Nhìn ra thế giới

Bốn ngân hàng lớn nhất Mỹ chiếm gần nửa lợi nhuận toàn ngành Ngân hàng

Ngọc Diệp 13/11/2023 - 09:04

Trong quý III/2023, bốn ngân hàng cho vay lớn nhất của Mỹ kiếm được tổng số lợi nhuận tương đương với gần một nửa lợi nhuận của toàn ngành Ngân hàng nước này.

Trong tổng số 4.400 ngân hàng của Mỹ, nhóm bốn ngân hàng lớn nhất chiếm tỷ trọng đến 45% lợi nhuận của toàn ngành Ngân hàng Mỹ trong quý III/2023. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 35% của một năm trước đó và cao hơn ngưỡng 39% của trung bình 10 năm trước.

Ngược lại, lợi nhuận của các ngân hàng khác giảm trung bình 19% trong quý. Đây là mức giảm lớn nhất tính từ những tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19.

“Nhóm các ngân hàng lớn nhất không phải đương đầu với áp lực tiền gửi. Biên lãi suất ròng của nhóm các ngân hàng nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với nhóm ngân hàng lớn nhất”, chuyên gia ngân hàng tại tổ chức CFRA – ông Alexander Yokum phân tích.

Nhìn chung, lợi nhuận của ngành Ngân hàng giảm 5% trong quý III/2023. Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi thua lỗ tín dụng cũng như các khoản đầu tư trái phiếu; ngoài ra chi phí lãi suất tăng thêm 260%. Lý do chính khiến chi phí này tăng thêm là nhiều ngân hàng phải trả thêm lãi suất cao hơn cho người gửi tiền để ngăn họ rút tiền chuyển sang ngân hàng khác, theo số liệu của BankRegData.

Chuyên gia ngành Ngân hàng kiêm Giám đốc Quỹ Whalen Global Advisors, ông Christopher Whalen, nhận xét: “Các ngân hàng đã có một quý kinh doanh không tệ, nhưng lợi nhuận nhiều khi sẽ chịu nhiều áp lực”.

Việc lợi nhuận của các ngân hàng giảm trong quý III/2023 trái ngược với việc lợi nhuận quý II/2023 tăng. Đây cũng là quý sụt giảm lợi nhuận đầu tiên của ngành Ngân hàng Mỹ trong sáu quý gần nhất.

Trong khi lợi nhuận của toàn ngành Ngân hàng giảm, lợi nhuận của nhóm bốn ngân hàng lớn nhất Mỹ, những ngân hàng được thuộc nhóm có tổng tài sản tử 1 nghìn tỷ USD trở lên, lại tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Yokum, nhóm các ngân hàng nhỏ có liên quan nhiều hơn đến bất động sản thương mại cũng như văn phòng, nhóm lĩnh vực có rủi ro tín dụng cao nhất. Chính vì vậy, nhóm các ngân hàng nhỏ này cần phải dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất đằng sau sự khác biệt và chia rẽ về lợi nhuận của các ngân hàng chính là bởi lợi thế quy mô của nhóm các ngân hàng lớn, họ không phải chi trả mức lãi cao nhằm giữ chân người gửi tiền.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô và lãi suất ngân hàng ở Mỹ hiện vẫn đang có nhiều thách thức. Lãi suất nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian dài và nhiều khả năng sau nửa đầu năm 2024 mới có những đợt hạ lãi suất.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, nói rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ vẫn tiếp tục hành động thận trọng thế nhưng cũng sẽ không ngại ngần siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, nếu cần thiết để có thể kiềm chế lạm phát.

“Nếu việc siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa là phù hợp, chúng tôi cũng sẽ không ngại ngần làm như vậy”, ông Powell nhấn mạnh trong bài phát biểu mở đầu hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington vào ngày thứ Năm.

Ông Powell cũng nói thêm: “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hành động thận trọng để tránh rủi ro điều chỉnh chính sách sai lệch chỉ dựa trên một vài tháng số liệu tốt và tránh rủi ro siết chặt chính sách tiền tệ quá mức”.

Ông Powell khẳng định, các nhà hoạch định chính sách kinh tế cam kết giữ lãi suất ở mức đủ cao để giữ được mục tiêu đưa lạm phát về 2%.

Những điểm nhấn chính trong tuyên bố của ông Powell củng cố quan điểm các nhà hoạch định chính sách chưa sẵn sàng tuyên bố về việc chấm dứt siết chặt chính sách tiền tệ dù rằng các thị trường tài chính và chuyên gia kinh tế đã kết luận rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ đã hoàn tất việc nâng lãi suất.

Ông Powell nói rằng, lợi ích từ việc tình hình chuỗi cung ứng cải thiện đã giúp hãm đà tăng của lạm phát, đồng thời nhắc lại về việc tăng trưởng cao hơn sẽ khiến cho việc thắt chặt chính sách được thực thi chặt chẽ hơn.

Trong nghiên cứu gửi khách hàng mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase & Co – ông Michael Feroli nói: “Chúng tôi vẫn tin rằng FED đã hoàn tất việc nâng lãi suất, tuy nhiên bài phát biểu mới nhất nhắc mọi người nhớ rằng FED sẽ vẫn giữ quan điểm “diều hâu” cho đến khi họ thấy lạm phát diễn biến cải thiện”.

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Mỹ đang cố gắng đánh giá liệu họ có nên nâng lãi suất cơ bản lên ngưỡng cao hơn, đồng thời đang tranh cãi về việc cần giữ lãi suất ở ngưỡng hiện tại đến khi nào. Ủy ban thị trường mở thuộc FED (FOMC) trong tuần trước duy trì lãi suất ở mức 5,25% đến 5,5%, cao nhất trong 22 năm.

Lạm phát đang giảm tốc, tuy nhiên vẫn ở trên ngưỡng mục tiêu của FED. Từ nay đến cuối năm, các quan chức thuộc FED dự kiến sẽ có cuộc họp vào ngày 12-13/12.

Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu FED cho biết hiện chưa rõ diễn biến lạm phát sẽ ra sao trong trường hợp tình hình chuỗi cung ứng có cải thiện.

Ông Powell đồng thời nói thêm Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có rà soát về khung chính sách từ năm 2024 sau khi thông báo cải tổ vào năm 2020.

Theo FT, Bloomberg
Copy Link
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn ngân hàng lớn nhất Mỹ chiếm gần nửa lợi nhuận toàn ngành Ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO