Thị trường

Các yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán vẫn còn, nhà đầu tư nên ngừng bán tháo

Quỳnh Lê 21/08/2023 - 08:39

Nhịp điều chỉnh của thị trường đã được dự báo từ trước, tuy nhiên, điểm bất ngờ đó là mức độ giảm nhanh và mạnh chỉ trong một phiên cuối tuần. Thay vì bán tháo trong những phiên giảm điểm mạnh, nhà đầu tư nên chờ các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu...

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch (từ ngày 14-18/7) bằng một phiên bán tháo trên diện rộng làm chỉ số VN-Index bốc hơi gần 56 điểm, theo đó, xóa sạch mức tăng của cả 4 tuần giao dịch trước đó cộng lại. Nguyên nhân chính của phiên bán tháo này xuất phát từ động thái chủ động hạ margin của nhà đầu tư sau khi một công ty chứng khoán top đầu thị phần môi giới thông báo giảm tỷ lệ ký quỹ với nhiều cổ phiếu từ ngày 22/8.

Bên cạnh đó, diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu trụ cột như họ cổ phiếu “Vin” và đợt tăng mạnh vừa qua của tỷ giá trong nước cũng như thông tin tiêu cực về một tập đoàn bất động sản lớn tại Trung Quốc khiến tâm lý nhà đầu tư lo sợ.

gcsdcjs.jpg

Chỉ số VN-Index chốt tuần tại mức 1.178,0 điểm, giảm mạnh 4,4% so với đầu tuần. Ngoài ra, HNX-Index cũng giảm mạnh 3,8% xuống 236,0 điểm và UPCoM-Index giảm 4,3% xuống 89,3 điểm. Tất cả các nhóm ngành đồng loạt giảm mạnh trong tuần này, với mức giảm mạnh nhất đến từ bất động sản và bán lẻ sau khi đã tăng nóng trong vài tháng qua.

VIC (-7,9%) và VHM (-6,7%) là hai cổ phiếu gây áp lực lớn lên thị trường, lấy đi hơn 10 điểm của VN-Index. Theo sau là các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID (-5,4%), VPB (-6,4%), MSN (-6,5%), GAS (-3,8%); FPT (+4,3%) và SSI (+0,5%) là 2 cổ phiếu hiếm hoi trong rổ VN30 nâng đỡ thị trường.

Thanh khoản tuần này tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 29.006 tỷ đồng (+10,2% so với tuần trước), chủ yếu tập trung ở phiên bán tháo cuối tuần với khối lượng giao dịch cao lịch sử (đạt trên 36.100 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 10/1/202).

Trong tuần, khối ngoại tiếp tục bán ròng lần lượt 987 tỷ đồng (+34,7% so với tuần trước) và 143 tỷ đồng (+194% so với tuần trước) trên HOSE và HNX trong khi đó mua ròng nhẹ trên UPCOM với giá trị 25 tỷ đồng (-627% so với tuần trước). Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 1.104 tỷ đồng trên cả ba sàn.

jbbjv.jpg

Đánh giá về tuần giao dịch đầy biến động vừa qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích soạn thảo, CTCK VNDIRECT cho biết, nhịp điều chỉnh của thị trường đã được dự báo từ trước, tuy nhiên, điểm bất ngờ đó là mức độ giảm nhanh và mạnh chỉ trong một phiên cuối tuần. Rất may, thị trường có 2 phiên cuối tuần thứ bảy và chủ nhật để nhà đầu tư lấy lại sự bình tĩnh và suy xét.

Theo ông Đinh Quang Hinh, việc hạ tỷ trọng margin của một công ty chứng khoán top đầu thị phần thông thường chỉ có tác động “ngắn hạn” trong vòng 1-2 phiên giao dịch và giảm bớt đáng kể sau đó. Vấn đề về tỷ giá cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi đã quay đầu giảm mạnh trong ngày 18/8. Trong khi đó nhóm cổ phiếu họ “Vin” có thể sớm lấy lại sự cân bằng.

“Do đó, chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật trong tuần này và nhà đầu tư nên ngừng hành động bán tháo. Nhà đầu tư nên chờ các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu thay vì bán tháo trong những phiên giảm điểm mạnh. Vùng 1.150 - 1.170 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index”, ông Đinh Quang Hinh nhận định.

Trong trung hạn, chuyên gia vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam với các yếu tố hỗ trợ mạnh, bao gồm: Môi trường lãi suất; Chính phủ bơm tiền thông qua các động thái đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng (giảm thuế, phí, tăng lương cơ sở,…); xu hướng phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong những tháng cuối năm.

Đối với những nhà đầu tư chuẩn bị vào thị trường hoặc đã lỡ nhịp tăng điểm trước và đang giữ tỷ trọng tiền mặt cao, nhịp điều chỉnh lần này có thể mang đến “điểm mua tốt” để nhà đầu tư tích lũy và xây dựng danh mục cổ phiếu cho mục tiêu trung, dài hạn.

Đồng quan điểm, CTCK MBS cho rằng, chính sách điều hành theo hướng nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ như tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng kích thích tiêu dùng nội địa, nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn trên thị trường, giải quyết các vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tích cực trong thời gian qua. Đây vẫn là những yếu tố tiếp tục dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, MBS nhận định, sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết sẽ cải thiện hơn trong hai quý cuối năm dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, cũng như các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục, chi phí lãi vay thấp. Trên ước tính cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá P/E thị trường trong khoảng 14 – 14,5 lần, MBS lạc quan dự báo VN-Index hướng về vùng 1.280 – 1.320 điểm trong năm 2023.

cds.jpg

Trên thị trường tài chính quốc tế, biên bản họp định kỳ tháng 7 của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tháng 7 cho thấy phần lớn các thành viên của Uỷ ban tiếp tục ưu tiên cuộc chiến chống lại lạm phát. Biên bản cho thấy, không loại trừ khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn đã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán. S&P 500 ghi nhận giảm 2,11% trong tuần, trong khi EU600 giảm 2,3%. Chứng khoán châu Á hầu hết cũng kết thúc tuần giao dịch trong sắc đỏ cho thấy xu hướng chung của thị trường chứng khoán toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán vẫn còn, nhà đầu tư nên ngừng bán tháo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO