Các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 và khuyến nghị chính sách cho Việt  Nam

PGS,TS. Nguyễn Trọng Tài| 07/02/2021 08:51
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết này đề cập khái quát các gói hỗ trợ tài khóa – tiền tệ tại một số quốc gia và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam thời gian tới.

Tóm tắt: Xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019, COVID-19  đã lan nhanh trên toàn thế giới và hiện được xem là đại dịch nguy hiểm nhất kể từ sau thế chiến thứ 2. Dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch đang khiến nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng. Để chống lại đà suy thoái kinh tế, các nước đồng loạt tung ra các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ với qui mô lớn. Điều này là cần thiết, nhưng nó cũng đang là thách thức đối với sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu, đòi hỏi các nhà quản lý phải có sự quan tâm đúng mức nếu như không muốn bị trả giá đắt.

SUPPORTING  PACKAGES TO PREVENT ECONOMIC RECESSION CAUSED BY THE COVID - 19 PANDEMIC AND POLICY RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM

Abstract: First emerged in late 2019, COVID-19 has rapidly spreading out around the world and is now considered the most dangerous pandemic since the World War II. The disease and prevention measures has led a serious global economic recession. To combat the economic recession, countries simultaneously launched large-scale monetary and fiscal support packages. This is necessary, but it is also a challenge to the stability of global financial market, requiring regulators to pay proper attention.

This article provides an overview of the fiscal - monetary support packages in some countries and gives some policy recommendations for Vietnam in the coming time.

Cuối năm 2019, những ca nhiễm virus Corona bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng lan nhanh trên thế giới, với số lượng nhiễm và trường hợp tử vong liên tục tăng lên chóng mặt. Tính đến ngày 26/8/2020, dịch bệnh đã lan rộng đến 214 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số ca nhiễm lên tới trên 24 triệu người (trong đó số đang nhiễm là hơn 6,6 triệu người) số tử vong lên tới hơn 823 nghìn người1. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 không chỉ đối với sức khỏe con người, mà còn khiến nền kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.

1. Các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do đại dịch

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực từ đại dịch, một số nước đang phát triển buộc phải xin sự trợ giúp từ các nước và tổ chức tài chính quốc tế. Theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thì có tới 103 nước đã kêu gọi sự trợ giúp từ các nước và tổ chức quốc tế, và IMF đã hỗ trợ cho 63 nước với gói hỗ trợ lên tới 260 tỷ USD. Các lãnh đạo của nhóm G7 cũng đã hỗ trợ cho các nước nghèo, có tỷ lệ nợ nước ngoài cao thông qua việc giãn, giảm nợ đến hết năm 2020 và có thể kéo dài nếu thấy cần thiết. Tuy vậy, theo Tổng Giám đốc IMF thì các nước thực sự cần sự trợ giúp còn nhiều hơn con số 103 nước xin trợ giúp do một số nước lưỡng lự trước khi nộp đơn xin cứu trợ do lo ngại bị hạ mức xếp hạng tín dụng2. Trong khi đó, nhiều nước đã đưa ra các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ với qui mô khá lớn nhằm hướng tới những  mục đích khác nhau.  Cụ thể:

Mỹ: Hỗ trợ kích cầu tiêu dùng là một phần của gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD đã được thông qua vào tháng 3/2020. Chính phủ nước này đã hỗ trợ qua phát séc cho hàng triệu người, với số tiền lên tới 1.200 USD cho mỗi cá nhân hoặc 2.400 USD cho mỗi cặp vợ chồng, thêm 1.200 USD cho người phụ thuộc lên tới tối đa 3 người tùy thuộc vào mức thu nhập (những người có mức thu nhập trên 99 nghìn USD/năm thì không nhận được hỗ trợ) (Thanh Hà, 2020). Tổng số tiền của gói hỗ trợ này lên tới 2.200 tỷ USD. Quốc hội Mỹ cũng thông qua một gói kích thích tiêu dùng khác nằm trong một phần của gói đề xuất trị giá 3 nghìn tỷ USD (Minh Đức, 2020).

Nhật Bản: Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, chính phủ Nhật Bản đã ban hành gói kích thích kinh tế lớn kỷ lục, trị giá 108.000 tỷ JPY (khoảng 989 tỷ USD), tương đương 20% tổng GDP nước này nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các biện pháp kích thích kinh tế bao gồm 6.000 tỷ JPY (khoảng 54 tỷ USD) phát cho các hộ gia đình và chủ doanh nghiệp nhỏ bị giảm thu nhập vì dịch bệnh; 26.000 tỷ JPY (khoảng 238 tỷ USD) chi cho hỗ trợ giảm thuế và các phúc lợi xã hội và một số khoản vay với lãi suất (LS) 0% dành cho các công ty tư nhân...(Hoài Hà, 2020)

Trung Quốc: Chính phủ nước này đưa ra gói hỗ trợ 3,6 nghìn tỷ CNY (khoảng 500 tỷ USD) bao gồm việc cắt giảm thuế, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và các biện pháp kích thích khác để góp phần vào nỗ lực tạo ra 9 triệu việc làm (Bùi Hiền, 2020). Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng đã 3 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời bơm hàng nghìn tỷ CNY vào nền kinh tế nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường. PBOC cũng đã cung cấp thêm 1,8 nghìn tỷ CNY (khoảng 254 tỷ USD) cho các NHTM để tăng khả năng cho vay đối với các DN nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 (B.T. Phương, 2020)

Các nước EU: Đã thông qua gói hỗ trợ 750 tỷ EUR, bao gồm 390 tỷ EUR hỗ trợ và số còn lại là khoản cho vay (Ý Nguyên, 2020). Bên cạnh đó, từng nước trong Liên minh cũng đưa ra các gói hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn: Đức đưa ra gói hỗ trợ 750 tỷ EUR. Chính phủ nước này dự kiến tiếp tục đưa ra gói kích thích bổ sung để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế (An Việt, 2020). Trong khi đó Pháp ban đầu phê duyệt gói hỗ trợ 45 tỷ EUR, nhưng sau đó đã tăng lên tới 110 tỷ EUR, bao gồm 20 tỷ EUR để giúp các công ty lớn, riêng hãng hàng không Air France KLM sẽ có gói hỗ trợ riêng 3.

Việt Nam: Trước các tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế, nhằm biến “nguy” thành “cơ” Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ:

Gói hỗ trợ tài khóa: (i) Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, được áp dụng rộng rãi cho hầu hết DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19;

(ii) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngày 19/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với các DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số chính sách khác như: Hoãn thanh toán thuế sử dụng đất nông nghiệp; Điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; Miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu; Hỗ trợ thu nhập cho các cá nhân và hộ gia đình; các công ty bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong giai đoạn này. 

Gói hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ: (i) Ngày 16/3/2020, NHNN đã giảm mạnh LS, LS tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, LS tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các TCTD từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. LS chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. LS tối đa đối với tiền gửi bằng VND giảm 0,25% - 0,3%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. LS đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, LS đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm. Ngày 13/5, NHNN đã giảm LS lần thứ hai kể từ khi COVID-19 bùng phát: LS tái cấp vốn từ mức 5% giảm xuống còn 4,5%, tỷ lệ chiết khấu từ 3,5% xuống 3%4. Ngày 6/8/2020, NHNN tiếp tục giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,5%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND lùi về mức 0%, giảm 0,5% so với mức lãi suất trước đó.

(ii) NHNN chỉ đạo các TCTD cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (Các ngân hàng đã cam kết dành gói hỗ trợ tín dụng khoảng 600 nghìn tỷ đồng).

(iii) NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) đối với khách hàng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19; và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 (Hồng Thuận, 2020). NHNN cũng nới room tín dụng cho một số NHTM trước sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế5.

(iv) Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, NHCSXH đã triển khai cho vay với lãi suất 0% với các DN có khó khăn về tài chính được vay vốn tại Ngân hàng này với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.

2. Một số khuyến nghị chính sách

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra thời gian qua nhìn chung sẽ “lành tính” với kinh tế vĩ mô. Chuyên gia đến từ Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom cho rằng gói hỗ trợ tín dụng tiềm ẩn ít nguy cơ liên quan đến lạm phát, bởi lẽ gói hỗ trợ này chỉ giúp “bôi trơn” để nền kinh tế vận hành thông qua việc gia hạn các khoản vay, giảm hoặc gỡ bỏ lãi suất, giảm các chi phí giao dịch, không phải hoặc có ít nguồn cung tiền mới được bơm ra thị trường. Gói hỗ trợ tài khóa cũng có ít khả năng gây ra lạm phát, bởi lẽ mục đích là để giảm thuế hoặc giãn thời gian trả thuế và giúp các doanh nghiệp duy trì tính thanh khoản trong tài chính của họ6. Cũng có ý kiến cho rằng gói hỗ trợ qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng khó giải ngân bởi có rất nhiều vướng mắc cho nên khả năng bơm thêm tiền qua kênh này cũng ít xảy ra... Nhìn nhận trực quan có thể người ta sẽ dễ dàng có quan điểm đồng thuận, tuy nhiên, có một số vấn đề chúng ta nên cân nhắc cẩn trọng bởi suy cho cùng, đại dịch là nhân tố bất thường đối với đời sống kinh tế xã hội, nó không chỉ diễn ra tại một vài nước, mà là trên phạm vi toàn cầu, hơn nữa, các nước đều đưa ra các gói hỗ trợ thậm chí lớn hơn so với gói hỗ trợ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra trong giai đoạn 2007-2009 và từ bài học của cuộc khủng hoảng tài chính này thiết nghĩ rất nên xem xét cẩn trọng hơn để có thể nhận diện đúng thực trạng và có các giải pháp ứng phó trong những tình huống không mong đợi thời gian tới.

Từ phân tích thực trạng cũng như những diễn biến còn rất khó lường của đại dịch COVID-19, chúng tôi cho rằng nhiều vấn đề các nhà quản lý vĩ mô phải quan tâm nhằm có các kịch bản phù hợp trong điều hành chính sách, tránh bị động và phải trả giá đắt, trong đó, một số vấn đề sau đây cần chú ý đúng mức:

Thứ nhất, phải kiểm soát chặt chẽ các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ cũng như có các kịch bản phù hợp và khả thi nhằm kiểm soát lạm phát

- Xét về nguyên lý, khi các nhân tố đầu tư công (G), giảm thuế (T) đều kích thích làm tăng tổng cầu và kéo theo mức giá chung trong nền kinh tế tăng lên. Nếu như quá trình này diễn ra liên tục thì giá cả sẽ liên tục tăng và kết quả là lạm phát gia tăng. Mặt khác, sự gia tăng đầu tư công cũng như giảm thuế sẽ kích thích tính năng nổ của các nhà đầu tư cũng như sự lạc quan của người tiêu dùng, điều này thúc đẩy tăng chi tiêu, kết hợp với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng sẽ làm đường tổng cầu dịch chuyển và điều này cũng làm cho mức giá chung trong nền kinh tế tăng theo.

- Các gói hỗ trợ giảm, giãn, hoãn thuế mà Chính phủ đưa ra thời gian qua có thể sẽ tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách năm 2020. Đặt trong bối cảnh phải tăng cường đầu tư công bù đắp phần sụt giảm trong đầu tư tư nhân thì điều này sẽ gây áp lực tới quản lý nợ công theo ngưỡng an toàn qui định, bởi khi đó Chính phủ sẽ phải tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư công, điều này lại đe dọa đến sự ổn định của thị trường tín dụng7. Điều này lại càng tai hại khi nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển luôn rất khan hiếm nhưng đầu tư công lại luôn không đạt tiến độ khiến cho một bộ phận nguồn lực bị lãng phí và nó khiến cho khoản mất không của xã hội do đầu tư công ì ạch tạo ra ngày càng lớn. Không những thế, các áp lực về gánh nặng nợ công cao khiến cho nảy sinh tâm lý “lạm phát kỳ vọng” trong dân chúng tăng lên, đây là hiện tượng phổ biến trong hầu hết các nền kinh tế đang phát triển khi mà dân chúng thiếu tin tưởng vào sự minh bạch giữa quản lý tài khóa với kỷ luật tiền tệ có được duy trì hay không.

- Mặc dù có không ít ý kiến cho rằng không cần phải lo lắng về lạm phát khi mà các chỉ số CPI được công bố luôn nằm trong ngưỡng an toàn theo cam kết, cũng như khả năng bơm thêm tiền vào trong nền kinh tế ít xảy ra, tuy vậy, từ kinh nghiệm trong lịch sử thì sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đều dẫn đến lạm phát bùng phát, thậm chí là dữ dội ở một số  nước có luật tiền tệ tài chính lỏng lẻo. Hiện nay, các công cụ chính sách của NHNN sử dụng tương đối linh hoạt và hiệu quả, nhưng nó chỉ an toàn và hiệu quả trong điều kiện thông thường, nếu đặt trong điều kiện khủng hoảng mang tính toàn cầu như hiện nay thì phải rất cẩn trọng, bởi hầu hết các nước đều tung ra các gói kích thích kinh tế rất lớn, và họ sẵn sàng chấp nhận một tỷ lệ lạm phát nhất định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng với các nước đang phát triển, do đồng nội tệ không được tự do chuyển đổi nên sẽ dẫn tới tình trạng nhập khẩu lạm phát từ các nước có đồng nội tệ tự do chuyển đổi và lúc này  các công cụ chính sách tiền tệ sẽ bị suy giảm tác dụng. Mặt khác, cùng với việc triển khai các gói hỗ trợ tiền tệ và tài khóa thì các điều kiện tiền tệ trong nước đã bị thay đổi, mức độ mở rộng tiền cần phải được tính toán lại để bảo đảm rằng cung tiền sẽ không dẫn tới tăng quá mức tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế bởi các chính sách tiền tệ luôn có độ trễ8. Những năm gần đây, NHNN thường xuyên sử dụng nghiệp vụ thị trường mở trong điều hành chính sách và nó tỏ rõ các tác dụng kiểm soát thị trường, duy trì thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Về nguyên lý, khi NHTW can thiệp qua nghiệp vụ thị trường mở bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế (mua vào các giấy tờ có giá) thì mục tiêu của NHTW là nhằm hạ lãi suất trên thị trường liên NH nhưng điều này là không chắc chắn bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu ứng tính lỏng, hiệu ứng giá cả và hiệu ứng thu nhập thì loại hiệu ứng nào có tính trội. Nếu như hiệu ứng tính lỏng là hiệu ứng trội so với 2 loại hiệu ứng khác thì với việc NHTW mua vào các công cụ nợ sẽ giúp hạ lãi suất thị trường, nhưng nếu như hiệu ứng giá và hiệu ứng thu nhập có tính trội thì với việc NHTW mua vào các công cụ nợ sẽ làm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng lên, gia tăng lạm phát. Trong điều kiện Chính phủ tung ra các gói hỗ trợ cho DN và dân chúng thì NHNN phải rất thận trọng trong sử dụng công cụ nghiệp vụ này bởi rất có thể hiệu ứng thu nhập và hiệu ứng giá sẽ có tính trội so với hiệu ứng tính lỏng và khi đó NHNN sẽ không đạt được kỳ vọng của mình mà trái lại gây tăng LS và gia tăng lạm phát.

Thứ hai, hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh trong nước

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra những năm qua  ngày càng trở nên phức tạp lại càng làm cho sự thiếu chắc chắn trong các hoạt động kinh tế toàn cầu tăng lên, điều này đã và đang ảnh hưởng lớn đến mức độ ổn định của thị trường tài chính toàn cầu bởi thực chất của nó là sự đua tranh về vị thế giữa các nước. Vẫn biết rằng trong kinh doanh thương trường thì sự chắc chắn chỉ là kỳ vọng nhưng nếu sự bất ổn diễn ra thường xuyên thì quả sẽ là rất bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) có năng lực kinh doanh còn nhiều hạn chế như các DN Việt Nam, đặc biệt là năng lực tài chính và quản trị rủi ro. Đại dịch COVID-19 khiến ách tắc trong chuỗi kinh doanh toàn cầu diễn biến phức tạp lại càng khiến cho sự bất định trong kinh doanh gia tăng, điều này đang đòi hỏi cần có sự hỗ trợ hiệu quả của các chính sách kinh tế, không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ về tài chính, mà quan trọng nhất là hỗ trợ cả về đầu vào lẫn đầu ra trong kinh doanh, chỉ có như vậy thì các DN trong nước mới có thể được phục hồi và từng bước phát triển. Hiện nay một số nước đang thực thi chính sách kích cầu nội địa khi mà các kênh kinh doanh quốc tế bị đứt đoạn và thời gian qua Chính phủ Việt Nam cũng đang quyết liệt triển khai chủ trương này, tuy vậy, do sự hạn chế về nguồn lực tài chính nên một số DN không thể kéo dài chính sách giảm giá để kích cầu trong nước, vì vậy rất cần có một giải pháp tổng thể và đồng bộ để chính sách kích cầu trong nước thực sự đem lại hiệu quả, từ đó, thúc đẩy yếu tố cung trong nền kinh tế.

Thứ ba, tái cấu trúc lại khu vực DN, hình thành các DN lớn trong nước làm trung tâm hoạt động kinh doanh của nền kinh tế

Bất cứ một cuộc khủng hoảng kinh tế nào đều tác động đến các hoạt động kinh doanh và từ đó sẽ dẫn đến các hệ quả tích cực lẫn tiêu cực: (i) Hệ quả sẽ là tích cực khi các DN có đủ thực lực tài chính và kinh  nghiệm thương trường để ứng phó thông qua các kịch bản phù hợp; (ii) Hệ quả sẽ là rất tiêu cực khi các DN không có các kinh nghiệm ứng phó hiệu quả. Đứng trên góc độ quốc gia, các hệ quả này sẽ dẫn đến một sự “cài đặt” lại cấu trúc kinh tế toàn cầu và vị thế của các nước sẽ có sự thay đổi rất nhanh: Nước nào có sự chuẩn bị tốt với các kịch bản ứng phó hiệu quả với bất cứ cú sốc kinh tế nào thì sẽ vượt qua thách thức và vươn lên; còn ngược lại, nếu như tham gia vào hội nhập quốc tế chỉ bằng niềm tin nhưng lại không ý thức đầy đủ những thời cơ cũng như những thách thức thì các thành quả của hội  nhập sẽ không nhiều nhưng lại đặt đất nước trước những rủi ro. Là một nước đi sau lại ở vị thế đang phát triển nên Việt Nam sẽ chịu nhiều bất lợi khi hội nhập vào các nền kinh tế nhất là hiện nay Việt Nam đã tham gia vào các liên kết kinh tế quan trọng nhất, bao gồm những nền kinh tế đã phát triển rất xa so với Việt Nam, ở đó có các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia và đa quốc gia rất hùng mạnh về kinh tế, rất có kinh nghiệm về kinh doanh toàn cầu trong khi nước ta tham gia vào quá trình toàn cầu hóa chủ yếu là những DN nhỏ và siêu nhỏ9 với năng lực tài chính rất hạn chế. Quan điểm vươn ra biển lớn thì Việt Nam cần “kết các bè mảng nhỏ” - điều này chỉ đúng khi tham gia vào các liên kết khu vực bao gồm những nước có điều kiện kinh tế tương đồng, nhưng khi đặt trong điều kiện các liên kết bao gồm những nước phát triển, có các tập đoàn kinh tế hùng mạnh thì việc tham gia “cạnh tranh bình đẳng” với các nước này bằng những DN nhỏ và siêu nhỏ e rằng không ổn. Những cú sốc kinh tế tài chính trên 10 năm qua chỉ ra những điểm yếu cố hữu chưa được khắc phục của nền kinh tế nước ta – sự tồn tại của nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ với năng lực tài chính quá yếu (vốn đăng ký khi thành lập bình quân  những năm gần đây chỉ khoảng 11,3 tỷ đồng) (Thụy Miên, 2018), hoạt động gần như độc lập nhau, thậm chí trong không ít ngành hàng, lĩnh vực có sự cạnh tranh sống còn với nhau khiến các bên đều bị suy yếu. Với thực trạng hoạt động của các DN vốn được xem là trụ cột trong phát triển kinh tế đất nước giai đoạn hội nhập như vậy thì sẽ rất khó có khả năng chống đỡ trước bất cứ cú sốc nào và thậm chí muốn tồn tại thì không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của Chính phủ trong nhiều thời kỳ.

Một yếu điểm khác trong phát triển kinh tế nước ta đó là ít nhiều bị chi phối bởi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tình trạng lũng đoạn thị trường trong nước chưa được loại bỏ: (i) Sự lũng đoạn trong nước thể hiện rõ nhất gần đây qua cơn sốt giá thịt lợn thời gian qua cho thấy rõ điều này10. (ii) Sự chi phối của các DN FDI thể hiện rõ nhất ở các hoạt động thương mại quốc tế khi mà có tới trên 70% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm thuộc về các DN FDI. Suy cho cùng tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế là để tìm kiếm lợi ích kỳ vọng và các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giúp mỗi nước hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng này, vì vậy, nếu các hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu do các DN FDI thực hiện thì các lợi ích khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế chủ yếu các DN này dành được và vì thế, những chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế sẽ hướng tới tạo thuận lợi cho các DN FDI trong khi đó nền kinh tế lại dễ bị tổn thương gắn với quá trình này. Vì vậy, việc hình thành nên các DN “lõi” trong từng ngành hàng, lĩnh vực đang và sẽ tiếp tục là một yêu cầu cấp thiết hiện nay và trong tương lai để từ đó giúp chúng ta thực sự thu được những thành quả gắn với tiến trình hội nhập quốc tế.

Chú thích:

1. https://ncov.moh.gov.vn/. Cập nhật ngày 22/7/2020

2.http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-07-03/tham-hoa-kinh-te-lan-rong-toan-cau-89020.aspx. Truy cập ngày 3/7/2020

3.https://vtv.vn/the-gioi/phap-tang-manh-goi-cuu-tro-kinh-te-do-covid-19-2020041516434364.htm

4.https://www.oecd.org/coronavirus/en/policy-responses, truy cập 11h40’ ngày 26/6/2020

5. Tính đến 29/5/2020, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 14%.

6.http://finance.tvsi.com.vn/news/detailNews? newsid=513281. Truy cập 25/3/2020

7. Giữa thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng luôn có tình trạng “chèn lấn” nhau

8. CSTT thường có “độ trễ” do: (i) phản ứng của nền kinh tế thường chậm so với các thời điểm tác động của CSTT - Đây là loại “độ trễ thực hiện” (thời gian từ khi nhận biết các vấn đề của nền kinh tế đến khi điều chỉnh CSTT); (ii) Hiệu quả tác động thường không thể nhận biết và đánh giá ngay lập tức - Đây là loại “độ trễ hiệu quả” (thời gian từ khi CSTT bắt đầu tác động đến nền kinh tế cho đến khi đạt hiệu quả đầy đủ thông qua những thay đổi của các biến số kinh tế vĩ mô)

9. Theo công bố của Tổng cục thống kê, số lượng SMEs chiếm tỷ trọng khoảng 98,1% tổng số DN tính đến cuối năm 2017, trong đó DN nhỏ chiếm 22%, DN siêu nhỏ chiếm 74,4% (PV, 2018), hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế: Dịch vụ chiếm 70% số DN, Công nghiệp, xây dựng chiếm 30% (Lệ Trần, 2018).

10. Mặc dù Bộ NN&PTNT luôn khẳng định chúng ta sẽ nhanh chóng khôi phục lại ngành chăn nuôi lơn sau dịch tả lợn châu Phi, bởi số lợn giống vẫn còn khá, nhưng thực tế người dân khó tái đàn do các trại chăn nuôi lợn giống không bán nhằm khống chế thị trường, thậm chí có tình trạng một số DN chăn nuôi lớn không chịu bán ra nhằm giữ giá…(Khánh Linh, 2020)

Tài liệu tham khảo:

- Linh Chi, 2018: Việt Nam có đến 53% số doanh nghiệp không có lợi nhuận, 42.000 doanh nghiệp đang chờ giải thể. https://laodong.vn/thi-truong/viet-nam-co-den-53-so-doanh-nghiep-khong-co-loi-nhuan-42000-doanh-nghiep-dang-cho-giai-the-628483.ldo. Truy cập  04/09/2018

- M.D (2020): Bloomberg: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất ASEAN.http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/bloomberg-kinh-te-viet-nam-se-tang-truong-cao-nhat-asean-325264.html. Truy cập 8/7/2020

- Bùi Hiền (2020): Nền kinh tế Trung Quốc cố thoát khỏi suy thoái sau đại dịch Covid-19. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/nen-kinh-te-trung-quoc-co-thoat-khoi-suy-thoai-sau-dai-dich-covid19-324446.html. Truy cập ngày 18/6/2020

- Nguyễn Hiền (2020): Tăng trưởng GDP của các nước ASEAN và dự báo kinh tế năm 2020. https://andrews.edu.vn/infographic-tang-truong-gdp-cua-cac-nuoc-asean-va-du-bao-kinh-te-nam-2020/. Truy cập 19/2/2020

- Thu Hoài (2020):Ngân hàng trung ương nhiều nước tung gói kích cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước dịch Covid-19. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/ngan-hang-trung-uong-nhieu-nuoc-tung-goi-kich-cau-ho-tro-tang-truong-kinh-te-truoc-dich-covid19-319202.html. Truy cập 21/2/2020

- IMF: World Economic Outlook April 2020

- HN (2020): Nga và Ấn Độ thông qua gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế. http://tapchithongtindoingoai.vn/su-kien-va-binh-luan/nga-va-an-do-thong-qua-goi-ho-tro-de-phuc-hoi-kinh-te-36583. Truy cập ngày 3/6/2020

- Minh Ngọc, 2018: Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tăng nhanh. http://www.vnmedia.vn/kinh-te/201809/so-luong-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-viet-nam-tang-nhanh-614903/http://www.vnmedia.vn/kinh-te/201809/so-luong-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-viet-nam-tang-nhanh-614903/ Truy cập ngày 21/09/2018

- Thu Ngọc (2020): COVID-19 khiến kinh tế Anh chịu “vết thương đau đớn nhất” trong hơn 3 thế kỷ qua. https://cafef.vn/covid-19-khien-kinh-te-anh-chiu-vet-thuong-dau-don-nhat-trong-hon-3-the-ky-qua-20200510070522747.chn. Truy cập 10/5/2020

- Ý Nguyên (2020): Châu Âu đã thỏa hiệp được gói tiền lớn cho hồi phục kinh tế

-https://tuoitre.vn/chau-au-da-thoa- hiep-duoc-goi-tien-lon-cho-hoi-phuc-kinh-te-20200721113057976.htm. Truy cập 21/7/2020

- Phương Oanh (2020): Hàn Quốc hỗ trợ hơn 32 tỷ USD cho các ngành công nghiệp trọng yếu. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/han-quoc-ho-tro-hon-32-ty-usd-cho-cac-nganh-cong-nghiep-trong-yeu-323551.html. Truy cập ngày 29/5/2020

- B.T. Phương (2020): Kinh tế cần phải kích thích hơn nữa để thoát khỏi “bóng ma” Covid-19, liệu Trung Quốc có tiếp tục nới lỏng tiền tệ?. https://cafef.vn/kinh-te-can-phai-kich-thich-hon-nua-de-thoat-khoi-bong-ma-covid-19-lieu-trung-quoc-co-tiep-tuc-noi-long-tien-te-20200512124410076.chn . Truy cập 12-05-2020 

- Phạm Văn Thiện (2020):  Nhóm chính sách tài khóa – “Phao cứu sinh cho” cộng đồng doanh nghiệp thời kỳ hậu Covid-19 https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5094/nhom-chinh-sach-tai-khoa--phao-cuu-sinh-cho-cong-dong-doanh-nghiep-thoi-ky-hau-covid-19.aspx, truy cập 11h30’ ngày 26/6/2020

- Hồng Thuận (2020):  Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/go-roi-phap-ly-phat-sinh-do-covid-19/28156/chinh-sach-ho-tro-doi-voi-doanh-nghiep-bi-anh-huong-covid-19, truy cập 11h35 ngày 26/6/2020

- Lệ Trần, 2018: Tổng cục Thống kê: Quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ngày càng nhỏ. https://vietnamfinance.vn/tong-cuc-thong-ke-quy-mo-doanh-nghiep-vua-va-nho-dang-ngay-cang-nho-20180119145350988.htm Truy cập ngày 19/1/2018

- PV, 2018: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98,1%.http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/doanh-nghiep-nho-va-vua-chiem-981-144150.html. Truy câp 21/9/2018

- Thúy Vi (2020): Kinh tế toàn cầu suy thoái tồi tệ nhất trong 100 năm qua. http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/kinh-te-toan-cau-suy-thoai-toi-te-nhat-trong-100-nam-qua-324258.html. Truy cập ngày 14/6/2020).

- An Việt (2020): Hỗ trợ đà phục hồi kinh tế hậu Covid-19, Đức ‘tung’ gói kích thích bổ sung. https://baoquocte.vn/ho-tro-da-phuc-hoi-kinh-te-hau-covid-19-duc-tung-goi-kich-thich-bo-sung-116332.html. Truy cập 26/5/2020

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các gói hỗ trợ chống suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 và khuyến nghị chính sách cho Việt  Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO