(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước diễn biến giá xăng dầu trong thời gian gần đây đang tác động không nhỏ đến các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, cơ quan quản lý đang theo sát diễn biến thị trường để có phương án điều hành phù hợp.
Nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá, biến động trong nước còn phức tạp hơn
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, tác động của giá xăng dầu đã được tính toán và dự báo trong kịch bản điều hành giá từ đầu năm và tại các cuộc họp định kỳ của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ. Từ ngày 7/2, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải cùng vào cuộc, tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm. Bộ Công Thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới sau Tết để có phương án điều hành phù hợp, hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước và đảm bảo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm.
Về tác động của giá xăng dầu, ông Tuấn cho biết, mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm quyền số khoảng 3,6% trong rổ hàng hóa. Giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36% tùy thuộc vào mức tăng của giá xăng dầu. Giá xăng dầu còn tác động đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng làm tăng chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu, tăng chỉ số giá sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất như điện khí, dầu mỏ tinh chế…
“Trước áp lực như vậy, đi đôi với việc đánh giá đảm bảo nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường công tác dự báo, công tác điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước. Nếu không sử dụng công cụ Quỹ BOG thì biến động trong nước còn phức tạp hơn…”, ông Tuấn khẳng định.
Có thể điều tiết?
Trên thực tế, theo lãnh đạo Cục Quản lý Giá, việc tăng giá xăng dầu có thể điều tiết bằng một số giải pháp. Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với giá xăng dầu thế giới.
“Hiện Bộ Công Thương đang triển khai một số giải pháp cần thiết, như: đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý. Về điều hành giá, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo; đồng thời tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ BOG một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá…”, Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Chủ động linh hoạt để kiểm soát tốc độ lạm phát
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Anh Tuấn, công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt ngay từ những tháng đầu năm 2022, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 882 về công tác điều hành giá năm 2022.
Trong đó, tập trung 3 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp về phối hợp điều hành, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ động trong đề xuất các phương án điều hành, bình ổn giá, nhất là đối với các hàng hóa, tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường...
Thứ hai, nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, thực hiện rà soát các chồng chéo, mâu thuẫn giữa pháp luật chuyên ngành và Luật Giá và tập trung vào việc xây dựng Luật Giá (sửa đổi) nhằm hướng đến tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật về giá và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giá.
Thứ ba, nhóm giải pháp liên quan đến giám sát thị trường để có biện pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá. Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, các bộ quản lý ngành chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa
“Trên thực tế, tác động của giá xăng dầu tăng đến lạm phát có thể giảm bớt thông qua việc chủ động dự báo, nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới để có điều hành phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính luôn chủ động phối hợp với các bộ, ngành cũng như chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo điều hành giá các phương án điều hành phù hợp, nhằm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Về chính sách tài khóa, hiện nay Bộ Tài chính đã và đang triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ…, qua đó góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá chung…” (Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) |