến xông đất, mừng tuổi, đi lễ đầu năm, khai ấn, khai bút …).
Những việc trên nên làm như thế nào, xin được nêu chi tiết ở phần tiếp theo.
Nên dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, xếp đặt bàn thờ, mâm cỗ, xuất hành, xông đất đầu năm thế nào?
Việc dọn dẹp nhà cửa là mong muốn đẩy đi những xui xẻo của năm cũ. Xin gợi ý về cách dọn dẹp nhà cửa hợp phong thủy như sau:
Thông thường, nên dọn dẹp nhà cửa, sau khi đưa tiễn ông Táo và tốt nhất là vào đúng ngày Trực trừ. Năm nay, Trực trừ của tuần cuối năm, vào ngày 18 tháng Chạp âm lịch. Những gia đình vừa gặp một năm thất bại, đang mong muốn có sự thay đổi hoàn toàn trong năm mới thì nên chọn ngày Trực trừ (18 tháng Chạp) để dọn dẹp nhà cửa. Ngày Trực trừ có ý nghĩa là trừ bỏ cái xui xẻo đã qua.
Khi dọn dẹp nhà cửa, các đồ đạc trong nhà được đem ra lau chùi, rửa thật sạch sẽ, chuẩn bị chén, đĩa, bát mới, sạch để bày mâm cỗ trong ngày Tết. Các vật phẩm trưng bày cũng được lau chùi sạch sẽ, bày biện, trang hoàng cho nhà cửa mới mẻ hơn. Các thứ cũ rách cần được bỏ đi.
Ngày dọn dẹp nhà cửa, nên kết thúc bằng việc xông nhà để xua tan vận khí xấu. Có thể dùng trầm hoặc các gói thuốc bằng lá cây có bán tại các cửa hàng phong thủy để xông, xua tan vận khí xấu.
Trang trí, bài trí phòng khách
Phòng khách là vị trí rất quan trọng, đây là nơi tập trung vượng khí, là không gian đáng quan tâm nhất, sum họp gia đình trong ngày Tết. Lưu ý đầu tiên của phòng khách là phải thông thoáng, sáng sủa, không vướng lối đi. Thứ hai là khi trang trí lại phải hợp phong thủy (kể cả trong phòng khách và ngoài sân, sảnh của nhà). Để hợp phong thủy, có 3 vấn đề cần lưu ý sau:
- Chú ý đến ngũ hành âm dương trong trang trí ngày Tết. Nên sử dụng các màu sắc sặc sỡ, mang tính dương để mang lại may mắn (đỏ, hồng, vàng, xanh, lam), tránh những mầu lạnh mang tính âm (trắng, đen, xám, nâu).
- Hoa và cây cảnh, nên chọn các loại hoa có màu sắc rạng rỡ như: Đào, mai, cúc vàng, hoa đồng tiền, hạn chế các loại hoa quả, cây giả quá nhiều là không tốt. Cắm hoa phải lưu ý cắm theo 3 tầng (thấp, vừa, cao), có bông to, nhỏ, vừa là thể hiện nguyên lý Tam Tài, như một sự cân bằng âm dương. Không nên trưng bày cây có cành nhọn, hoặc gai, sẽ tạo ra sát khí; không treo các hình con thú có móng vuốt ngày đầu năm, vì đó là điều tranh chấp không lành.
- Chọn các vật phẩm trang trí mang điềm phúc lộc, may mắn cho gia chủ, như cây đào, cây quất, tượng ngũ phúc lâm môn, tượng di lặc …
Phòng khách là vị trí rất quan trọng, đây là nơi tập trung vượng khí, là không gian đáng quan tâm nhất, sum họp gia đình trong ngày Tết |
Dọn dẹp và bài trí bàn thờ
Cần lễ phép thắp nhang xin phép trước bề trên cho gia chủ được phép di dời và lau rửa sạch sẽ để đón Tết. Phải dùng khăn sạch và dùng rượu pha gừng (giã nhỏ ngâm vào rượu) để lau rửa.
Việc rút chân hương, lưu ý chỉ để lại 5 hoặc 3 chân nhang; số chân nhang đã rút ra nên hóa, không vứt bừa bãi vào thùng rác.
Nếu có đỉnh hương, nên đánh bóng lại cho mới để làm sáng lên các hình trạm, họa tiết, tượng trưng cho tính dương thêm sức mạnh, thông minh, cầu no đủ.
Cần kê gọn bàn thờ cho hợp lý: bát nhang nên đặt gần với người thắp nhang để không phải với quá tầm tay.
Đặc biệt chú ý bố trí bàn thờ theo bát quái: có bộ đèn lớn (ngày nay thay bằng đèn điện, chính là thái cực, tỏa sáng). Có thêm 2 đèn nhỏ (hoặc 2 cây nến) ở 2 bên, chính là Lưỡng nghi; trái dưa hấu, hoặc mâm ngũ quả và 2 bình hoa, thành Tứ tượng; bát hương đặt ở giữa (1 hoặc 3 bát hương).
Lưu ý thêm: ngày Tết nên thắp mỗi bát hương 3 nén nhang là theo thuyết Tam Tài (Thiên - Địa - Nhân) trong phong thủy.
Nguồn gốc mâm ngũ quả là triết lý ngũ hành ứng với mệnh của con người |
Mâm ngũ quả
Nguồn gốc mâm ngũ quả là triết lý ngũ hành ứng với mệnh của con người. Số 5 (lẻ) tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi, nảy nở; đại diện cho 5 loại ước muốn: phú, quý, thọ, khang, minh. Các loại quả nên nhiều màu sắc dương (xanh, đỏ, vàng), các màu âm (trắng, đen, xám) không nên nổi trội. Những quả hồng xiêm, lê, nho chỉ nên là chấm phá.
Tùy theo văn hóa vùng miền, mâm ngũ quả cũng có sự khác nhau, thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp sao cho đẹp mắt.
Người miền Bắc thường đặt mâm ngũ quả có chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, hoặc là chuối, bưởi, ớt đỏ, quất, lê; cũng có nơi thay bằng cam, táo, lê ki ma, mãng cầu.
Người miền Nam thường đặt mâm ngũ quả các lại sẵn có: mãng cầu xiêm, dừa, đu đủ, sung, xoài.
Nói chung, cả Bắc và Nam đề không quá khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các hoa quả đều có thể bày được, miễn là có nhiều màu sắc. Những người sùng đạo thường thay quả bưởi bằng quả phật thủ.
Cúng giao thừa
Giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Theo tục lệ cổ truyền, có 2 lễ, phải cúng cả ở ngoài trời và ở trong nhà. Cúng ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón rước thần năm mới. Cúng ngoài trời để đón các thiên binh, tức là 12 vị hành khiển. Vị hành khiển đi thị sát dưới hạ giới, rất vội, không thể vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường đặt ở ngoài cửa chính hoặc ở sân. Hết một năm, vị hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ phải bàn giao công việc cho vị hành khiển mới.
Năm 2020, hướng mâm thờ phải quay về hướng Cát môn (Tây Nam) hoặc Sinh môn (Chính Tây).
Khóa lễ ngoài trời thường bắt đầu từ 23h45’, tín chủ viết 4 phương, 8 hướng (vòng theo chiều kim đồng hồ) rồi quay vào mâm lễ để khấn (phải chắp tay khít ngón, để yên dưới cằm, không lay động, tĩnh tâm một lát rồi đọc bài khấn).
Sau khi cúng ngoài trời, phải nhanh chóng vào nhà để cúng trong nhà, tại bàn thờ gia tiên để kính báo, cầu Phật, thần linh và gia tiên phù hộ độ trì cho năm mới, gia đình, con cháu được mọi sự bình an, tốt lành, may mắn, phát triển thuận lợi. Đây là nghi lễ thành kính và trang trọng, toàn thể các thành viên trong gia đình quỳ trước bàn thờ gia tiên, cầu khấn cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Sáng ngày mồng Một Tết lại khấn thần linh và tổ tiên trong nhà.