Vấn đề - Nhận định

Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh tiêu cực, lãng phí trong thực hiện ngân sách nhà nước

Lan Nguyễn 17/05/2023 09:12

Để đạt được mục tiêu đề ra, giới chuyên môn đề nghị, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

160520231255-dsc_9813.jpg
Toàn cảnh Phiên họp thẩm tra, cho ý kiến về "Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2023".

Báo cáo được trình bày tại Phiên họp thẩm tra, cho ý kiến về "Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2023" do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 16/5 đánh giá, năm 2022, nền kinh tế nước ta đã chịu nhiều tác động chưa thuận của yếu tố trong và ngoài nước. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 13/15 chỉ tiêu chủ yếu dạt và vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt mức 8,02% (vượt chỉ tiêu đề ra là 6-6,5%), các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo.

Về thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng thu NSNN năm 2022 vượt khá cao so với dự toán (tăng 28,6%), trong đó 3 khoản thu chủ yếu của NSNN là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.

Qua báo cáo của Chính phủ và giám sát thực tế, các đại biểu tham dự phiên họp đã chỉ ra một số vấn đề nổi lên trong việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2022. Theo đó, công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2022 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2023 cũng như nhiều năm gần đây chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và số đánh giá bổ sung. Nhiều khoản thu tăng rất cao như: các khoản thu về nhà, đất tăng 57,1% so với dự toán; thu tiền cấp khai thác khoảng sản tăng 55,8% so với dự toán; thu khác ngân sách tăng 78,2% so với dự toán.

Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, làm ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách tài chính và xây dựng dự toán năm 2023. Do vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu NSNN hằng năm.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi công tác quản lý thuế dù đã được tăng cường song nợ thuế vẫn còn cao. Tổng nợ thuế nội địa đến ngày 31/12/2022 tăng 17,3% so với thời điểm 31/12/2021. Do đó, Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục, tăng cường hiệu quả công tác hành thu, góp phần tăng thu NSNN.

Ngoài ra, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu, còn nhiều khó khăn. Tình hình thực hiện thu từ nguồn cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn đạt rất thấp so với dự toán (khoảng 3,8/30 nghìn tỷ đồng. Do đó, các đại biểu đề nghị: cần có báo cáo riêng về vấn đề này.

Về thực hiện nhiệm vụ chi NSNN năm 2022, các đại biểu đề nghị cần có báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục việc giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp, đặc biệt khi tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm.

Đồng thời, với số chuyển nguồn qua các năm còn khá lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn, kiên quyết không cho chuyển nguồn trái quy định của pháp luật.

Đối với việc thực hiện dự toán NSNN năm 2023, các đại biểu nhận định còn nhiều khó khăn, do đó, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt là cơ quan thuế và hải quan dễ hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2023 để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số thu vào NSNN.

Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển. Triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách đã được ban hành. Kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch. Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, cơ quan thẩm tra ghi nhận các kết quả đạt được thời gian qua là rất đáng trân trọng với nhiều điểm sáng như số thu từ doanh nghiệp đạt khá. Có được những kết quả này là nhờ hiệu quả của công tác hành thu và điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhạn thẳng thắn vào tồn tại như chất lượng lập của công tác lập dự toán. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan song cũng có nguyên nhân chủ là chính các địa phương muốn xây dựng dự toán thấp. “Ở đây có phần trách nhiệm của các địa phương, các bộ ngành hữu quan và của chính cơ quan thẩm tra khi thẩm tra dự toán. Do đó đề nghị các cơ quan nghiêm túc rút kinh nghiệm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh

Để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị có thêm giải trình làm rõ về số nợ thuế tăng cao, số chuyển nguồn lớn và đánh giá lại hiệu quả việc sử dụng một số nguồn lực như vốn ODA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh tiêu cực, lãng phí trong thực hiện ngân sách nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO