Các Hiệp hội ngành, nghề

“Bán trước, mua sau” cách làm tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và ngành lúa gạo

Nguyễn Huyền 19/08/2024 08:13

Để có hợp đồng khai thông tài chính, một số doanh nghiệp ký bán trước, có được hợp đồng đi vay tiền ngân hàng, cách làm này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bản thân doanh nghiệp lẫn ngành hàng lúa gạo.

lua-gao.jpg
Ảnh minh họa

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, theo nhận định chung giá gạo thế giới không tăng nhưng giá trong nước tăng, chủ yếu do các doanh nghiệp đã bán ra lượng hợp đồng rất lớn, khi tàu vào nhận hàng bị thiếu hụt nguồn hàng nên họ phải đẩy mạnh mua vào, nhất là các hợp đồng liên quan đến Bulog có giá bán khá thấp. Các hợp đồng này không thể hủy được nên doanh nghiệp bắt buộc mua hàng để giao.

Hầu hết các doanh nghiệp ngành gạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù biết bán trước, mua sau khi thị trường biến động sẽ có những rủi ro nhất định, nhưng hiếm có doanh nghiệp nào có lượng tiền đủ lớn để mua hàng trước, bán hàng sau.

“Vấn đề của doanh nghiệp bây giờ là nguồn cung hạn chế và cước tàu tăng cao khiến giá bị đội lên, trong khi khách ngoại không dễ dàng chấp nhận giá cao, vì bản chất thị trường chủ yếu do doanh nghiệp đẩy giá lên để gom đủ lượng giao hàng theo hợp đồng đã ký. Mặt khác, chất lượng gạo Hè Thu không cao cũng là một bài toán, nếu mua hàng có chất lượng kém khách hàng sẽ không nhận”, Phó Chủ tịch VFA nói.

Mua lúa gạo cần một lượng tiền rất lớn chỉ doanh nghiệp có tài chính mạnh mới có thể mua vào trước, chờ thị trường tốt lên thì bán nhưng trường hợp này rất hiếm.

"Thị trường gạo xuất khẩu tranh mua tranh bán rất khốc liệt buộc những doanh nghiệp lớn phải bán trước, trong khi tiền lời của một tấn gạo rất mỏng, đó là chưa kể tỷ giá giảm sâu quá nên các đơn vị rất khó khăn”, ông Nam chia sẻ.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lâu năm ở TP. Cần Thơ cho biết, các nước nhập khẩu gạo, đặc biệt Indonesia và Philippines hiểu rất rõ về mùa vụ cũng như tài chính của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh thời tiết diễn biến cực đoan như hiện nay, cùng với nhu cầu nhập khẩu rất lớn của 2 nước đông dân là Philippines, Indonesia. Hàng năm Philippines nhập khẩu khoảng 60 -70% lượng gạo từ Việt Nam thì chính phủ cần có các chính sách giữ ổn định giá gạo xuất khẩu, cần có người phát ngôn và định hướng thị trường, có quy định và chế tài cá nhân hay doanh nghiệp vi phạm quy định về định hướng giá.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thêm, đối với Philippines, nếu gạo dự trữ chỉ đủ dùng trong 30 ngày là Philippines phải nhập khẩu khẩn cấp, do dân đông nên không bao giờ họ để tình trạng khẩn cấp xảy ra.

Indonesia cũng vậy, với hơn 200 triệu dân chính phủ dự trữ lương thực trong 60 ngày, nếu dự trữ còn dưới 30 ngày là thuộc khẩn cấp, an ninh lương thực quốc gia.

“Chúng ta có thế mạnh nông nghiệp mà không điều chỉnh để nâng mức sống của người dân mình lên là có lỗi với nông dân”, doanh nghiệp ở Cần Thơ đặt vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bán trước, mua sau” cách làm tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và ngành lúa gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO