Bức tranh đa sắc màu tại các thị trường mới nổi năm 2022

Mai Chi| 11/06/2022 10:32
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Quyết định mở cửa kinh tế trở lại của Trung Quốc là một tín hiệu tích cực hiếm hoi trong năm 2022 đầy khó khăn, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi.

2022 là một năm khó khăn với hầu hết các nước trên thế giới, nhưng tình trạng này nghiêm trọng hơn ở một số nền kinh tế mới nổi do giá năng lượng, lương thực tăng cao vốn đang đe dọa tình trạng mất an ninh lương thực và nguy cơ nạn đói gia tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn có những thị trường đang làm rất tốt, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh giá dầu, khí đốt, kim loại và khoáng sản tăng mạnh.

Những gam màu ảm đạm 

Các thị trường mới nổi có thể đã dần trượt khỏi tầm ngắm của các nhà đầu tư kể từ sau thời kỳ hưng thịnh của Brics (tên gọi của khối gồm 5 nền kinh tế mới nổi chủ chốt là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. “Những gã khổng lồ say ngủ” như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc từng đe dọa sẽ trở thành siêu cường kinh tế, nhưng sau sự hưng phấn ban đầu, đường đi của các quốc gia này ngày càng chậm chạp và gập ghềnh.

Các thị trường mới nổi đã phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tài chính khi mức nợ tăng lên, cũng như những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trung Quốc là quốc gia duy nhất đi đúng theo kế hoạch đề ra và hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 18,62% GDP toàn cầu vào năm 2021. Ấn Độ kẹt ở mức 6,99% GDP toàn cầu trong khi Brazil (2,35%) và Nga (3,07% và đang giảm nhanh) vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Chiến sự ở Ukraine, tình trạng thiếu lương thực, lạm phát tràn lan và tình trạng đóng cửa do Covid-19 liên tiếp giáng đòn xuống các thị trường mới nổi. Đặc biệt, đi kèm với đó là việc đồng đô la Mỹ tăng giá, khiến chi phí thanh toán các khoản nợ bằng đô la của các quốc gia này ngày càng tăng. Nếu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất như dự kiến ​​để kiềm chế lạm phát thì gánh nặng nợ nần của các quốc gia này càng trở nên nặng nề hơn.

Sabrina Khanniche, nhà kinh tế cấp cao tại Pictet Asset Management, cho biết cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến thị trường cổ phiếu và trái phiếu rơi vào tình trạng hỗn loạn trên toàn thế giới, nhưng các thị trường mới nổi sẽ chịu hậu quả lâu dài nhất.

Nạn nhân rõ ràng nhất là nước Nga - quốc gia có sản lượng nội địa sẽ giảm ít nhất 6% trong năm nay, bà Khanniche khẳng định.

Thổ Nhĩ Kỳ, Trung và Đông Âu và các nước Baltic chịu tác động nặng nề của cuộc xung đột Nga - Ukraine do khoảng cách vị trí địa lý gần.

Bà Khanniche cho biết thêm: “Ấn Độ và Philippines cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng do phụ thuộc vào việc nhập khẩu hàng hóa".

Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, nước này tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, năm 2021 đã phải nhập khẩu 84% nhu cầu. Đài Loan nhập khẩu 83% lượng dầu tiêu thụ, Thái Lan (65%) và Thổ Nhĩ Kỳ (53%) cũng ở tình trạng tương tự.

Những điểm sáng 

Mặc dù vậy, giá hàng hóa tăng lại thúc đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia Mỹ Latinh, đưa khu vực này nằm trong số khu vực có hoạt động tốt nhất năm nay.

Chỉ số MSCI của Brazil đã tăng 17,28% do thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ sau một năm 2021 đầy khó khăn. Colombia tăng 19,62%, Peru 11,5% và Mexico 10,48% cho đến thời điểm này.

Chaddy Kirbaj, Phó giám đốc tại Swissquote Bank Dubai, cho biết việc nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn và các chính sách hạn chế do Covid-19 đang tiếp diễn nghĩa là bức tranh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều màu sắc hỗn độn, cả sáng lẫn tối.

Ông nói: “Tăng trưởng sẽ thấp hơn kỳ vọng do giá năng lượng tăng và chi phí thực phẩm cao".

Lạm phát là nỗi lo lớn nhất, hiện ở Brazil lên đến 12%, hơn 50% ở Argentina và lên tới 70% ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Kirbaj nói: “Không nên phớt lờ tác động chính trị xã hội có thể gây ra tại các nền kinh tế mong manh ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, vì khi giá lương thực và chi phí sinh hoạt tăng cao có thể dẫn đến bất ổn chính trị".

Ông Kirbaj cho biết, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 60% lượng dầu tiêu thụ nhưng kinh tế của họ đủ mạnh để hạn chế ảnh hưởng. Ông lý giải: “Quốc gia này có thặng dư tài khoản vãng lai là 315 tỷ đô la, cán cân thương mại thặng dư và hơn 3 nghìn tỷ đô la dự trữ ngoại hối".

Hiện tại, chỉ số hàng hóa Bloomberg đã tăng 34,95%, đây là một tin tốt cho các nhà sản xuất dầu. Ông Kirbaj nhận định: “Ả Rập Xê-út và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ có nền tài chính tốt hơn, chi tiêu chính phủ cao hơn và thâm hụt ngân sách thấp hơn".

Stephane Monier, Giám đốc đầu tư tại Ngân hàng tư nhân Lombard Odier, cho biết cả hai quốc gia này hiện đang có đà đi lên.“Doanh thu từ dầu mỏ tăng và thặng dư ngân sách y tế sẽ giúp các nước vùng Vịnh chuyển đổi đa dạng hóa nền kinh tế, đặc biệt là khi giá dầu dự kiến sẽ ở mức cao trong 5 đến 10 năm tới”.

Nhiều nhà đầu tư đã tiếp cận với các thị trường mới nổi bằng cách đổ tiền vào quỹ hoán đổi danh mục ETF diện rộng, bao gồm nhiều quốc gia khác nhau.

Vijay Valecha, giám đốc đầu tư tại Century Financial, cho biết Quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF và iShares MSCI Emerging Markets ETF là những lựa chọn tốt. Tuy nhiên, ông Valecha cho rằng cũng hợp lý khi đầu tư vào các quỹ ETF của một quốc gia, như chọn iShares MSCI Brazil ETF và iShares MSCI Thổ Nhĩ Kỳ ETF.

Ông Valecha nói: “Brazil, Peru và Colombia là những thị trường mới nổi có hiệu suất hàng đầu trong năm nay, trong khi Nga, Ai Cập và Hungary là những thị trường yếu nhất".

Vì vậy, trong khi các nước phát triển như Mỹ, Anh và các nước ở châu Âu đều bị lạm phát giáng đòn như nhau, thì việc giá cả tăng cao đã tạo ra kẻ thắng, người thua ở các thị trường mới nổi.

Về cơ bản, khi các thị trường mới nổi còn phụ thuộc vào các ông lớn như Mỹ hay Trung Quốc để tiếp sức thì họ sẽ còn chịu tổn thất, ông Valecha nói.

“Sự kết hợp giữa việc Mỹ tăng lãi suất và tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã làm mờ đi triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển. Các nhà đầu tư mong đợi sự biến động mạnh hơn và việc tiếp cận cũng thận trọng hơn”, ông nói.

Charles Jennings, giám đốc quỹ Utilico Emerging Markets Trust, cho biết năm 2022 cũng đã cho thấy các thị trường mới nổi dễ bị tổn thương như thế nào trước cú sốc giá dầu và nó có thể kích hoạt sự thay đổi dài hạn trong các chính sách  về năng lượng.

“Tác động của chiến tranh đối với quan hệ thương mại và giá năng lượng đã làm nổi bật nhu cầu chuyển dịch cơ cấu an ninh năng lượng quốc gia, với trọng tâm là xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng các nguồn năng lượng tái tạo. Không chỉ cắt giảm lượng khí thải carbon, năng lượng tái tạo có thể cung cấp cho các thị trường mới nổi nguồn năng lượng rẻ, sạch, an toàn và đáng tin cậy", ông Jennings nói.

Điều này có thể giúp các quốc gia mới nổi thoát khỏi bẫy hàng hóa, nhưng để đến được đó sẽ là một con đường dài và gập ghềnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh đa sắc màu tại các thị trường mới nổi năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO