Bảo mật thông tin khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số

TS. Nguyễn Thị Thái Hưng| 30/07/2020 08:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Sự thay đổi này dẫn đến phải thay đổi mô hình quản trị, cấu trúc quản lý, thay đổi các sản phẩm dịch vụ trong các ngân hàng, đồng thời phải tăng cường quản trị rủi ro, đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ thông tin của khách hàng.

1. Ngân hàng số tại Việt Nam

Ngân hàng số là mô hình hoạt động của ngân hàng trong đó các hoạt động chủ yếu dựa vào các nền tảng và dữ liệu điện tử và công nghệ số. Ngân hàng số đem lại nhiều lợi ích cho ngành ngân hàng như: tạo kênh phát triển mới cho các dịch vụ ngân hàng, mở rộng phạm vi hoạt động, tiếp cận với khách hàng mà không bị giới hạn về không gian và thời gian; giới thiệu sản phẩm đến khách hàng nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn; cắt giảm được các chi phí giao dịch như: chi phí văn phòng, nhân viên, văn phòng phẩm, quản lý hệ thống kho quỹ. Ngân hàng số tăng tốc độ xử lý và đảm bảo hiệu quả vận hành, cải thiện hiệu quả hoạt động ngân hàng bán lẻ, giúp các ngân hàng nắm bắt hành vi thay đổi của khách hàng và bắt kịp tốc độ thay đổi nhanh của thị trường, tăng cường trải nghiệm khách hàng, giúp cho ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh so với ngân hàng truyền thống.

Việt Nam với 96,5 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, có 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh và 67% dân số dùng Internet là thị trường đầy tiềm năng cho phát triển ngân hàng số. Chuyển đổi ngân hàng số trải qua 3 giai đoạn: thứ nhất, chuyển đổi một phần, số hóa quy trình, kênh phân phối hoặc sản phẩm dịch vụ; thứ hai, xây dựng mảng kinh doanh số riêng cho ngân hàng; thứ ba, số hóa toàn bộ hoạt động ngân hàng. Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đang theo cấp độ một, một số ngân hàng lớn thực hiện cấp độ hai và đang thực hiện chuyển đổi số nhờ khai thác các công nghệ, giải pháp tiên tiến như: điện toán đám mây (Cloud), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (A.I), tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (R.P.A), chia sẻ dữ liệu qua giao diện chương trình ứng dụng mở (open API), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), đột phá số (digital disruption)…, tái cấu trúc toàn diện quy trình xử lý nội bộ, mô hình kinh doanh theo hướng đơn giản, tinh gọn, số hóa, tự động, thông minh và tối ưu hóa các kênh giao tiếp với khách hàng theo hướng đa kênh đồng nhất.

Các dịch vụ ngân hàng số phổ biến hiện nay là: Home Banking, Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử, thẻ ngân hàng, Phone Banking… Dịch vụ Internet Banking với rất nhiều tính năng, tiện ích mới như chuyển tiền đến thẻ Visa, chuyển tiền bằng Mobile Banking, nạp tiền điện thoại hoặc thẻ trả trước, thanh toán hóa đơn tự động bằng thẻ tín dụng hay Live Chat trên Website và Facebook... Một số ngân hàng đã hợp tác thành công với các Fintech để đưa công nghệ mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như áp dụng sinh trắc học, sử dụng QR code, Tokenization, công nghệ mPOS, ví điện tử. Các ngân hàng như BIDV, Techcombank, Vietcombank, TPBank, VPBank,…đã hoàn thiện hệ thống giao dịch tự động, ứng dụng một phần dữ liệu lớn. MB, Techcombank,..đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, máy tự học (learning machine) và đưa ra các dịch vụ tư vấn tự động 24/7 qua các hộp hội thoại (chat box) tự động trên website ngân hàng hoặc các kênh mạng xã hội. Các dịch vụ như kiểm tra số dư, thanh toán hóa đơn, chuyển khoản, đặt vé máy bay với giao diện người dùng thân thiện, dễ sử dụng và không ngừng nâng cấp như iFast của Techcombank, E-mobile banking của Agribank, BIDV với SmartBanking… Ðầu năm 2017, TPBank ra mắt ứng dụng TPBank LiveBank. Ðầu năm 2018, OCB giới thiệu nền tảng hợp kênh (Omni - channel). Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn với tư vấn PwC. Vietcombank xác định 3 mức độ trưởng thành của ngân hàng số là 1.0, 2.0 và 3.0. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Vietcombank sẽ tiệm cận 3.0, năm 2030 sẽ là ngân hàng số 3.0 thực sự.

VietinBank xây dựng Corebank thế hệ mới với hiệu suất cao; tháng 9/2018 VPBank triển khai ứng dụng ngân hàng số Yolo sau mô hình ngân hàng số Timo. MBBank cho phép khách hàng chuyển tiền qua ứng dụng Facebook và tạo ra một kênh giao tiếp mới với khách hàng trẻ qua ứng dụng eMBee fanpage. BIDV đưa ra sản phẩm BUNO - chuyển tiền chỉ với số điện thoại của người nhận, không cần nhớ số tài khoản…

Hiện nay, đã có khoảng 76 tổ chức tín dụng triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 44 tổ chức tín dụng triển khai dịch vụ thanh toán qua di động, trong đó 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code. Toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Theo khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông về xu hướng phát triển, có tới 92% ngân hàng xây dựng chiến lược phát triển về ứng dụng trên Internet và thiết bị di động, 64% quan tâm đến chiến lược công nghệ điện toán đám mây, 48% đề cập đến chiến lược tự động hóa lao động tri thức, 16% chú ý đến chiến lược Internet vạn vật.

Việc ứng dụng công nghệ số sẽ góp phần thay đổi dịch vụ, doanh thu và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Theo Tập đoàn BamBoo Capital, năm 2018, việc kinh doanh sử dụng công nghệ số đóng góp 44% doanh thu ngân hàng. Đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn trực tuyến tự động (robo-adviser) quản lý sẽ tăng 68%/năm, lên đến 2.200 tỷ USD; 60% đầu tư công nghệ thông tin sẽ dành cho điện toán đám mây. Bên cạnh đó, việc lưu trữ dữ liệu lớn và phân tích kinh doanh sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị các ngân hàng theo xu hướng ngân hàng số.

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin 2017, các ngân hàng đang tập trung cải thiện ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cấp core banking, tăng mức độ tự động hóa, triển khai các ứng dụng về quản lý quan hệ khách hàng, quản lý rủi ro, chữ ký số. Có thể kể đến Techcombank đã đầu tư 300 triệu USD cho hạ tầng công nghệ thông tin, ACB đang đầu tư mỗi năm 300-350 tỷ đồng để chuyển đổi ngân hàng bán lẻ truyền thống thành ngân hàng số.

Bảng 1:  Xếp hạng ICT của một số ngân hàng thương mại

(1) Chỉ số hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; (2) Chỉ số hạ tầng nhân lực công nghệ thông tin;(3) Chỉ số ứng dụng nội bộ ngân hàng; (4) Chỉ số dịch vụ trực tuyến của ngân hàng;(5) Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin

(Nguồn: Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin 2017)

Đến cuối năm 2019, hơn 90% các ngân hàng thương mại Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tiến hành chuyển đổi sang ngân hàng số và đã nhận được những phản hồi tích cực của khách hàng, mặc dù quá trình này đòi hỏi chi phí rất lớn và các khoản đầu tư cho việc chuyển đổi có thể chưa mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn.

2. Rủi ro khi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng số

 Bên cạnh những lợi ích thì việc số hóa ngân hàng cũng khiến cho ngân hàng và khách hàng gặp một số khó khăn và rủi ro.

Thứ nhất, rủi ro do sự cố mạng và kỹ thuật: Dịch vụ viễn thông hiện nay tại Việt Nam do nhiều nhà cung cấp với chất lượng khác nhau. Việc mất sóng, nghẽn mạng còn xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của ngân hàng, khiến ngân hàng gặp khó khăn trong giao dịch và một số bộ phận khách hàng có tâm lý lo lắng khi sử dụng dịch vụ. Một số rủi ro về kỹ thuật như mạng lưới ATM kết nối thanh toán thẻ qua POS của hệ thống ngân hàng chưa thống nhất, có sự cố liên quan đến máy ATM và vấn đề bị ăn cắp thông tin khi sử dụng máy ATM.

Thứ hai, rủi ro liên quan đến bảo mật, an toàn và an ninh: Bảo mật, an ninh là một trong những vấn đề lớn nhất của ngân hàng kỹ thuật số. Ngân hàng và khách hàng phải đối mặt với những rủi ro như hacker, virus máy tính… Mặc dù đã sử dụng nhiều hình thức bảo mật nhưng khả năng bị đánh cắp thông tin cá nhân vẫn có thể xảy ra vì máy tính truy cập có thể bị cài những mã độc, đòi hỏi cả ngân hàng và khách hàng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh bảo mật. Tại các máy ATM, mã PIN (mã nhận dạng cá nhân) và mã thẻ của khách hàng có thể bị lấy cắp nếu khách hàng không lưu ý đến những nguyên tắc sử dụng an toàn do ngân hàng hướng dẫn. Việc chuyển tiền cũng có thể xảy ra rủi ro thông qua các trang web giả mạo ngân hàng. Mặt khác, do khách hàng thiếu hiểu biết, hoặc sử dụng dịch vụ không đúng cách nên đã bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo, gian lận thẻ tín dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Thứ ba, rủi ro do giả mạo ngân hàng: các nhóm tội phạm thực hiện bằng giả mạo ngân hàng, lừa lấy thông tin hoặc cách đánh cắp thông tin truy cập dịch vụ của khách hàng như tên đăng nhập, mật khẩu truy cập dịch vụ internet banking, mật khẩu truy cập email cá nhân, mã xác nhận giao dịch một lần sau đó thực hiện việc giao dịch lấy cắp tiền của khách hàng dưới nhiều hình thức.

Thứ tư, rủi ro khi xác nhận hoặc chứng thực khách hàng: ngân hàng số không yêu cầu khách hàng phải đến quầy giao dịch, ngân hàng có thể sử dụng các thông tin chứng thực như mật khẩu, mã số nhận dạng cá nhân, giấy chứng nhận điện tử... Đây là việc làm rất quan trọng nhằm giảm rủi ro, lộ danh tính hay thực hiện các giao dịch bất hợp pháp… Rủi ro có thể xảy ra khi ngân hàng chấp nhận giao dịch với khách hàng mới chỉ bằng việc xác minh trên mạng internet bởi ngân hàng không đủ bằng chứng xác minh khách hàng như phương thức giao dịch tại quầy.

3. Vấn đề bảo mật thông tin khách hàng

Khối An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo 5 xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng trong năm 2019 trên không gian mạng Việt Nam bao gồm: Tấn công mạng, đặc biệt là tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng... với mục tiêu đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng; Tấn công vào hạ tầng, thiết bị IoT, đô thị thông minh, đồng thời lợi dụng các hạ tầng, thiết bị này để thực hiện tấn công mạng; Tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu; và xu hướng giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ, nói xấu và phát tán thông tin độc hại trên mạng.

Thống kê trên toàn cầu, từ năm 2014 đến nay cho thấy các cuộc tấn công mạng (cyber attacks) tăng nhanh chóng cả về số lượng lẫn tính phức tạp, nhằm vào tất cả các tổ chức, bao gồm cả các tổ chức tài chính. Mặc dù các ngân hàng đầu tư rất nhiều vào hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống, nhưng khó có thể đảm bảo 100% sẽ không bị hacker  tấn công.

Ngành ngân hàng luôn là mục tiêu số một của tội phạm công nghệ do khi thực hiện các hành vi phạm tội không bị giới hạn về không gian, thời gian, cách thức tấn công đa dạng từ việc gây gián đoạn, mất khả năng cung cấp dịch vụ của các ngân hàng; lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, khách hàng đến việc lấy cắp và sử dụng thông tin, tài liệu của khách hàng cũng như của ngân hàng. Theo thống kê của BKAV có khoảng 55% người dùng sử dụng chung một mật khẩu cho các tài khoản tại nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau. Đây chính là kẽ hở để tội phạm dễ dàng xâm nhập, tấn công và đánh cắp tài khoản do vậy các khách hàng khi sử dụng tài khoản dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là tại các ngân hàng khác nhau, thì cần sử dụng những mật khẩu khác nhau.

Tại Việt Nam, hoạt động tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, thời gian qua còn nổi lên tình trạng các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại yêu cầu người có nhu cầu vay nóng chuyển trước một khoản tiền phí đặt cọc để làm hồ sơ rồi chiếm đoạt; hoặc các đối tượng yêu cầu người có nhu cầu vay tiền ra mở tài khoản điện tử như thẻ Mastercard, Viettel Pay, ví MoMo… Các đối tượng cung cấp số điện thoại để đăng ký thông tin hồ sơ và yêu cầu nộp tiền vào tài khoản để chứng minh thu nhập. Khi các bị hại chuyển tiền vào, các đối tượng dùng số điện thoại để rút tiền tại cây ATM nhằm chiếm đoạt.

Mức độ an toàn bảo mật thông tin hiện nay tại Việt Nam chưa cao. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), năm 2018, các tổ chức tín dụng và ngân hàng đạt chỉ số an toàn thông tin là 57,5% thấp so với yêu cầu về an toàn thông tin mạng đặt ra. Xếp hạng an toàn bảo mật thông tin các quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện xếp thứ 100, thuộc diện trung bình yếu. Mức đầu tư trung bình cho an toàn, bảo mật thông tin trong các dự án CNTT của các tổ chức trên thế giới chiếm khoảng 15 - 25% thì tại Việt Nam là 5%. Tại Việt Nam, hành lang pháp lý cho vấn đề này còn chưa hoàn thiện, khuôn khổ pháp lý còn chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, đã và đang làm giảm cơ hội và tăng nguy cơ rủi ro. Bảo mật thông tin cá nhân vẫn chưa được coi trọng bởi chính người dùng Internet tại Việt Nam. 

Các nguyên nhân của rủi ro bảo mật thông tin tại  NHTM

- Các dự án đầu tư vào bảo mật của ngân hàng mới chỉ tập trung vào mua sắm thiết bị, cần có chiến lược dài hạn, cũng như đầu tư nhiều hơn cho nhân sự quản lý về công nghệ thông tin.

- Sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số cũng kéo theo sự gia tăng lỗ hổng bảo mật, kéo theo sự phát triển ngày càng tinh vi hơn của tội phạm công nghệ cao với nhiều hành vi và thủ đoạn khó lường.

- Các trường hợp thất thoát tiền của khách hàng qua kênh Internet và Mobile Banking ở Việt Nam gần đây đều chủ yếu do khách hàng vô tình tiết lộ mật khẩu và số OTP cho đối tượng tấn công.

- Lừa đảo qua cách thức tạo website giả mạo và lừa đảo lấy thông tin từ khách hàng vẫn là nguyên nhân chính gây ra thất thoát cho khách hàng. Giả mạo thông tin của ngân hàng để đánh lừa, lấy cắp thông tin khách hàng, nhiều khách hàng do thiếu hiểu biết nên đã bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo, gian lận thẻ tín dụng chiếm đoạt tiền. 

- Đầu tư cho bảo mật đồng nghĩa với việc ngân hàng phải tăng thêm chi phí, giảm lợi nhuận. Do đó, để bảo đảm về lợi nhuận, các ngân hàng buộc phải thu phí khách hàng cho các tính năng tăng cường bảo mật, trong khi bản thân khách hàng lại không hiểu rõ về giá trị của các tính năng này, điều đó cũng giảm khả năng cạnh tranh khi thu hút khách hàng mới của ngân hàng.

Cách thức quản lý bảo mật thông tin khách hàng tại các NHTM Việt Nam hiện nay

Thông tin khách hàng được chia làm ba cấp độ: bí mật, tuyệt mật và tối mật: Thông tin khách hàng liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng được xem là tối mật. Cấp tuyệt mật là những khách hàng nếu thông tin lọt ra bên ngoài sẽ gây tổn hại cho lợi ích và quyền lợi cho khách hàng. Thông tin khách hàng có mối quan hệ trao đổi giao dịch được đưa vào cấp bảo mật. Để đảm bảo an toàn thông tin khách hàng, các ngân hàng hiện nay đang áp dụng các biện pháp an ninh, bảo mật đến các biện pháp công nghệ và cách tổ chức quản lý và hành chính, bao gồm: (1) Tổ chức an ninh bảo mật mạng nội bộ nghiêm ngặt (bố trí hệ thống chống trộm bằng lưới điện chống xâm phạm trái phép, hệ thống quản trị mạng, quản trị tài nguyên, mã hóa đường truyền…); (2) Cài đặt cách chương trình phòng chống virus, mã độc, phần mềm gián điệp, phần mềm ăn cắp thông tin…(3) Thực hiện biện pháp phòng, chống ăn cắp thông tin khách hàng trên các thiết bị đầu cuối như ATM, POS, KIOS; (4) Kiểm tra thiết bị an ninh thường xuyên nhằm phát hiện ra lỗi và khắc phục nhanh chóng hệ thống; (5) Xây dựng và đưa vào hoạt động các loại hệ thống dự phòng (bao gồm dự phòng phát hiện ra cháy); (6) Tổ chức, quản trị và triển khai phần mềm ứng dụng. Chú trọng vào phân quyền và quản lý người sử dụng hệ thống kết hợp với quản lý tốt nhân sự, giáo dục, đào tạo nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của nhân viên ngân hàng.

Giải pháp bảo mật thông tin khách hàng từ phía các NHTM

Mọi sự cố về an toàn thông tin có thể gây thiệt hại nặng nề về mặt tài chính và uy tín của ngân hàng. Đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng sẽ giúp cho các NHTM tối thiểu hóa được các thiệt hại khi có rủi ro xảy ra, đồng thời, tối đa lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh, bảo vệ sự phát triển liên tục và bền vững của các NHTM.

- Các ngân hàng cũng cần tăng cường việc chia sẻ thông tin để hạn chế rủi ro khi bị tấn công, luôn có những cảnh báo kịp thời giữa các ngân hàng, xây dựng cơ chế trao đổi, cách thức xử lý để ứng xử trong những tình huống khẩn cấp.

- Đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng bảo mật đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, trong trường hợp, khi hệ thống máy chủ của ngân hàng bị tấn công, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến người dùng thông qua những hệ thống dự phòng dữ liệu hay cơ chế đối chiếu dữ liệu để khôi phục dữ liệu khi xảy ra sự cố. Có đội ngũ nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để vận hành giải pháp một cách hiệu quả.

- Đưa ra cảnh báo về các hành vi lừa đảo; khuyến cáo khách hàng chủ động bảo vệ thiết bị cá nhân và thay đổi thường xuyên mật khẩu truy cập dịch vụ, email cá nhân và chỉ thực hiện đăng nhập trên website chính thức của ngân hàng và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, giữ bí mật tuyệt đối, bảo mật mã OTP, không cung cấp cho bất kỳ ai và bằng bất cứ hình thức nào như nhắn tin, trả lời điện thoại… không dùng tính năng ghi nhớ mật khẩu tại các trình duyệt; Không truy cập các website lạ; không click vào đường link lạ được gửi qua tin nhắn, qua thư điện tử không rõ nguồn gốc, qua mạng xã hội…

- Các ngân hàng cần tiếp tục áp dụng một số hàng rào kỹ thuật để bảo đảm sự tổn thất của người dùng trong trường hợp bị lừa đảo (chẳng hạn như quy định hạn mức chuyển tiền một lần, hạn mức chuyển tiền liên ngân hàng...) Ngay cả trong hệ thống ngân hàng chuyển tiền giữa các ngân hàng với nhau cũng cần có quy định giới hạn chuyển từng lần, từng ngày...

- Các ngân hàng tiếp tục triển khai áp dụng An toàn thông tin theo các tiêu chuẩn quốc tế như hệ thống quản lý an toàn bảo mật thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27001, áp dụng tiêu chuẩn an ninh dữ liệu thẻ PCI DSS, áp dụng “Khung tiêu chuẩn bảo mật khách hàng - Customer Security Framework” của SWIFT với các yêu cầu liên quan đến sự an toàn của khách hàng trong các giao dịch.

Bảng 2: Ba lĩnh vực của khung tiêu chuẩn bảo mật khách hàng

 

Giải pháp bảo mật thông tin khách hàng từ phía khách hàng

Khách hàng cần nâng cao ý thức trong sử dụng bất cứ thiết bị kết nối internet nào để tránh lọt thông tin cá nhân, thường xuyên cập nhật các bản diệt virus trên thiết bị của mình. Khách hàng tự bảo mật mọi thông tin liên quan đến dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số  như: mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân. Khách hàng không truy cập đường link/website lạ, không cung cấp mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần), chi tiết giao dịch sao kê cho bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt lưu ý khi thanh toán trên website và luôn cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo gửi tin nhắn yêu cầu nộp tiền hoặc chuyển tiền. Khách hàng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số để bảo vệ toàn bộ giao dịch của bản thân và cài đặt mật khẩu bảo đảm nguyên tắc an toàn, không chọn chế độ lưu mật khẩu đăng nhập Internet Banking trên thiết bị sử dụng chung, trên máy tính công cộng. Khách hàng nên đăng ký sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn SMS chủ động để nhận thông báo các biến động của tài khoản cá nhân hoặc giao dịch thẻ ngay khi giao dịch được thực hiện nhằm quản lý các giao dịch, phòng ngừa, hạn chế rủi ro. Trong trường hợp bị mất điện thoại hoặc thay đổi số điện thoại đã đăng ký sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, người dùng cần lập tức liên hệ hotline, đến điểm giao dịch của ngân hàng đó để hủy các dịch vụ.

Về phía Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hệ thống ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; tăng cường truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành Ngân hàng. Hỗ trợ hệ thống ngân hàng xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (khôi phục dữ liệu sau thảm họa); nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao; xây dựng các tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn về An toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế cho ngành Ngân hàng để các ngân hàng có thể triển khai tuân thủ đồng bộ và được theo dõi, đánh giá, cập nhật thường xuyên hoạt động bảo mật trong ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://thoibaonganhang.vn /ung-dung-cong-nghe-trong-ngan-hang-xu-huong-tat-yeu-de-tao-su-khac-biet-79162.html

2. https://vov.vn/kinh-te/bao-mat-thong-tin-khach-hang-la-dieu-kien-song-con-cua-ngan-hang-759618.vov

3.  https://securitybox.vn/3355 /bao-mat-thong-tin-thach-thuc-lon-cho-nganh-ngan-hang/

4. http://thoibaonganhang.vn /khach-hang-cung-phai-bao-mat-thong-tin-80242.html

5. http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-ngan-hang-so-tai-viet-nam-146264.html

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 3+4 năm 2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo mật thông tin khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO