Cần thiết luật hóa quy định chi tiết các hành vi thao túng để đồng bộ với Bộ Luật Hình sự và đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, hướng đến thị trường chứng khoán phát triển bền vững và lành mạnh.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, Luật kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia (1 luật sửa 7 luật) do Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Chính phủ trình tại kỳ họp lần này, nhiều nội dung đang được các dư luận quan tâm.
Bộ Tài chính cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán tập trung vào 4 vấn đề: Bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng; Quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm thành viên bù trừ; Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết, các hành vi thao túng thị trường chứng khoán được quy định ổn định, thống nhất từ năm 2012 tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP (Điều 70) và tiếp tục được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điều 211), tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP (khoản 2 Điều 3).
Tuy nhiên, qua công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, các hành vi thao túng có nhiều phương thức khác nhau để tác động đến thanh khoản (tạo cung, cầu ảo) hoặc tác động đến giá chứng khoán.
Hiện Luật Chứng khoán đang quy định theo hướng mô tả chung về hành vi thao túng và mô tả chi tiết về các loại hành vi thao túng được quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP (tương tự các hành vi được coi là thao túng tại Bộ luật Hình sự).
Do hành vi thao túng có tính chất nghiêm trọng, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể bị chế tài xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cần thiết luật hóa quy định chi tiết các hành vi thao túng để đồng bộ với Bộ Luật Hình sự và đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, hướng đến thị trường chứng khoán phát triển bền vững và lành mạnh.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023, liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, Quốc hội yêu cầu “Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường chứng khoán,…” ; Và tại Phụ lục II.18 kèm theo Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ đề xuất sửa đổi, luật hóa quy định chi tiết các hành vi thao túng thị trường chứng khoán (tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán) đảm bảo quy định thống nhất giữa Luật Chứng khoán 2019 và Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017 trong mô tả hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán, đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn trong xử lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Đánh giá tác động, Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi, bổ sung này bảo đảm quy định thống nhất giữa Luật Chứng khoán 2019 và Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017 trong mô tả hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán, đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn (luật hóa quy định các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang được quy định tại Nghị định của Chính phủ) trong xử lý hành vi thao túng, đáp ứng yêu cầu công tác giám sát, kiểm tra giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, góp phần xử lý có hiệu quả hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về chứng khoán.