Rào cản lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh vẫn nằm ở chất lượng môi trường kinh doanh, đó là những “nút thắt” trong quản lý và thực hiện chính sách của chính phủ, thách thức về sự minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành chính, cũng như trong xin giấy phép và phê duyệt các dự án đầu tư.
Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp, việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho sự phát triển bền vững càng trở nên cấp thiết hơn. Bài viết trích dẫn ý kiến của các chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam bàn về cách tái khởi động nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy thịnh vượng lâu dài cho TP. Hồ Chí Minh.
Nhận diện những “nút thắt” của TP. Hồ Chí Minh
Theo Tiến sĩ Richard Ramsawak, Quyền Chủ nhiệm Cấp cao bộ môn Kinh tế Đại học RMIT Việt Nam, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), rào cản lớn nhất đối với TP. Hồ Chí Minh vẫn nằm ở chất lượng môi trường kinh doanh, cụ thể là những “nút thắt” trong quản lý và thực hiện chính sách của chính phủ, thách thức về sự minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành chính, cũng như sự dễ dàng trong việc xin giấy phép và phê duyệt.
Một thách thức khác cần được giải quyết đó là sự sẵn có của các nguồn tài chính nhằm hỗ trợ những dự án trọng yếu của chính phủ, đặc biệt về cơ sở hạ tầng và gần đây hơn là vấn đề nhà ở xã hội đang đặc biệt được chú trọng.
Việc quản lý và thực hiện chính sách của chính phủ đặt ra những rào cản khiến vận hành doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra kém suôn sẻ. Hợp lý hóa các quy trình này và giảm bớt tính thiếu hiệu quả của bộ máy quan liêu sẽ góp phần không nhỏ vào triển vọng phát triển của thành phố.
Hơn nữa, cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giữa các bên trong bộ máy hành chính để xây dựng lòng tin và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi. Bằng cách nâng cao tính minh bạch và buộc quan chức phải chịu trách nhiệm về hành động của họ, TP. Hồ Chí Minh có thể thu hút thêm nguồn đầu tư và hỗ trợ phát triển kinh tế.
Một vấn đề cấp bách khác là mức độ dễ dàng trong việc cấp phép và phê duyệt. Thủ tục phức tạp và cấp phép trễ nải dễ làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đơn giản hóa các quy trình này, giảm bớt quan liêu và triển khai hệ thống trực tuyến hiệu quả có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh của thành phố.
“Giải quyết những rào cản này rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Bằng cách chủ động giải quyết các vấn đề nêu trên, thành phố có thể tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy phát triển và định vị thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn với các công ty và nhà khởi nghiệp”, Tiến sĩ Richard Ramsawak khẳng định.
Theo Tiến sĩ Richard Ramsawak, cần lưu ý rằng dẫu những rào cản này đặt ra nhiều thách thức, nhưng còn có cơ hội để cải thiện. Bởi, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế là một trong những khu vực thân thiện với công nghệ số nhất Đông Nam Á. Sẵn sàng số hóa đem đến cơ hội triển khai các giải pháp số đột phá trên nhiều lĩnh vực. Tận dụng công nghệ để hỗ trợ tương tác giữa chính phủ với chính phủ, chính phủ với doanh nghiệp và chính phủ với người dân có thể tinh giản quy trình, nâng cao hiệu quả và cải thiện việc cung cấp dịch vụ.
TP. Hồ Chí Minh cần nỗ lực phối hợp và các biện pháp chiến lược
Ở góc nhìn là giảng viên chuyên về lĩnh vực kinh doanh, Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, TP. Hồ Chí Minh sở hữu một tài sản quý giá là nguồn nhân lực, lao động có tay nghề cao, nhưng thành phố phải đối mặt với hạn chế về đất đai và cơ sở hạ tầng, khiến các ngành công nghiệp hạn chế phát triển theo. Do đó, đã xảy ra sự chuyển dịch từ sản xuất truyền thống sang các ngành dịch vụ ở TP. Hồ Chí Minh.
Để tận dụng sự chuyển đổi này và nâng cấp nguồn nhân lực, tập trung nuôi dưỡng nhân lực công nghệ cao là rất quan trọng. Đầu tư vào các chương trình đào tạo liên quan, tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, và tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo có thể giúp nâng cao kỹ năng và năng lực của lực lượng lao động.
Nhằm thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào các ngành dịch vụ có giá trị cao hơn, TP. Hồ Chí Minh nên ưu tiên mở rộng những ngành, như dịch vụ công nghệ thông tin (ITeS) và dịch vụ tài chính thường ít phụ thuộc vào không gian, có tiềm năng phát triển lớn.
Tuy nhiên, để cạnh tranh toàn cầu trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành này, Việt Nam cần thực hiện các thay đổi chiến lược về chính sách đầu tư nước ngoài và giấy phép lao động. Điều chỉnh những chính sách này dựa trên chính sách của các quốc gia Đông Nam Á khác có tiếng hấp dẫn các nhà đầu tư, giúp thu hút thêm nguồn vốn và kích thích phát triển các dịch vụ có giá trị cao hơn.
Tóm lại, tháo gỡ những rào cản của TP. Hồ Chí Minh đòi hỏi nỗ lực phối hợp và các biện pháp chiến lược. Các bước cần thiết là cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh bằng cách tinh giản quy trình hành chính, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm, tạo điều kiện dễ dàng cấp phép và phê duyệt. Mặt khác, tận dụng sự sẵn sàng với công nghệ số của TP. Hồ Chí Minh và đầu tư vào nhân lực công nghệ cao, có thể đóng góp vào sự phát triển của thành phố và thu hút thêm đầu tư vào các ngành dịch vụ.
“Bằng cách áp dụng những biện pháp này, thành phố có thể định vị mình thuận lợi trong môi trường địa chính trị đang thay đổi, và trở nên ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư phương Tây”, Tiến sĩ Bùi Duy Tùng nhấn mạnh.