Chỉ số PMI ngành sản xuất giảm do ảnh hưởng của Covid-19

Thanh Hải| 03/04/2020 14:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam giảm từ 49 điểm của tháng 2/2020 xuống 41,9 điểm trong tháng 3/2020, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2012 và là mức thấp nhất trong 9 năm qua.

Báo cáo “PMI® ngành sản xuất Việt Nam” vừa được IHS Markit - công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các thông tin, phân tích và các giải pháp quan trọng cho các ngành và thị trường lớn mà đang là động lực cho các nền kinh tế trên toàn cầu - vừa công bố cho thấy, dịch bệnh do Covid-19 có ảnh hưởng mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3.

Kết quả khảo sát cho thấy, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm mạnh từ 49,0 điểm của tháng 2/2020 về 41,9 điểm trong tháng 3/2020. Mức độ giảm đã mạnh hơn mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 7/2012 và thấp nhất trong 9 năm qua.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3/2020. Khoảng 42% số người tham gia khảo sát cho biết sản lượng ngành sản xuất đã giảm vào thời điểm cuối quý I/2020. Sự suy giảm mạnh được ghi nhận ở tất cả ba lĩnh vực: hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh do Covid-19 đã khiến các công ty phải giảm số lượng nhân viên. 

Cùng chung nhận định, báo cáo về tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2020 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm rưỡi qua. Chỉ số PMI của Việt Nam giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2/2020 - mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn bốn năm qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017, 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Thực hiện rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước. Đồng thời phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước.

Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số PMI ngành sản xuất giảm do ảnh hưởng của Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO