Nhìn ra thế giới

Căng thẳng Trung Đông đẩy tăng giá dầu và nhiều loại hàng hóa

Ngọc Diệp 13/10/2023 14:51

Vào phiên đầu tuần, cả hai loại giá dầu tăng vọt bởi dự báo về khả năng sẽ có những yếu tố gián đoạn với xuất khẩu dầu của Trung Đông sau khi căng thẳng địa chính trị leo thang tại khu vực này.

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sau khi Mỹ siết chặt chính sách với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga. Thực tế này không khỏi khiến nhiều người băn khoăn về rủi ro nguồn cung trong một thị trường vốn đã thiếu cung. Nguồn cung toàn cầu được dự báo sẽ giảm trong quý IV/2023.

Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, giá dầu Brent giao hợp đồng kỳ hạn tăng 50 cent, tương đương 0,6%, lên 86,50USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 64 cent, tương đương 0,8%, lên 83,55USD/thùng.

Tuần này, giá dầu Brent đang hướng đến tuần tăng 2,3% còn giá dầu WTI được dự báo tăng 0,9% trong tuần. Vào phiên đầu tuần, cả hai loại giá dầu tăng vọt bởi dự báo về khả năng sẽ có những yếu tố gián đoạn với xuất khẩu dầu của Trung Đông sau khi căng thẳng địa chính trị leo thang tại khu vực này và tiềm ẩn rủi ro có thể sẽ có xung đột quân sự trên quy mô lớn hơn.

Giá dầu để mất phần nào thành quả tăng trong tuần. Đến ngày thứ Năm, Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt với chủ sở hữu những tàu chở dầu của Nga được bán trên ngưỡng trần 60USD/thùng. Nga hiện là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, các biện pháp siết chặt xuất khẩu của phía Mỹ tiếp tục ảnh hưởng hơn nữa đến nguồn cung dầu toàn cầu.

Cũng trong ngày thứ Năm, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu bởi cho rằng kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng vững vàng trong năm nay và tăng trưởng nhu cầu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục lên mạnh.

“Các vấn đề liên quan đến nguồn cung hiện vẫn đang là tâm điểm quan tâm của thị trường”, chuyên gia hàng hóa cao cấp tại ngân hàng ANZ – ông Daniel Hynes nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình.

Ảnh hưởng của giá dầu tăng cao đang lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế thế giới, đẩy tăng giá đường, cao su và nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác, đồng thời khiến cho áp lực lạm phát leo thang.

Sau những diễn biến mới nhất liên quan đến căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, giá dầu đã liên tục duy trì ở những ngưỡng cao. Khi giá dầu tăng cao, đã có một số hoạt động bán ra chốt lời của không ít nhà đầu tư.

Trong thời gian, gần đây, giá xăng giảm bởi nhiều người cho rằng giá xăng cao sẽ làm giảm nhu cầu, diễn biến giá xăng vì vậy trái ngược hoàn toàn với diễn biến giá dầu. Giá nhiều loại hàng hóa khác tăng mạnh do chịu ảnh hưởng từ giá dầu cao.

Trên thị trường New York, giá đường thô giao hợp đồng tương lai đóng cửa ở mức 27,05 cent/pound, tăng 18% so với thời điểm cuối tháng 6/2023. Vào ngày 19/9/2023, giá đường thô có lúc tăng lên ngưỡng 27,62 cent/pound, ngưỡng cao nhất trong vòng 12 năm. Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá đường có lúc hạ xuống mức 26,58 cent/pound.

Tính từ cuối tháng 7/2023 khi mà Saudi Arabia và Nga cùng công bố cắt giảm sản lượng dầu cho đến nay, giá đường đã diễn biến theo sát giá dầu thô.

Nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ đầu cơ giá đường. Tính toán từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy tính đến ngày 26/9/2023, lĩnh vực phi thương mại trong đó có bao gồm các quỹ đầu tư nắm ước tính 239.240 hợp đồng đường tương lai, tăng 9% so với thời điểm cuối tháng 6/2023.

Đồn đoán về khả năng giá dầu cao sẽ đẩy tăng giá nhiên liệu và nhu cầu ethanol, loại nhiên liệu sinh học có giá tương đối rẻ, đang làm giá đường tăng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng Trung Đông đẩy tăng giá dầu và nhiều loại hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO