Các ngân hàng “hiến kế” triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất 2%

Ngô Hải - Quỳnh Lê| 27/05/2022 20:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN) 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) kiến nghị nhiều giải pháp để chương trình triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngày 27/5/2022 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Hội nghị nhằm quán triệt các nhiệm vụ, nội dung của Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Thông tư 03/2022/TT-NHNN, hướng dẫn toàn hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và tới từng địa phương nhằm sớm đưa chính sách vào thực tiễn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu các ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng (TCTD) tại hội nghị.

 

Cần truyền thông để xã hội hiểu vai trò của ngành Ngân hàng và những khó khăn trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tôi đồng tình với các ý kiến của các TCTD đã phát biểu tại Hội nghị về những khó khăn, vướng mắc và quyết tâm triển khai có hiệu quả Thông tư 03. Qua trao đổi, các TCTD kiến nghị trong khi triển khai thực hiện Nghị định 31 và Thông tư 03, NHNN, các Vụ, Cục, NHNN chi nhánh các tỉnh thành phố (đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội)… tạo điều kiện để các TCTD yên tâm triển khai có hiệu quả các chính sách trên.

Tuy nhiên, khi triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng này sẽ có rất nhiều khó khăn, đó là:

Thứ nhất, đối tượng cho vay là những đối tượng được quy định tại Nghị định. Do đó, cần triển khai truyền thông để xã hội hiểu là chúng ta không hạ chuẩn tín dụng. Khách hàng được vay vốn đều phải đáp ứng đủ điều kiện, nguyên tắc đã quy định. Làm tốt điều này sẽ giúp các TCTD tránh được các kêu ca/khiếu nại của khách hàng trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất lần này.

Thứ hai, đối tượng thụ hưởng hết sức phức tạp, vì theo quy định các đối tượng thụ hưởng của chính sách này rất đa dạng và phong phú. Nếu các TCTD không cung cấp được các hướng dẫn cụ thể thì sẽ rất dễ xảy ra các sai phạm trong quá trình triển khai. Do đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ NHNN để các TCTD thực hiện triển khai.

Thứ ba, để triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, chắc chắn nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room tín dụng.

Do vậy, đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng cho các TCTD để hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Ngoài ra, công tác truyền thông cũng rất quan trọng. Cần truyền thông làm sao để toàn xã hội hiểu được vai trò của ngành Ngân hàng và những khó khăn trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất này. Hiệp hội sẽ phối hợp với Vụ Truyền thông, NHNN để triển khai có hiệu quả các chương trình truyền thông này.

Agribank cam kết mọi đối tượng khách hàng đủ điều kiện đều được hỗ trợ

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank

Sau khi NHNN ban hành Thông tư 03, Agribank cũng đã kịp thời ban hành Quy định số 968/QĐ-NHNNo-TD ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và văn bản số 4327/NHNNo-TCKT ngày 25/5/2022 hướng dẫn hạch toán kế toán. Trong 2 năm triển khai, Agribank sẽ dành nguồn vốn hỗ trợ khoảng 5.000 tỷ đồng, với hàng triệu khách hàng được thụ hưởng.

Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục có văn bản chỉ đạo, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đến toàn bộ gần 2.300 điểm giao dịch trên cả nước. Yêu cầu Giám đốc các đơn vị phải trực tiếp thực hiện:

Thứ nhất, khẩn trương tổ chức triển khai đầy đủ các các nội dung về hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31, Thông tư 03, Quy định 968 đảm bảo kịp thời, đúng quy định đến các đơn vị trực thuộc và toàn bộ cán bộ nghiệp vụ trực tiếp thực hiện, đặc biệt khoảng 15.000 cán bộ làm công tác tín dụng.

Thứ hai, khẩn trương báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi Chi nhánh đặt trụ sở về việc triển khai hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước theo quy định của Nghị định 31.

Thứ ba, tiếp tục khẩn trương rà soát lại đăng ký kế hoạch hỗ trợ, đồng thời công khai, minh bạch đến khách hàng thuộc đối tượng và không thuộc đối tượng, đặc biệt rà soát ngay các khoản đã ký thoả thuận và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến ngày 20/5 (từ đầu năm đến nay đã giải ngân gần 700.000 tỷ đồng, trong đó gần 100.000 tỷ đồng thuộc các đối tượng thụ hưởng từ đợt hỗ trợ lãi suất lần này) ký thoả thuận bổ sung trong tháng 5/2022.

Thứ tư, nghiêm cấm cho vay không đúng đối tượng hoặc lợi dụng chính sách, tiến hành kiểm tra 100% các khoản vay được hỗ trợ lãi suất, đảm bảo nguồn hỗ trợ lãi suất từ NSNN đến đúng đối tượng khách hàng.

Agribank cam kết triển khai kịp thời đầy đủ, công khai, minh bạch, hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất, đảm bảo mọi đối tượng khách hàng đủ điều kiện đều được hỗ trợ trong hạn mức Agribank được thông báo. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện sai, chậm trễ, trục lợi chính sách. Khi triển khai sẽ có những vướng mắc xảy ra, do vậy đề nghị NHNN kịp thời tháo gỡ ngay khi có vấn đề phát sinh.

Đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng cho các TCTD

Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV

BIDV cam kết sẽ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với chất lượng cao nhất. BIDV sẽ tiên phong thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho mọi khách hàng đáp ứng điều kiện theo quy định. Hiện ban lãnh đạo ngân hàng đang chỉ đạo tập trung rà soát toàn hệ thống, để xác định chính xác và đầy đủ số lượng khách hàng, khoản vay trong cả hai năm.

Qua rà soát, có hơn 10.000 khách hàng hiện hữu đáp ứng đầy đủ điều kiện, khoảng 200.000 khoản vay đáp ứng. Đương nhiên, trong quá trình thực hiện đến năm 2023 thì khách hàng giải ngân mới cũng sẽ tiếp tục được hỗ trợ.

BIDV sẽ tổ chức công tác kiểm tra giám sát thường xuyên, chủ động đối với việc hỗ trợ lãi suất; Đảm bảo chương trình hỗ trợ lãi suất trên nguyên tắc công khai minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.

Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, số lượng khách hàng thụ hưởng sẽ rất lớn. Rõ ràng, nhu cầu về room tín dụng cho các TCTD, nhất là với TCTD như BIDV sẽ rất lớn. Qua khảo sát vào quý IV/2021, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của những khách hàng tốt của BIDV là trên 10%. Trong khi đó, room tín dụng của BIDV trong năm 2022 là 10%, trong 7 tháng cuối năm, nhất là khi triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên nhiều. Vì vậy, đề nghị NHNN xem xét sớm nới room tín dụng cho BIDV và tất cả các TCTD lớn để triển khai Nghị định 31 một cách thông suốt, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng.

Nhóm khách hàng được thụ hưởng chính sách ưu đãi lãi suất chiếm 30% tổng dư nợ tại VietinBank

Ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc VietinBank

Đến thời điểm này, VietinBank đã lên sơ bộ danh sách, dự thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất được thông suốt trong hệ thống. Theo thống kê, dư nợ tín dụng của các nhóm ngành được thụ hưởng lãi suất ưu đãi từ chương trình trong năm 2022 – 2023 chiếm khoảng 30% dư nợ của ngân hàng.

Qua đánh giá sơ bộ, nhu cầu tín dụng trong thời gian tới sẽ rất lớn nhưng room tín dụng của VietinBank cũng tương đối eo hẹp, trong khi đó ngân hàng đứng trước áp lực tăng trưởng trong cả ngắn hạn và trung hạn. Do vậy, đề nghị NHNN nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng, có thể loại trừ các khoản cho vay ưu đãi này ra khỏi cách tính room tín dụng.

Vietcombank cam kết thực hiện nghiêm túc Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% là chủ trương lớn của Chính phủ và NHNN, Vietcombank cam kết thực hiện nghiêm túc. Trong ngày 27/5, Vietcombank sẽ ban hành trong nội bộ các văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 03. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc triển khai của Vietcombank tin rằng sẽ diễn ra thuận lợi.

Hiện tại, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt trên 1 triệu tỷ đồng; trong đó, các đối tượng được thụ hưởng của chương trình hỗ trợ lãi suất này xấp xỉ 30% tổng dư nợ, với số lượng khách hàng là hơn 30.000 khách hàng. Vietcombank đã chỉ đạo các bộ phận liên quan để thống nhất các quy trình nội bộ, truyền thông… nhằm đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của NHNN; đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch, không trục lợi chính sách. Vietcombank cam kết thực hiện tốt và toàn diện gói chính sách ưu đãi này.

Để tránh những thắc mắc/khiếu nại từ phía khách hàng, đề nghị NHNN xem xét tăng cường truyền thông để các khách hàng nắm bắt được rõ ràng hơn về gói hỗ trợ lãi suất này. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đang tăng cao, do vậy, NHNN cũng nên xem xét nới room tín dụng phù hợp cho các ngân hàng để chung tay với nền kinh tế trong việc hỗ trợ tăng trưởng.

MB đảm bảo chương trình được thực hiện công khai, minh bạch

Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc MB

Đây là chương trình trọng điểm của NHNN trong năm 2022. MB cam kết nghiên cứu kỹ để tổ chức triển khai tại hệ thống. MB đảm bảo chương trình được thực hiện công khai, minh bạch, ngân hàng sẽ nghiên cứu kỹ các quy trình, thủ tục… MB sẽ tổ chức hệ thống về các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật để lưu trữ, bóc tách các dữ liệu… nhằm sẵn sàng cho các công tác kiểm tra đối chiếu.

Hiện tại, MB không thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất chính sách. Tuy nhiên, trong Nghị định có quy định là các khoản nợ hỗ trợ này không được tham gia vào các chương trình hỗ trợ từ NSNN khác. Các ngân hàng quốc doanh và các khách hàng có thể biết các chương trình đó nhưng các ngân hàng thương mại như MB không biết được các khách hàng có được hỗ trợ từ các chương trình khác hay chưa. Do vậy, chúng tôi kiến nghị, trước mắt giao cho khách hàng cam kết “khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất 2% này, không tham gia/nhận hỗ trợ từ chương trình khác”. Điều kiện để các TCTD biết các khách hàng đã tham gia chương trình khác hay chưa sẽ cần Vụ Tín dụng các ngành kinh tế hỗ trợ xác minh.

Bên cạnh đó, với nhu cầu tín dụng của nền kinh tế hiện nay rất cao, chúng tôi đề nghị trên các nguyên tắc/tiêu chí thì NHNN nên xem xét để các TCTD được mở rộng chương trình hỗ trợ này.

ACB đã sẵn sàng triển khai Nghị định

Đại diện ACB

Để hỗ trợ một phần các khách hàng vượt qua đại dịch COVID-19, trong 2 năm vừa qua, Ngân hàng ACB rất mong đợi triển khai Nghị định này. Ngay sau khi có dự thảo, Ngân hàng đã tiến hành rà soát danh sách khách hàng để đánh giá khả năng tham gia chương trình lãi suất lần này.

Vào ngày 20/5 vừa qua, khi Nghị định 31 được ban hành, chúng tôi đã tổ chức họp phổ biến nội dung và phân công cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai Nghị định. Theo yêu cầu của NHNN, ngày 26/5, chúng tôi đã đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 2.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô tín dụng 100.000 tỷ đồng, trong vòng 2 năm. Cho đến hôm nay, chúng tôi đã có chương trình chuẩn bị tập huấn cho các chi nhánh trong hệ thống ngân hàng ACB. Chúng tôi cũng xin cam kết với NHNN sẽ nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 và Thông tư 03.

Standard Chartered đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered

Dưới góc độ là một Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Standard Chartered ủng hộ và ý thức được sứ mệnh chính trị và trách nhiệm xã hội của chương trình hỗ trợ lãi suất lần này. Ngay từ giai đoạn góp ý dự thảo Thông tư 03, chúng tôi đã tiến hành rà soát toàn bộ quy trình, đồng thời thành lập một tổ công tác đặc biệt chuyên về triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Tổ công tác đặc biệt này được chủ trì bởi hai lãnh đạo cao cấp của ngân hàng và có sự tham gia của các phòng ban liên quan, tổ chức nhiều cuộc họp thường kỳ và triển khai chương trình một cách sâu sát.

Về mặt truyền thông, với đặc thù là ngân hàng nước ngoài, không có hệ thống chi nhánh trải dài tại 63 tỉnh thành như các NHTM trong nước, chúng tôi tập trung chủ yếu vào truyền thông nội bộ, chỉ đạo tới các phòng ban nghiêm túc thực hiện. Về chất lượng tín dụng, chúng tôi cố gắng đảm bảo không khác gì so với những khoản vay thông thường.

Về quy trình nội bộ, dự kiến trong tuần sau, Standard Chartered sẽ triển khai đến toàn bộ hệ thống phòng ban. Khi triển khai nếu có vướng mắc, chúng tôi cũng sẽ nhờ Vụ Tín dụng hỗ trợ thêm để có thể giải đáp các thắc mắc của khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất chia sẻ với các đề xuất của các NHTM về nới room tín dụng. Rất mong NHNN hỗ trợ.

Mong NHNN có kênh trao đổi online thay vì offline để có thể kịp thời xử lý các vướng mắc/khó khăn trong quá trình triển khai

Đại diện Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Đối với Thông tư 03, chúng tôi cho rằng đây là giải pháp tối ưu để Ngân hàng Shinhan nói riêng và các NHTM nói chung có thể tiếp cận, có mối quan hệ tốt hơn với khách hàng và tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi đang ráo riết để triển khai hoàn thành văn bản hướng dẫn cho các cán bộ trong hệ thống chi nhánh để triển khai chương trình một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Shinhan cũng nỗ lực hoàn thiện, nâng cấp hệ thống. Trong quá trình triển khai thực hiện, đương nhiên sẽ có những vướng mắc, khó khăn phát sinh, chúng tôi mong NHNN có kênh trao đổi online thay vì offline để có thể kịp thời xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng “hiến kế” triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất 2%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO