Biến động khó lường, vàng không còn là nơi trú ẩn an toàn?

Quỳnh Dương| 13/03/2022 10:53
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Giá vàng trong nước trải qua một tuần biến động khó lường, trong đó có ngày giá lên mức cao kỷ lục 74,4 triệu đồng/lượng rồi sau đó rơi tự do xuống dưới mốc 68 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua vào – bán ra ở mức cao cũng như chênh lệch so với giá vàng thế giới cũng khiến người mua vàng đối mặt với nhiều rủi ro.

Phiên cuối tuần 12/3, giá vàng trong nước tiếp tục sụt giảm và tạo khoảng cách khá lớn giữa giá mua và giá bán, lên tới gần 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn ghi nhận cuối ngày tại mức 68 triệu động – 69,8 triệu đồng (mua vào – bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày 11/3. Như vậy, so với mức giá 74,4 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm hơn 7 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 67,2 – 69,3 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao dịch ngày 11/3, giá vàng tại DOJI giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên trước đó. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI đã lên tới 2,1 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến cuối ngày 12/3 đứng ở mức 55,69 – 57,14 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không biến động nhiều so với phiên hôm trước.

Vàng trải qua một tuần biến động mạnh khi liên tiếp lập đỉnh lịch sử trong hai phiên đầu tuần theo chân giá vàng thế giới, song sau đó đã quay đầu rơi mạnh. Cụ thể, ngày đầu tuần 7/3, giá vàng SJC bán ra tăng tới 4,2 triệu đồng/lượng, lên mức 73,5 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng SJC tuần qua.

Sang phiên 8/3, giá vàng đạt đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng sau khi tăng thêm 1 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng nhanh, vượt mốc 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, sau khi chạm mức đỉnh trên, ngay trong ngày, giá giảm mạnh xuống còn 72,4 triệu đồng/lượng rồi tăng trở lại lên mức 73,7 triệu đồng/lượng. Đến cuối ngày, giá dừng tại mức 72 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó. Diễn biến “trồi sụt” của vàng kéo dài đến hết tuần. 

Đáng chú ý, trong tuần, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, đặc biệt, ngày 8/3 khi giá lập mức kỷ lục mới, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng. Vì vậy, người mua vàng đối mặt với rủi ro kép khi chênh lệnh giữa giá mua - bán có thời điểm lên tới trên 2 triệu đồng/lượng và giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới. Giới chuyên gia khuyến cáo người dân cần thận trọng mỗi khi giá vàng biến động mạnh.

Mặt khác, vàng đang là câu chuyện nóng đối với giới đầu tư cũng như phần đông người dân trong thời gian gần đây khi mà từ trước đến nay, kim loại quý này được coi là nơi trú ẩn an toàn mỗi khi nền kinh tế có biến động. 

Chia sẻ về quan điểm này, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank cho biết, vàng chỉ là nơi trú ẩn an toàn khi nhà đầu tư đã có sẵn vàng trong tay rồi, nếu thấy giá vàng lên mà nhà đầu tư mới đi mua thì sẽ rất nguy hiểm. 

Trong khi đó, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI, cho rằng, hiện có rất nhiều công cụ khác để phòng tránh rủi ro chứ không phải chỉ mỗi kênh tài sản là vàng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng trong phiên cuối tuần cũng giảm hơn 60 USD/ounce để chốt phiên ở mức 1.991 USD/ounce. Hôm đầu tuần, thị trường đã chứng kiến những đợt tăng giá mạnh khi vàng có thời điểm vượt ngưỡng 2.070 USD/ounce.

Nhận định về giá vàng tuần tới, giới phân tích cho rằng một sự kiện lớn có thể ảnh hưởng đến kim loại quý là cuộc họp định kỳ tháng 3 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo dự kiến, Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 và đợt điều chỉnh đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng này.

David Madden, chiến lược gia thị trường tại Equiti Capital, cho biết, mặc dù giữ quan điểm trung lập về giá vàng tuần tới, tuy nhiên ông vẫn nhận thấy rủi ro giá vàng sẽ tiếp tục tục sau cuộc họp chính sách tiền tệ của FED vào ngày 16/3 tới. 

Theo Madden, chiến sự Nga - Ukraine đang tạo ra nhiều bất ổn về kinh tế khi giá cả hàng hóa tăng cao làm tăng nguy cơ lạm phát, đây có thể sẽ là nguyên nhân khiến FED bớt quyết liệt hơn với chính sách tiền tệ của mình và điều này là yếu tố tích cực hỗ trợ giá vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến động khó lường, vàng không còn là nơi trú ẩn an toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO