Các giải pháp của ngành ngân hàng để phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh thời gian tới

Nguyễn Đức Lệnh| 21/10/2021 10:08
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội thành phố. Lần đầu tiên sau 35 năm đổi mới và phát triển, kinh tế thành phố tăng trưởng âm do hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành lĩnh vực và doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động để thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội và phòng chống dịch.

Trong điều kiện đó, hoạt động ngân hàng trên địa bàn cũng bị tác động ảnh hưởng gắn liền với những khó khăn phát sinh từ phía doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Tăng trưởng tín dụng trong quý III (là quý dịch bệnh bùng phát và thành phố tập trung vào công tác phòng chống dịch, với giải pháp giãn cách xã hội ở mức cao nhất) có tốc độ chậm lại, thậm chí âm trong hai tháng 8 và 9, với mức giảm tương ứng là 0,15% và  0,67%. Điều này phản ánh tình hình kinh tế xã hội thành phố trong bối cảnh đại dịch, doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngưng hoạt động để phòng chống dịch, do vậy dẫn đến cầu tín dụng giảm.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2021, toàn Thành phố thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ở góc độ hoạt động ngân hàng, để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội Thành phố, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Các giải pháp ngắn hạn:

Trong 3 tháng cuối năm, cần tập trung tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì sự ổ định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là giải pháp quan trọng và nền tảng, đặc biệt trong bối cảnh đại tác động trực tiếp đến yếu tố nguồn nhân lực; đến duy trì hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, thì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nếu đặt trong mối liên hệ với những khó khăn phát sinh từ bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát tăng, lãi suất, tỷ giá biến động… mỗi khi khủng hoảng kinh tế xuất hiện như các giai đoạn trước đây.

Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện giảm áp lực trả nợ vay, giảm chi phí cho doanh nghiệp để duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình này, tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu qua các giải pháp và chương trình hành động cụ thể về kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; về cho vay lĩnh vực ưu tiên; cho vay bình ổn thị trường và thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW và của UBND Thành phố, đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Thứ ba, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt những ngành, lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế: xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực nông lâm thủy hải sản, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục tập trung hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực duy trì hoạt động tốt kể cả trong điều kiện giãn cách xã hội, nhằm tạo động lực và sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phục hồi. Thực tế, tín dụng giảm nhưng phân tích chi tiết tín dụng đối với các ngành lĩnh vực này vẫn tăng trưởng trong quý III/ 2021.

Các giải pháp trung dài hạn:

Để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thành phố trong giai đoạn 2022-2025, 3 nhóm giải pháp sau nên được quan tâm, xem xét:

Thứ nhất, củng cố vững chắc nền tảng ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, gắn liền với thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2020-2025 đối với địa bàn Thành phố. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính; đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển ngân hàng số theo định hướng phát triển của NHTW; phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng và nâng cao khả năng cạnh trạnh của các TCTD trên địa bàn.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gắn với cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất của NHTW. Trong đó, tăng cường và đổi mới các biện pháp tổ chức thực hiện, gắn với nội dung cải cách hành chính để đảm bảo đưa cơ chế chính sách vào thực tiễn có hiệu quả cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng và đạt được mục tiêu chính sách: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này.

Thứ ba, thực hiện tốt các nhiệm vụ giao cho ngành ngân hàng Thành phố tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, đó là tham gia xây dựng Thành phố trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực; thực hiện đề án kết nối ngân hàng doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các giải pháp của ngành ngân hàng để phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh thời gian tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO