Vấn đề - Nhận định

Cách tính giá cơ sở có nhiều điểm khiến giá xăng dầu không phản ánh đúng thực tế

Nguyễn Nga 27/06/2023 - 15:37

Theo nghiên cứu của VESS, trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động liên tục như hiện nay, cách tính các khoản thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể không còn phù hợp.

Chưa có nguồn năng lượng nào đủ khả năng thay thế xăng dầu

Tại sự kiện công bố kết quả nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức, PGS, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS cho biết, tất cả các ngành trong nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng lớn bởi thị trường xăng dầu.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, từ khi được phát hiện tới nay, xăng dầu vẫn giữ được vị trí độc tôn trong các ngành năng lượng trên thế giới. Ngày nay, gần như toàn bộ các phương tiện giao thông vận tải, máy móc công nghiệp đều sử dụng nhiên liệu xăng dầu. Hiện cũng đã có rất nhiều năng lượng mới được phát minh như điện, gió, hạt nhân,... nhưng chưa năng lượng nào đủ khả năng thay thế hoàn toàn cho xăng dầu.

Đặc biệt, theo dự báo thì nguồn năng lượng này chỉ có thể đáp ứng trong vài chục năm nữa. Vì vậy, giá cả của xăng dầu ngày càng tăng lên là điều khó tránh khỏi.

Khi giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến một số ngành nghề sử dụng nhiều xăng dầu để hoạt động cũng như đời sống của người dân. Do đó, việc kiểm soát giá và điều hành giá xăng dầu nhằm giúp Chính phủ đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời hy vọng ổn định mức giá của một đầu vào quan trọng trong nền kinh tế.

Tuy vậy, giải pháp này có thể hình thành tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ vốn, đóng cửa, rút khỏi thị trường do lợi nhuận không đảm bảo đủ chi phí kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến hạ tầng năng lượng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và cuối cùng là an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh kiểm soát giá, tại Việt Nam, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế như: giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (từ 8-10%) và bảo vệ môi trường. Chỉ trong vòng hai tháng (từ ngày 12/4/2022 đến ngày 13/6/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục sáu lần, vượt mức 32.000 đồng/lít (tăng gần 50% so với đầu năm 2022) và liên tục vượt đỉnh lịch sử tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít).

Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng thuế đối với người tiêu dùng ngày càng gia tăng và tạo sức ép phải giảm bớt gánh nặng này.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình.

Ngoài ra, Giám đốc VESS cũng cho rằng, cách tính giá cơ sở hiện nay cũng có nhiều điểm khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng thực tế và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế.

Mặc dù giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế như Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia…. Trong khi đó, nhóm hộ dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự biến động mạnh của giá xăng dầu lại là các hộ gia đình có thu nhập thấp, tập trung đông ở các vùng kém phát triển.

Nên chăng thay đổi cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu?

Theo nghiên cứu của VESS, trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động liên tục như hiện nay, cách tính các khoản thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể không còn phù hợp. Các vấn đề về bị động nguồn thu khi giá thế giới giảm đột ngột hoặc tăng gánh nặng về giá khi giá thế giới tăng mạnh và đột ngột đã xảy ra trong quá khứ do cách tính các khoản thuế áp lên mặt hàng này. Giá xăng dầu cao đã tạo ra nhiều tiêu cực cho nền kinh tế. Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào sản xuất tăng, do xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất.

Với tỷ trọng thuế 25% (2022), thay đổi cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể thay đổi giá xăng dầu bán lẻ một cách đáng kể.

Để giảm tỷ trọng thuế xăng dầu trong giá cơ sở cũng như để tránh các khoản thu từ thuế tăng mạnh do giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến giá xăng dầu bán lẻ ở mức cao như năm 2022, VESS khuyến nghị nên thay đổi cách áp hai khoản thuế bảo vệ môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng như các quốc gia khác trên thế giới (gộp 2 loại vào 1 hoặc bỏ 1 trong 2), sử dụng thuế tuyệt đối thay vì thuế tương đối, cụ thể với thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức gợi ý là 2.000 đồng/lít.

Đồng thời, lưu ý ngay cả các loại thuế tương đối vốn có (như VAT, thuế nhập khẩu), cũng cần cân nhắc một giới hạn tuyệt đối, ví dụ 3.000 đồng/lít. Những mức tuyệt đối này cần được điều chỉnh định kỳ theo điều kiện thị trường và xã hội.

Ngoài ra, liên quan đến cải cách thị trường xăng dầu tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất, tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung ứng (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ…) để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn.

Cải cách thị trường theo hướng tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn thị trường của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinh doanh (nhằm giảm điều kiện gia nhập thị trường).

Xem xét loại bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ Xây dựng để tăng tính cạnh tranh cho thị trường, quy rõ trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho các bên tham gia trong thị trường.

Cùng đó, sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh trong giá/chất lượng xăng dầu bán lẻ giữa các doanh nghiệp với nhau, gián tiếp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách tính giá cơ sở có nhiều điểm khiến giá xăng dầu không phản ánh đúng thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO