Cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép

Thanh Hải| 16/03/2022 16:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Chủ tịch Quốc hội mong muốn qua chất vấn sẽ có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn về các biện pháp của Bộ Công Thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sáng ngày 16/3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước…

Xăng dầu đang chịu sức ép rất lớn

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, một phần bị gián đoạn chuỗi cung ứng, phần khác vì xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt,…đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó nguồn cung và giá cả trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhất là về xăng dầu. Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo hệ thống phải nhập đủ sản lượng bù vào số lượng Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt. “Đến thời điểm hiện tại đã đủ nguồn cung xăng dầu cho hết tháng 3/2022”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu cao hơn mức bình thường để đảm bảo nguồn cung trong nước không lúc nào thiếu.

Phát biểu tại buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực được chất vấn.

Đối với với nhóm vấn đề về xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công Thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu).

Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo của Bộ Công Thương đã giải trình các vấn đề này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội mong muốn qua chất vấn sẽ có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.

Rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh với doanh nghiệp “găm hàng”

Qua khảo sát thực tế, đại biểu Phạm Xuân Hòa (Đồng Tháp) cho biết một số cây xăng khi được hỏi đều trả lời “không có xăng để bán”, trong khi Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung không thiếu. Với thực tế trên, đại biểu đặt cầu hỏi: có chuyện găm xăng dầu từ các doanh nghiệp phân phối, đầu mối hay không?.

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ thì chỉ có 211 cửa hàng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Còn những nơi không có hàng thì theo Bộ trưởng, chủ yếu do nhận nguồn hàng từ Nhà máy Nghi Sơn. Do đơn vị này dừng đột ngột nên ảnh hưởng. “Tuy nhiên, việc gián đoạn chỉ mất vài ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Còn với lo ngại tình trạng doanh nghiệp đầu mối găm hàng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã đã tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối. Hiện đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ nên chưa thể báo cáo cụ thể.

"Song nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Tham gia giải trình thêm về vấn đề bán lẻ xăng dầu được các đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng có thể có hiện tượng ghim hàng, chờ bán kiếm lời chênh lệch. Tuy nhiên, ở đây, nếu việc chiết khấu được nhà phân phối đặt ở mức bằng 0 thì người bán hàng không còn động lực bán hàng nữa là hoàn toàn có thể. Theo đó, cần xác định được nguyên nhân tổng hợp thì mới có được giải pháp để khắc phục giá xăng cao như hiện nay.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Cần áp dụng biện pháp cấp bách để cứu nền kinh tế, hỗ trợ được người dân

Liên quan đến các câu hỏi về điều hành giá, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60% tùy mặt hàng).

Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình UBTVQH xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí.

“Nếu đã sử dụng hết các công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá xăng dầu, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sẽ phải áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội,…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Qua chất vấn, đại biểu Quốc hội khẳng định việc xem xét điều chỉnh giảm thuế đối với xăng dầu trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giảm sắc thuế nào cần tính toán lại để đưa ra giải pháp hợp lý.

Với đề nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào, ngành công thương cũng rất cân nhắc. Qua bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công Thương thấy rằng, trong bối cảnh tình hình rất căng thẳng, giá xăng dầu thế giới tăng cao, để xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Bởi việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu nền kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, Bộ trưởng đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp”, Bộ trưởng lý giải.

Làm rõ thêm về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đầu vào của chúng ta không chỉ mặt hàng xăng dầu mà nhiều mặt hàng khác như bằng thép, hóa chất… đều phụ thuộc vào nước ngoài. Mặt hàng dầu thô năm ngoái phải nhập gần 10 triệu tấn và năm nay dự kiến nhập khẩu trên 7 triệu tấn. Sản lượng xăng dầu dự kiến năm nay cũng đáp ứng 50% nhu cầu. “Như vậy thì có nghĩa là chúng ta hoàn toàn phụ thuộc thị trường thế giới”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngành tài chính tính toán, với giá dầu thô 130 USD/thùng, thì giá cơ sở tính một lít xăng A92 là 18.855 đồng, thuế cộng vào là khoảng 30.800 đồng/lít. Tỷ lệ thuế chiếm 33,5% trên giá. Như vậy giảm thuế là một giải pháp trong nhiều giải pháp đồng bộ.

Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với Ngân sách Nhà nước cũng sẽ giảm mạnh. Bởi khi giảm 2.000 đồng/l xăng, 1.000 đồng/l dầu thì ngân sách giảm đi trên dưới 30 ngàn tỷ đồng.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính với Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ và một số giải pháp, trước mắt là phải đảm bảo nguồn cung. Thứ hai là chống buôn lậu xăng dầu. Thứ ba là giảm thuế môi trường đối với xăng dầu để đảm bảo cho vấn đề sản xuất kinh doanh và phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO