Năm 2024, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó có tập trung phát triển nhà ở xã hội.
Tại buổi gặp mặt đầu Xuân mới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng và ngành Xây dựng đã phải đối mặt và trải qua một năm tương đối khó khăn với nhiều thách thức. Tuy nhiên, với những nỗ lực chung, Bộ đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng theo kế hoạch đề ra trong năm 2023. Đó là tiền đề để Bộ Xây dựng bước vào năm 2024 với khí thế mới, động lực mới.
Cùng với đó, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Xây dựng tập trung thực hiện công việc với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.
Với yêu cầu công việc đặt ra trong năm 2024, Bộ trưởng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cần lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị mình bắt tay ngay vào xử lý các công việc, không để kéo dài thời gian vui xuân chúc Tết, đi lễ chùa…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, năm 2024, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng cũng tập trung thực hiện 3 khâu đột phá.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Thứ hai, tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đồng bộ…
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, với khối lượng công việc nhiều, thời gian gấp, đòi hỏi chất lượng cao thì các Thủ trưởng đơn vị được giao phụ trách phải tiếp tục nâng cao, phát huy tinh thần trách nhiệm từng cá nhân của mình hoàn thành tốt nhiệm được giao. Các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực phải chủ động chỉ đạo các công việc cụ thể. Mặt khác, tăng cường trao đổi bàn bạc tạo sự thống nhất, đồng thuận trong đơn vị và giữa các đơn vị trong Bộ có trách nhiệm tham gia, làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước và các nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Trước đó, dự báo về thị trường bất động sản năm 2024, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ còn rất nhiều thách thức, tuy nhiên cũng mở ra nhiều cơ hội mới. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, sự thay đổi rõ rệt của thị trường BĐS tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ cuối quý I và đầu quý II/2024. Để từng bước phục hồi và vực dậy thị trường BĐS trong năm 2024, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát những khó khăn, vướng mắc cụ thể, từ đó, phối hợp sát sao với Bộ, ban, ngành để giải quyết những tồn đọng. Về phía các nhà đầu tư, chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên xem xét và chuẩn bị nguồn lực khi lãi suất ngân hàng đã xuống thấp, trong thời điểm phù hợp thì nên tham gia thị trường BĐS.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV cho biết, thị trường đang có 4 cơ sở tích cực tác động đến khả năng hồi phục trong thời gian tới.
Một là kinh tế 2024 được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn 2023. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế là 5%, sang đến 2024 khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6 - 6,5%. Và đặc biệt là mặt bằng lãi suất đã tương đối thấp nhưng vẫn sẽ tiếp tục giảm. Đây là hai yếu tố cực kỳ quan trọng đối với tiến trình hồi phục của thị trường bất động sản.
Hai là nhiều khuôn khổ pháp lý như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)… đã và sẽ được thông qua trong năm 2024 và năm nay sẽ có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Cộng với đó, Chính phủ chuẩn bị sửa Nghị định 44, Nghị định 08 thì sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
"Rõ ràng với những cơ chế chính sách như vậy và độ ngấm chính sách cũng bắt đầu rõ nét hơn thì chắc chắn thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Ba là các kênh vốn. Vị chuyên gia cho biết, năm 2024 Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dư địa cho tăng trưởng tín dụng là 15%, sửa các cơ chế chính sách theo chiều hướng tạo thuận lợi hơn, đơn cử như Thông tư 06. Vì vậy, cơ bản "nút thắt" nguồn vốn cũng sẽ dần được gỡ bỏ.
Cuối cùng là các vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại cơ bản đã được giải quyết. Hiện đã chuyển sang giai đoạn đền bù cho các nhà đầu tư. Trên thực tế, lượng trái phiếu phát hành cũng dần phục hồi trong thời gian gần đây.
Đồng quan điểm, song TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh bổ sung thêm 3 cơ sở sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản thời gian tới.
Một là toàn bộ quy hoạch của các tỉnh thành, trong đó có cả Hà Nội và TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2024. Nổi bật của các quy hoạch này là tăng tỷ lệ, quy mô đô thị hoá.
Hai là hạ tầng giao thông được đẩy mạnh. "Hiện chúng ta đã có 900km đường bộ. Theo mục tiêu của Chính phủ từ nay đến 2025 sẽ hoàn thiện thêm 1.100km đường cao tốc. Đây là tín hiệu rất tốt cho thị trường bất động sản", TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
Thứ ba là sự chuyển hướng nâng cấp đối tác chiến lược. Hoạt động này sẽ giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI.
Dưới góc nhìn kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, bước sang 2024, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thị trường sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ghi nhận những động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực cả về tổng cung và tổng cầu, cả đầu vào lẫn đầu ra.