(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để chuẩn bị báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, ngày 5/5, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kết quả những tháng đầu năm 2020.
Phiên họp mở rộng của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về nội dung hình thức của Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kết quả những tháng đầu năm 2020 tại Kỳ họp này có những điểm khác biệt so với thông lệ các Kỳ họp trước. Năm 2020 có đặc thù là tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội gắn với diễn biến, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.
Covid-19 tác động tiêu cực đến tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội
Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao và tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%.
Về tình hình 4 tháng đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, tác động của dịch Covid-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82% là mức tăng thấp nhất 10 năm qua nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới đây là mức tăng trưởng khá.
Kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.
Thương mại điện tử được đẩy mạnh, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, triển khai mạnh mẽ tứng dụng công nghệ thông tin.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thu ngân sách nhà nước bộ lộ rõ nét hơn, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm bằng 32,5% dự toán năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước được bảo đảm, tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm bằng 27% dự toán năm, tăng 9,8%.
Cân nhắc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Đánh giá cao kết quả trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, song tại phiên thảo luận các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung thêm phân tích, đánh giá, nhất là các giải pháp trong thời gian tới cần cụ thể hơn.
“Trước tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới, các nước đều dự báo suy giảm kinh tế thì ở Việt Nam cũng cần cân nhắc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Tiến Sinh phát biểu. “Vấn đề đặt ra là giảm bao nhiêu cần phải có dự báo, đánh giá, định lượng cụ thể không chỉ trong năm 2020 mà cho cả nhiệm kỳ, làm nền tảng cho giai đoạn sau”.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Tiến Sinh đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản tương ứng với dự báo thời gian dập dịch ở Việt Nam và trên thế giới, kéo theo đó là điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội được quy định trong Nghị quyết số 85 và 86 của Quốc hội cũng như ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, chất lượng đào tạo, việc làm…
Còn theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS.Cấn Văn Lực, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm nhận diện cơ hội thách thức từ nay đến cuối năm. Cần nhận diện có các thách thức mới như: thay đổi thói quen tiêu dùng, xu hướng đầu tư, liệu covid có dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu hay không?. Từ đó, cần có kịch bản trình Quốc hội thông qua trên cơ sở đó Chính phủ chủ động điều hành.
Theo ông Cấn Văn Lực, trong kịch bản cần tập trung ở 3 nhóm giải pháp: thứ nhất, triển khai gói hỗ trợ hiệu quả thực tế đối tượng tiêu chí chưa rõ ràng; thứ hai, làm gì để bù đắp và khai thác động lực tăng trưởng mới kinh doanh trực tuyến, kinh tế số, kinh tế tư nhân; thứ ba, làm gì để gia cố vững chắc cho tương lai, tăng sức chống trọi của kinh tế với biến cố bên ngoài.
Phát biểu làm rõ các vấn đề các vấn đề đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trước diễn biến nhanh phức tạp của dịch, Bộ có trình Chính phủ cập nhật kịch bản theo quý. Hiện nay Bộ cũng đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền báo cáo về kịch bản hậu Covid phục hồi kinh tế, định hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh còn Covid, lưu ý các chính sách kinh tế lồng ghép yếu tố phòng chống covid và ngược lại phòng, chống covid có tính đến kinh tế.