Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Google ra mắt Cẩm nang 'An toàn trực tuyến' trên Cổng không gian mạng quốc gia và lan tỏa đến 63 tỉnh thành trong cả nước nhằm giúp người dân, đặc biệt là người cao tuổi, phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng.
Theo các chuyên gia, Internet đã và đang là công cụ giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin, liên lạc và khám phá kiến thức mới. Tuy vậy, Internet cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và cạm bẫy.
Cùng với các nhóm đối tượng khác như trẻ em, sinh viên hay người lao động thu nhập thấp, thời gian qua, nhóm người cao tuổi cũng là 1 trong những đối tượng mà các nhóm tấn công lừa đảo nhắm tới.
Nguyên nhân là do người cao tuổi thường ít được tiếp cận, cập nhật các thông tin liên quan đến chống lừa đảo, vì thế, các đối tượng này không có đủ sức đề kháng để ứng phó các thủ đoạn lừa đảo tinh vi của kẻ xấu.
Do đó, Cẩm nang "An toàn trực tuyến" cung cấp các thông tin cơ bản nhất để giúp mọi người, nhất là người cao tuổi, biết cách phòng tránh lừa đảo trực tuyến và thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng.
Cụ thể, trong Cẩm nang, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã điểm ra 15 hình thức lừa đảo nhắm đến nhóm đối tượng người cao tuổi như: Lừa đảo ‘combo du lịch giá rẻ’; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo ‘khóa SIM’ vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng...
Các nội dung trong cẩm nang 'An toàn trực tuyến’ được chọn lọc, thể hiện dưới hình thức infographic dễ nhìn, dễ hiểu và áp dụng. Cẩm nang cũng được gán mã QR code để mọi người dễ dàng hơn trong việc sử dụng làm ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân.
Trong đó, ở nội dung ‘Phòng tránh lừa đảo trực tuyến’, ngoài việc nêu ngắn gọn khái niệm về lừa đảo trực tuyến, ấn phẩm cũng điểm ra các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến, cách nhận biết lừa đảo, nguyên tắc phòng tránh lừa đảo, cần làm gì khi đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến…
Ngoài việc phát hành Cẩm nang, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã chỉ đạo Cổng tri thức Thánh Gióng phối hợp với Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng tổ chức chương trình tập huấn thanh niên hỗ trợ người cao tuổi phòng chống thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Cẩm nang 'An toàn trực tuyến’ đã được sử dụng trong các chương trình tập huấn, chia sẻ kiến thức an toàn trên mạng với thanh niên nòng cốt ở 63 tỉnh thành phố. Để từ đó, thanh niên có thể hướng dẫn cho người cao tuổi sử dụng mạng Internet an toàn hơn và giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ, góp phần hình thành một môi trường Internet an toàn, lành mạnh và bổ ích cho mọi lứa tuổi.