Bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết

T.D| 28/01/2022 22:11
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều 28/1, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 1/2022.

Phiên họp diễn ra trong không khí phấn khởi của những ngày giáp Tết cổ truyền dân tộc; cả nước triển khai đồng bộ, thống nhất, quyết liệt các Nghị quyết 01, 02 và 128 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn thông tin tới báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022 - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022, nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới; công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết và thời gian tới; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác phòng chống dịch, các thành viên Chính phủ cho rằng, mặc dù số ca bệnh mắc trong cộng đồng xuất hiện ở nhiều địa phương, nhưng cơ bản chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh.

Các cấp, các ngành đã kịp thời chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về công tác phòng chống dịch, nhất là quy định về cách ly trong đi lại và về quê đón Tết của người dân. Tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm 5K + vaccine + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp hiệu quả khác. Thường xuyên đánh giá cấp độ dịch tại tất cả 63 tỉnh, thành phố; kiểm soát chặt những ổ dịch mới phát sinh.

Tập trung chỉ đạo, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đến nay, nước ta đã tiếp nhận gần 212 triệu liều, tiêm được trên 180,4 triệu liều; người từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng là 100%, 95,7% và 23,4%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỉ lệ 95,2% và 87,6%.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; luôn sẵn sàng, chủ động, tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai nghiêm túc, nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện; tăng cường công tác dự báo; xây dựng các kịch bản và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh; triển khai thần tốc, thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine trên tinh thần an toàn, khoa học, hiệu quả; hoàn thành tiêm mũi thứ 3 và nghiên cứu, sớm triển khai tiêm cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cấp thiết bị y tế tại các trung tâm y tế lớn. Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án chủ động, sẵn sàng điều động lực lượng, hỗ trợ nhanh, kịp thời cho các địa phương trong trường hợp cần thiết. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, vận động nhân dân đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan lơ là, nhất là trong dịp Tết. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, xin - cho trong sản xuất, nhập khẩu các loại thuốc và sinh phẩm y tế.

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngay từ đầu năm, quyết tâm cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 nhìn chung có chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, các đối tác và bạn bè quốc tế; chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, chuỗi sản xuất tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tỉ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Ngân sách Nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi, nhất là chi phòng chống dịch bệnh cũng như các nhiệm vụ đột xuất khác. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so cùng kỳ. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển tốt. Tháng 1/2022 ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường cao hơn so với cùng kỳ, tăng 28,9% và 194%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6%.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo người có công, hỗ trợ hộ nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh.

Những kết quả đạt được trong tháng 1/2022 là rất đáng ghi nhận, khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn những tồn tại, hạn chế: Kinh tế vĩ mô còn rủi ro, áp lực lạm phát từ cả bên trong và bên ngoài; một số hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nông sản ra các thị trường trọng điểm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; còn để xảy ra một số vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội như bạo hành trẻ em...; tình hình tội phạm xuyên biên giới, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; vấn đề trẻ em chưa được đến trường ở một số tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em và công việc của các bậc phụ huynh...

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể về kinh tế, xã hội, sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương bắt tay ngay vào công việc sau kỳ nghỉ Tết, không được có tâm lý " tháng Giêng là tháng ăn chơi"; bám sát các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, quyết liệt thực hiện và phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; trong đó:

Trước hết, bảo đảm cho mọi người, mọi nhà đều phải có Tết với tinh thần nghĩa tình, tri ân, an toàn, lành mạnh, vui tươi, hạnh phúc, tiết kiệm. Trong đó, cần có kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ, nhân viên để ứng trực tốt, phù hợp, hiệu quả, khoa học, kịp thời xử lý, giải quyết mọi công việc, tình huống phát sinh; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không dự các lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan. Tổ chức "Tết trồng cây" thiết thực, hiệu quả, gắn với triển khai chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.

Tiến hành rà soát kỹ các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn, lang thang, cơ nhỡ, trẻ em mồ côi, công nhân kể cả ở các vùng khó khăn cũng như tại những khu vực thành thị để kịp thời có những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để dồn đến cuối năm, bảo đảm đúng tiến độ gắn với nâng cao chất lượng và tiết kiệm; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc, nhất là trong giải phóng mặt bằng; có phương án điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án, công trình có khối lượng hoàn thành cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm; rà soát 3 chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai ngay từ đầu năm.

Các bộ, ngành chủ động, phối hợp chặt chẽ Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, rà soát chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và tổ chức bộ máy bên trong, sớm hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định quy định về nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy trong quý I/2022.

Rà soát và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các hoạt động đầu tư, bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu và lưu thông hàng hóa, không để đứt gẫy các chuỗi cung ứng, sản xuất. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường và xử lý có hiệu quả các vướng mắc, phát sinh trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia như: dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Nghiên cứu kỹ, sớm đề xuất kế hoạch, lộ trình cụ thể mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm nhất nhưng bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả, phù hợp tình hình dịch bệnh. Tăng cường năng lực kiểm soát các nguồn tài nguyên, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; triển khai các giải pháp phục hồi và ổn định thị trường lao động; có giải pháp xử lý hiệu quả việc bảo đảm nguồn cung lao động sau kỳ nghỉ Tết. Khẩn trương ban hành quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về mở cửa các cơ sở giáo dục, trường học để đưa học sinh trở lại trường sớm nhất sau Tết Nguyên đán; chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản dịch bệnh, bảo đảm trường học an toàn, phụ huynh yên tâm đưa con đến trường. Chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, kiểm soát hoạt động đi lại của người dân trong dịp Tết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không đặt ra các quy định, yêu cầu trái với hướng dẫn của Chính phủ và của Bộ Y tế; phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ; đồng thời, tạo điều kiện để người lao động trở lại công việc ngay sau khi kỳ nghỉ tết kết thúc.

Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; không để xảy ra điểm nóng về an ninh, trật tự, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Bám sát, chủ động thực hiện chương trình đối ngoại các cấp, phù hợp tình hình. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền, định hướng dư luận, thông tin đầy đủ, kịp thời, nhất là về những kết quả đạt được, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tạo sự đồng thuận và nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh, phản bác, bóc gỡ thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, với tinh thần bám sát kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở chức năng, quyền hạn của Chính phủ, của các bộ, ngành để phục hồi nhanh, phát triển bền vững; có lộ trình, biện pháp thực hiện cụ thể, rõ ràng; sớm hoàn thiện Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định: Để đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 128, Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các địa phương không được tự ý ban hành các quy định riêng, khi không được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về quê đón Tết sau một năm rất vất vả. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần quán triệt trong các cuộc họp, kể cả Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch, kể cả các cuộc họp Chính phủ thường kỳ, đều quán triệt việc này. Tinh thần chuyển trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng không được chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam rất cao. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên cơ bản là 100%, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt chống chỉ đinh. 

Tuy nhiên, một số địa phương vừa qua có tình trạng ban hành một số quyết định gây khó khăn, thậm chí là bức xúc cho người dân. Trước tình hình ấy, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Công điện 64 ngay trong đêm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định tổ chức các biện pháp y tế, cách ly, vấn đề đi lại của người dân, vấn đề đón người dân về quê ăn Tết. Đặc biệt, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân thì phải đảm bảo thống nhất trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu các địa phương không được đặt ra những quy định về phòng chống dịch trái với hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của Chính phủ, để gây những khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp Tết cổ truyền nhân dân về quê ăn Tết.

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: Việc đưa học sinh trở lại trường là mối quan tâm của toàn xã hội, Chính phủ trong thời gian qua cũng chỉ đạo rất quyết liệt. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 19/1, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo với các địa phương, mời các chuyên gia để tham khảo ý kiến, đồng thời thống nhất việc mở cửa trường học là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm hiện tại, sớm nhất là sau Tết Nguyên đán.

Theo kinh nghiệm của thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, UNESCO và UNICEF đưa ra 8 khuyến nghị về việc đưa học sinh trở lại trường, trong đó có khuyến nghị số 1: Trường học phải là một trong những cơ sở cuối cùng đóng cửa và một trong những cơ sở đầu tiên mở cửa. Trên tinh thần như vậy, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn để hướng dẫn các địa phương, đề nghị các địa phương kiên quyết, quyết liệt có các biện pháp nhanh chóng, có kế hoạch, lộ trình, trước hết trang bị, xem lại điều kiện cơ sở vật chất an toàn tại trường học, sớm đưa học sinh trở lại trường trước ngày 14/2/2022, tức sau Tết 1 tuần.

Bộ cũng đề nghị các địa phương hoàn trả những cơ sở vật chất đã trưng dụng để các cơ sở giáo dục cho sinh viên trở lại trường cũng như các địa phương chỉ đạo các cơ sở trực thuộc, phối hợp hỗ trợ các trường học trên địa bàn đưa sinh viên trở lại trường.

Đến nay, theo thông tin chúng tôi cập nhật mới nhất, khối THPT với tỉ lệ 63/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường (đạt 100%); khối đại học, cao đẳng có khoảng 91% trường đã có kế hoạch đưa sinh viên trở lại trường, dự kiến vào ngày 7/2; khối THCS có 57/63 tỉnh, thành phố; khối tiểu học có 53/63 tỉnh, thành phố và khối mầm non có 51/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường ngày 7/2.

Về phương án mở cửa cho các cháu chưa tiêm vaccine: Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì cấp độ 1, 2 đã được Bộ Y tế ban hành văn bản các tiêu chí. Theo đó, cấp độ 1 đưa học sinh học trực tiếp tại trường; cấp độ 2 học trực tiếp tại trường và có một phần hạn chế, nhưng Nghị quyết không nói về việc tiêm vaccine cho học sinh là điều kiện.

Với sinh viên và học sinh từ 12 tuổi trở lên, chúng ta đã tiêm vaccine với số lượng cao; còn học sinh dưới 12 tuổi thì Bộ Y tế cũng rất khẩn trương và có tham khảo ý kiến chuyên gia, thế giới để có kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa học sinh trở lại trường không nên phụ thuộc vào việc tiêm cho học sinh ở tuổi nhỏ, bởi có thể việc tiêm này sẽ có những rủi ro.

Do đó, chúng tôi cho rằng các địa phương nên có lộ trình từng bước cho học sinh nhỏ tuổi tới trường và phải căn cứ thực tiễn, đưa học sinh tới trường làm thế nào an toàn. Chúng ta cần thấy lợi ích lâu dài, giáo dục ở trẻ nhỏ cần được toàn diện nhưng ở nhà thì không thể được như vậy.

Chúng tôi cho rằng một số địa phương đã có kinh nghiệm và mạnh dạn có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường và tin tưởng rằng sau Tết (khi Bộ Y tế đã có thông tin tỉ lệ trẻ em ở độ tuổi đó có nguy cơ rất thấp so với các độ tuổi khác) thì các địa phương trên cơ sở kinh nghiệm của mình, từng bước đưa các cháu trở lại trường; từ đó sẽ có kinh nghiệm rút ra để sớm đưa tất cả các cháu trở lại trường. Nếu chúng ta không thực hiện, không làm gì và cứ để các cháu ở nhà thì rõ ràng không thể có bước tiến, không thể có căn cứ để quyết định.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc sớm cho các cháu trở lại trường là cần thiết. Các cháu đã tiêm chủng nên đưa trở lại trường còn các cháu chưa tiêm chủng nên có kế hoạch kết hợp học trực tiếp và trực tuyến; có thể có phương án chia lớp để giảm mật độ ở trường, những việc này chúng tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO