Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III/2023 của 26 Công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy các CTCK đã có một quý kinh doanh thành công nhất trong 6 quý trở lại đây.
Theo số liệu tổng hợp từ 26 CTCK, doanh thu hoạt động đã tăng 17,8% trong quý III/2023 so với quý trước, đạt 15.544 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 20,5% đạt 4.873 tỷ đồng. Qua đó, các CTCK này đã có quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận và là quý thứ 2 đạt trên cột mốc 4.000 tỷ đồng.
Quán quân về lợi nhuận trong quý III/2023 là TCBS với số liệu được công bố là 915 tỷ đồng. Các CTCK xếp sau lần lượt là SSI (710 tỷ đồng), VND (636 tỷ đồng).
Mảng môi giới và cho vay ký quỹ vẫn là "xương sống" trong hoạt động của các CTCK với tỷ trọng đóng góp đạt 50% doanh thu hoạt động. Trong 3 quý gần nhất, tỷ trọng đóng góp của 2 mảng này cho 26 CTCK được thống kê là trên 40%.
VPS với thị phần môi giới thống lĩnh thị trường tiếp tục bỏ xa các CTCK còn lại với doanh thu môi giới đạt 953 tỷ đồng, cao hơn vị trí thứ 2 của SSI hơn 400 tỷ đồng. Các CTCK khác như VND, HCM, MBS, MAS lần lượt đứng sau với doanh thu môi giới là 301 tỷ đồng, 224 tỷ đồng, 213 tỷ đồng, 193 tỷ đồng.
Tuy nhiên, SSI lại là CTCK thu được nhiều lãi nhất từ hoạt động margin với lãi từ các khoản cho vay và phải thu là 430 tỷ đồng. TCBS (423 tỷ đồng), VPS (406 tỷ đồng), MAS (387 tỷ đồng), VND (357 tỷ đồng), HCM (+292 tỷ đồng) là những cái tên đứng ngay sau SSI.
Và 6 doanh nghiệp kể trên cũng là những CTCK top đầu về hoạt động cho vay margin khi dư nợ cho vay và phải thu đều đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó MAS có quý thứ 5 liên tiếp đứng đầu về dư nợ.
Bên cạnh môi giới và margin, chiến lược hoạt động môi giới và khả năng tự doanh là những yếu tố quan trọng để giúp các CTCK làm "dày" thêm lợi nhuận quý III/2023.
Công ty chứng khoán có lợi nhuận sau thuế lớn nhất - TCBS với chiến lược không sử dụng môi giới có tỷ lệ chi phí môi giới/doanh thu môi giới thấp nhất trong nhóm 26 CTCK được thống kê, đạt 42%. Cùng với đó, lãi từ tự doanh đem về cho TCBS hơn 700 tỷ đồng.
Trong khi đó, SSI có tỷ lệ chi phí môi giới trên doanh thu môi giới là 74% và cũng có thêm khoảng 700 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh.
Còn VPS duy trì tỷ lệ chi phí môi giới trên doanh thu môi giới thường xuyên quanh mức 80% lại thua lỗ từ hoạt động tự doanh gần 40 tỷ đồng.
CTCK VPBankS vẫn chấp nhận thua lỗ từ hoạt động môi giới khi tỷ lệ chi phí môi giới trên doanh thu môi giới là đạt 104%. Tuy nhiên, VPBankS lại có lãi từ tự doanh hơn 270 tỷ đồng.
Sau khi được VPBank tăng vốn chủ sở hữu lên hơn 16.000 tỷ đồng, VPBankS hiện đang nắm giữ danh mục đầu tư gần 13.000 tỷ đồng trong đó có hơn 10.500 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết và 1.500 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.