Sự kiện

Cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố then chốt thúc đẩy đầu tư nước ngoài

Q.L 22/04/2023 14:57

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng 22/4, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra những đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

33948899090898681244219659219669956909573021n-16821401501201613494148.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm "bản lề" trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Nếu các năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để "tăng tốc". Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà các doanh nghiệp cũng cần hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) chia sẻ, quý I/2023, GDP Việt Nam chỉ tăng 3,32%, có phần không như kỳ vọng và đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất - lĩnh vực mà các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất cũng đã giảm mạnh, cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, quy mô đầu tư nước ngoài quý I đạt 5,44 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tương đương 50% tổng mức đầu tư cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, về số lượng dự án đã tăng 13,5% đạt 1.459 dự án cho thấy đa phần các dự án đầu tư mới đều là các dự án có quy mô nhỏ.

Đáng tiếc, là tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

img8464-168212950444.jpg
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước tham dự hội nghị

Mặt khác, hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, thương mại giữa hai nước đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam sử dụng khoảng 700.000 lao động và đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế Việt Nam.

“Hiện nay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng. Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng doanh nhân nước ngoài cần cảm thấy sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam”, ông Hong Sun đề xuất.

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) khẳng định, Amcham đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

"Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư vào điện gió, điện mặt trời ngoài khơi cũng như hệ thống pin lưu trữ", đại diện Amcham bày tỏ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành viên của Amcham vẫn có những quan ngại về sự chưa ổn định trong chính sách về điện của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch. Điều này sẽ nhanh chóng có tác động tích cực vào tính cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit, chia sẻ, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua thời kỳ đầy bất ổn gần đây. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu và môi trường đầu tư của Việt Nam. Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã biến động trong 12 tháng qua, giảm từ 73 điểm trong quý I/2022 xuống chỉ còn 48 điểm trong quý IV/2022 và quý I/2023.

Các số liệu trong Báo cáo trong quý I/2023 cho thấy có dấu hiệu hy vọng, khi chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, mặc dù chỉ số BCI vẫn ở mức 48. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của EU cho thấy đà sụt giảm kinh tế đang "tạo đáy" và doanh nghiệp sẽ chứng kiến sự tích cực trong thời gian tới.

"Mặc dù phải đối mặt với một số rào cản nhưng Việt Nam đã được công nhận là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn. Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng", Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam, với khảo sát của JETRO, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, 55% vào năm 2021 và 60% vào năm 2022.

Jetro cũng mong muốn chứng kiến nhiều trường hợp đầu tư FDI vào các vùng ven của đất nước, như các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế địa phương.

Đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.

Việt Nam đã kịp thời thành lập 3 tổ công tác bao gồm nhóm công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng, nhóm công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản và tổ công tác xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời mở cửa biên giới Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

“Cộng đồng doanh nghiệp VBF, bao gồm cả FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước, cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới phát triển kinh tế bền vững”, ông Nitin Kapoor khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển hướng đến sự thịnh vượng chung.

"Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố then chốt thúc đẩy đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO