Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG), hiệu lực từ ngày 27/5. Trong đó đáng chú ý, điện khí LNG được áp giá trần 12,9792 USD/tr.BTU.
Theo đánh giá của CTCK Maybank Việt Nam, mức giá LNG được Bộ Công Thương đưa ra để tính giá điện đang khá sát với giá LNG giao ngay trên thị trường thế giới (giá LNG về bờ tại Nhật/Hàn Quốc hiện đang ở mức 11,955 USD/tr.BTU).
Xét trong lịch sử, trừ giai đoạn khủng hoảng cung năng lượng 2021-2022 khi mà giá LNG tăng phi mã do các nước châu Âu tranh nhau mua LNG để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung do địa chính trị, thì mức giá của Bộ Công thương đưa ra nhỉnh hơn giá trung bình tại khu vực. Điều này sẽ tạo điều kiện để chi phí điện từ LNG nhập khẩu sẽ nằm trong khung giá của Bộ Công Thương và do đó có thể vận hành thương mại với quy mô lớn.
Với việc đã hoàn tất cơ sở hạ tầng và sẵn sàng cho việc nhập khẩu và tái hóa, phân phối LNG thông qua kho cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE:GAS) được các chuyên gia của Maybank Việt Nam nhận định là mã sẽ được hưởng lợi khi các nhà máy NT3, NT4 vào vận hành, theo dự kiến 2025/2026.
“Chúng tôi ước tính nếu kho Thị Vải hoạt động tối đa công suất (NT3, NT4 vận hành 80% công suất) thì GAS sẽ thu được 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (bằng 17% lợi nhuận sau thuế năm 2023)”, chuyên gia cho biết.
Nhìn xa hơn, việc khai thông chính sách để đưa điện khí LNG vào vận hành sẽ mở ra 1 giai đoạn mới cho nền công nghiệp khí trong nước, với GAS là nhà phát triển hạ tầng khí chủ lực. Với kế hoạch phát triển các trạm LNG như Thị Vải giai đoạn 2,3 và Sơn Mỹ, cộng với lô B vận hành từ năm 2026, GAS có thể tăng công suất cung cấp khí tự nhiên lên gấp đôi vào 2026 và gấp 3 trước 2030.
Về góc nhìn đầu tư, Maybank Việt Nam cho rằng, với doanh nghiệp đặc thù như GAS (vị thế chi phối trong phát triển hạ tầng khí quốc gia, cơ chế giá bán được hỗ trợ để không lỗ), thì yếu tố về khả năng tăng trưởng lợi nhuận kém khả quan trong ngắn hạn (do suy giảm nguồn khí tại nguồn) trở nên không quan trọng bằng việc doanh nghiệp đã tiến lên 1 cấp bậc mới với khả năng chủ động nhập khẩu và phân phối LNG, trong hoàn cảnh các nút thắt chính sách cho điện LNG đang đẩy mạnh tháo gỡ. Cổ phiếu đang được giao dịch với mức P/E 17x cho 2024.
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký Quyết định số 1260/QĐ-BCT ngày 27/5/2024 phê duyệt khung giá phát điện nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG).
Theo đó, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện khí LNG năm 2024 là 0 - 2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong đó, mức giá trần là 2.590,85 đồng/kWh.
Các thông số sử dụng tính toán mức giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện khí LNG năm 2024 như sau:
- Công suất tinh: 1.579.125 kW.
- Suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85%: 6.330,2 BTU/kWh.
- Giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa): 12,9792 USD/tr.BTU.
- Tỷ giá: 24.520 đồng/USD.