Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ suy nghĩ này khi dự tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam, chiều 26/6 (giờ địa phương), tại La Hay (Hà Lan).
Tọa đàm có sự tham dự của gần 30 doanh nghiệp lớn của Hà Lan và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển, khai thác, nạo vét, dịch vụ hàng hải, logistics, năng lượng tái tạo, nông nghiệp...
Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Hai nước đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác phát triển, bao gồm: Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, Nông nghiệp, Năng lượng, Kinh tế biển và Dịch vụ vận tải logistics.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam và Hà Lan có điểm tương đồng từ thiên nhiên tươi đẹp, con người chăm chỉ, thân thiện, đến chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Vì vậy, Việt Nam cần sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ mô hình phát triển của Hà Lan trong phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển sang nền kinh tế xanh… Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Hà Lan tìm kiếm và có được các dự án đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
"Việt Nam là nước đang phát triển nhưng đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo… với rất nhiều dự án đang chờ đợi các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư. Đơn cử như trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của thế giới, sản xuất và xuất khẩu các nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh)…", Phó Thủ tướng làm rõ.
Bên cạnh đó, với việc ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các FTA này.
Đại diện một số tập đoàn của Hà Lan (Van Oord, Royal Vopak, Pondera, Royal Boskalis, De Heus) bày tỏ quan tâm đến các dự án liên quan đến bảo vệ bờ biển; khai thác cát ngoài khơi làm vật liệu thay thế cho các dự án xây dựng, giao thông; nạo vét các luồng hàng hải lớn; xây dựng cảng khí hoá lỏng; sản xuất hydro, amoniac; số hoá quá trình trao đổi thông tin cảng biển; phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín…
Các doanh nghiệp Hà Lan mong muốn được tạo thuận lợi khi thực hiện thủ tục cấp thị thực nhập cảnh (visa), kéo dài thời gian nhập cảnh; Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn như cam kết của các FTA thì mới tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA này.
Phó Thủ tướng trực tiếp trả lời một số vấn đề về định hướng phát triển các trung tâm điện gió ngoài khơi gắn với công nghiệp sản xuất hydro xanh, amoniac xanh theo Quy hoạch Điện VIII; chuyển giao công nghệ chuyển đổi nguồn năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo; khai thác, sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng…
Bên lề toạ đàm, các tập đoàn như Geleximco, Flamingo, Tân Cảng Sài Gòn… đánh giá cao bề dày kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, năng lực của doanh nghiệp Hà Lan trong khai thác cát biển; giảm thiểu ảnh hưởng môi trường sinh thái khi lấn biển; nạo vét luồng tàu cảng biển; mô hình quản lý cảng biển; hợp tác về kỹ thuật công nghệ, xây dựng cảng thông minh, đào tạo nhân lực.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan trực tiếp làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, cũng như các bộ, ngành để trao đổi, chia sẻ thẳng thắn và đề xuất được những ý tưởng hợp tác đầu tư kinh doanh để triển khai trong giai đoạn tới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai nước.